Năm học phát triển toàn diện các cấp học

Năm học phát triển toàn diện các cấp học

(GD&TĐ) - Ngày 26/6, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Hội nghị Tổng kết vùng thi đua số 5, năm học 2011-2012. Năm học 2011-2012, ngành GD các tỉnh vùng thi đua số 5 có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng GD, nhiều địa phương có cách làm linh hoạt, sáng tạo để khắc phục những khó khăn và tìm giải pháp phát triển các cấp học…

Linh động phát triển từng cấp học

Đến dự Hội nghị có ông Nguyễn Đình Mạnh- Phó Chánh Văn phòng Bộ GD& ĐT cùng CQĐD Bộ GD& ĐT tại TP. HCM. Vùng thi đua số 5 gồm có 7 Sở GD& ĐT: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh.

Mỗi tỉnh trong vùng có đặc thù riêng, với những khó khăn, thuận lợi nhất định nhưng trong năm học 2011-2012 các cấp học trong vùng thi đua được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ. Sự quan tâm của Bộ GD& ĐT, các tỉnh còn nhận được sự quan tâm đầu tư từ UBND tỉnh, huyện và các ban, ngành nên sự nghiệp GD có được nhiều thuận lợi để phát triển.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Về GDMN, theo thực tế từng địa phương, UBND tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện trong từng giai đoạn như bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ GV mầm non, tăng cường CSVC, mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học, đồ chơi và tổ chức cho các địa phương trong địa bàn các tỉnh đăng ký xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo từng năm… Tính đến tháng 5/2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 1 huyện (Côn Đảo) và 6 xã được công nhận PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, dự kiến cuối năm 2012 mỗi tỉnh trong vùng sẽ có từ 10- 20 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. 

GD Tiểu học, các tỉnh khắc phục khó khăn để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, coi đây là mục tiêu hàng đầu trong nâng cao chất lượng GD… Đối với HS dân tộc thiểu số, các địa phương tập huấn, bồi dưỡng chương trình hỗ trợ và dạy tiếng Việt cho các em chuẩn bị vào lớp 1. Một số địa phương có cách làm linh hoạt, mang lại hiệu quả như giãn chương trình từ 35 lên 50 tuần ở Đồng Nai; huy động trẻ 5 tuổi là người dân tộc ra học chung với lớp 1 để làm quen với tiếng Việt ở Bình Phước; vận dụng có hiệu quả chuyên đề Tăng cường tiếng Việt đã được dự án PEDC tập huấn tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận,…

GD Trung học, bên cạnh các hoạt động khác, các địa phương thực hiện tốt công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho HS. Một số trường ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh tổ chức cho HS tham quan các cơ sở sản xuất của địa phương và giao lưu với các trường ĐH, CĐ để các em có điều kiện tìm hiểu thêm về ngành nghề và định hướng chọn nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội. Các tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch và nâng cao chất lượng PCGD THCS và PCGD trung học.

GDTX các tỉnh củng cố và phát triển hiệu quả, bền vững các cơ sở, thành lập mới những nơi chưa có cơ sở GDTX như Tây Ninh xây mới 2 trung tâm GDTX huyện với tổng kinh phí 25 tỉ/trung tâm. Một số tỉnh đã sáp nhập trung tâm HTCĐ với trung tâm Văn hóa - Thể thao thành trung tâm VH-TT-HTCĐ để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân địa phương. 

Tìm giải pháp cho sự nghiệp giáo dục vùng 

Theo thống kê, số HS bỏ học trong năm của vùng thấp nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cao nhất là tỉnh Bình Thuận. Trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 604 HS bỏ học, tỷ lệ 0,32%; Bình Dương có 1.374 HS bỏ học, tỷ lệ 0,8%; Bình Phước có 1.059 HS bỏ học, tỷ lệ 0,6%; Bình Thuận có 3.765 HS bỏ học, tỷ lệ 1,62%; Đồng Nai có 3.177 HS bỏ học, tỷ lệ 0,73%; Ninh Thuận có 918 HS bỏ học, tỷ lệ 0,84%; Tây Ninh có 1.618 HS bỏ học, tỷ lệ 0,93%. Qua số liệu thống kê thì tỷ lệ HS bỏ học cao nhất vẫn là HS bậc THCS và THPT. 

