Từ khi còn học THCS, Yên Thanh đã chọn con đường học tập, nghiên cứu lĩnh vực lập trình tin học. Thanh tâm sự: “Từ lớp 6 em đã làm quen với máy tính rồi say mê lúc nào không hay. Mới đầu chỉ là ham chơi game nhưng chơi hoài cũng chán nên mày mò khám phá những chức năng của máy và đã cài các phần mềm tải trên mạng về làm thử”.
Lên THPT, Thanh thi vào lớp toán Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) và bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về lập trình. “Càng đi sâu vào nghiên cứu càng thấy mê vì mình khám phá ra những điều mới lạ, hữu ích. Hơn nữa, mỗi lần khám phá ra được một điều gì đó mình có thể áp dụng ngay trong công việc và đời sống”, Thanh chia sẻ.
Phát hiện Thanh có năng khiếu trong lĩnh vực lập trình nên nhà trường tiếp tục đào tạo kiến thức chuyên môn tin học để cậu học trò phát huy sức sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, Thanh cho biết trong quá trình tìm kiếm tài liệu để nghiên cứu cũng gặp nhiều khó khăn. Thanh nhớ lại: “Hồi đó, ngoài giờ học, em thường lên các diễn đàn lập trình để học hỏi những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Khi mới mới tập tành làm phần mềm, không phải lúc nào mình cũng gặp thuận lợi vì thiếu nguồn tài liệu. Nhiều khi gặp những phần mềm nhiều chức năng thì không thể tự mày mò, học hỏi mà phải nhờ người hướng dẫn, giúp đỡ”.
Thanh đã tạo ra những phần mềm cho trường THPT, có tính ứng dụng cao như Quản lý nền nếp học sinh, Quản lý thư viện trường và Quản lý tuyển sinh. Phần mềm quản lý nền nếp học sinh được thiết kế hiệu quả với bảng xếp hạng hằng tuần các lớp, thống kê vi phạm và xếp hạnh kiểm cho từng học sinh. “Cuối năm, học sinh nào vi phạm gì đều được ghi lại trong phần mềm hết. Hồi đó, em sợ bạn bè, đâu dám nói phần mềm đó mình làm”, Thanh cười kể.
Chỉ trong 3 năm học THPT, Thanh đã mang về cho trường nhiều giải thưởng tin học cấp quốc gia, đặc biệt là đạt danh hiệu thủ khoa toàn quốc cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm học 2011 - 2012 và được tuyển thẳng vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Bước vào môi trường đại học, sau những bỡ ngỡ ban đầu, Thanh đã bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời phần mềm “Busmap - bản đồ xe buýt” mang đi dự thi và đã đoạt giải nhất tại Hội thi Tin học trẻ TP.HCM. Thanh cho hay sản phẩm này được chuyển giao cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM để triển khai ứng dụng.
Đánh giá về phần mềm Busmap, anh Trần Đức Sự, Phó giám đốc Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ TP.HCM, cho rằng: “Busmap có chức năng tra cứu thông tin chi tiết và lộ trình của tất cả các tuyến xe buýt tại TP.HCM, cũng như tìm kiếm các trạm dừng xung quanh vị trí bạn đang đứng, giúp bạn dễ dàng biết được thông tin của các tuyến xe buýt gần nhất.
Phần mềm giúp người sử dụng dễ dàng đi theo các lộ trình gợi ý được đưa ra mà không sợ bị lạc đường. Ngoài ra, Busmap còn được trang bị tính năng theo dõi lộ trình đi và thông báo cho người dùng khi gần đến trạm dừng, giúp bạn có thể yên tâm không sợ bị xuống sai trạm”.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) nhận xét: “Busmap mang tính ứng dụng cao vì nó hỗ trợ hành khách đi xe buýt tốt nhất. Chúng tôi sẽ phối hợp với tác giả đề tài để hoàn thiện và triển khai vào thực tế trong tương lai để phổ biến cho hành khách”.
Ngoài việc tạo ra những sản phẩm, phần mềm có tính ứng dụng cao, Thanh còn tích cực viết những bài báo khoa học chuyên ngành tham dự các hội nghị khoa học quốc tế. Cụ thể, Thanh đã có một bài báo đăng tại hội nghị về lập trình quốc tế ở Hy Lạp, được tham dự trình bày một nghiên cứu tại Singapore.
Lê Yên Thanh từng đoạt giải nhất cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á năm 2013; giải Hornorable Mention cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC thế giới năm 2014; Cúp vàng khối thi siêu cúp Olympic tin học sinh viên VN năm 2012; 4 năm liên tục nhận học bổng Odon Vallet; giải thưởng Quả cầu vàng năm 2014. |