Các đại biểu phát biểu ý kiến
Các đại biểu phát biểu ý kiến

Sau năm học, các địa phương đã tập trung nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc gặp phải. Theo đó những thách thức đặt ra cho vùng như cơ sở vật chất trường học ở một số địa phương còn hạn chế, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với yêu cầu nhất là ở các xã vùng núi, vùng cao, vùng có điều kiện KTXH khó khăn, phòng học Mầm non chưa được đầu tư thỏa đáng, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học còn khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do kinh phí đầu tư và quỹ đất xây trường học. Việc đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT chưa đồng bộ, chất lượng GD ở vùng núi, vùng cao, vùng điều kiện KTXH khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu, còn chênh lệch giữa các vùng miền,… Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu số lượng di dân tự do thay đổi liên tục dẫn đến số lượng HS tăng cao, bị động trong việc sắp xếp trường lớp, sĩ số HS…

Tại hội nghị, các đại biểu có nhiều đóng góp ý kiến với mục tiêu hướng đến phát triển sự nghiệp GD của các địa phương trong thời gian tới. Ông Đổng Ngọc Lập, GĐ Sở GD Tây Ninh kiến nghị Bộ sớm triển khai Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 20 về công tác xét tuyển, thuyên chuyển GV, nhân viên vì hiện nay hướng dẫn thực hiện chưa có… Nên sớm sáp nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc là một, vì duy trì nhiều năm, GD phát triển, tỷ lệ tốt nghiệp khá cao nên thống nhất lại… 

Ông Nguyễn Thiệp- PGĐ Sở GD Đồng Nai đưa ra một số vấn đề đang “nóng” hiện nay như việc kiểm tra trình độ GV tiếng Anh. Ông Thiệp cho biết ngay cả một số GV tốt nghiệp ĐH cũng khó mà đạt trình độ ngay theo chuẩn đặt ra. Theo ông Thiệp cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho GV theo tiêu chuẩn của kỳ thi theo chuẩn quốc tế. Nếu không sẽ rất khó nên cần Bộ chỉ đạo để các Sở GD có kế hoạch… Vấn đề tiếp theo ông Thiệp đặt ra là Điều lệ Hội cha mẹ HS, hiện nay có những điều không được phép, có những việc Hội cham mẹ HS đồng tình cao nhưng khi làm thì vướng điều lệ. Cần phải nhìn nhận rằng hội cha mẹ HS là một trong những nguồn lực hỗ trợ cho GD, nhà trường, hỗ trợ kỹ năng cho HS rất tốt. Ông Thiệp cũng nêu ra khó khăn chung các địa phương gặp phải hiện nay là theo điều lệ nhà trường mỗi lớp không quá 45 HS (THCS và THPT), nhưng nhiều nơi HS THCS sĩ số lớp giảm qua từng năm, bình quân từ 30 - 35 em/lớp, từ đó dẫn đến thừa GV làm các địa phương rất lo và chưa có hướng giải quyết…

Ông Nguyễn Văn Hùng- GĐ Sở GD Bình Phước đưa ra vấn đề dạy môn ngoại ngữ trường phổ thông. Ông Hùng cho biết đang lo lắng trình độ GV dạy ngoại ngữ trong nhà trường khi chưa tới 10% GV đạt chuẩn theo khảo sát. Đây cũng là vấn đề đặt ra với các tỉnh về chất lượng và trình độ GV ngoại ngữ. Theo ông Hùng nên xem lại đào tạo ở các trường Sư phạm… Với quan điểm này, bà Nguyễn Hồng Liêu- GĐ Sở GD Ninh Thuận cho biết, khi thực hiện Đề án ngoại ngữ, sẽ gặp khó về trình độ GV. Không đạt điều kiện năng lực, đa phần GV hợp đồng, nhất là GV Anh văn Tiểu học vì đây môn tự chọn nên GV hợp đồng, vậy tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, đạt chuẩn cho họ thế nào. Vấn đề nâng cao trình độ ngoại ngữ đội ngũ cốt cán còn nhiều bất cập,… Các trường Sư phạm cần đổi mới đào tạo GV tiếng Anh…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Mạnh- Phó Chánh Văn phòng Bộ GD& ĐT đánh giá cao những nỗ lực của vùng thi đua số 5 trong năm học vừa qua. Trong đó ghi nhận những mặt mạnh vùng 5 như GD dân tộc; tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng trường lớp các cấp học; ứng dụng CNTT trong dạy- học; công tác PCGD MN 5 tuổi; một số địa phương quan tâm GD mũi nhọn… Ông Mạnh hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các đại biểu và tiếp thu để trình lãnh đạo Bộ xem xét và có hướng giải quyết trong thời gian tới…

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