Chia sẻ về Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Hiệu trưởng Trần Đức Quý cho biết: Có tiền thân từ Trường chuyên nghiệp Hà Nội thành lập năm 1898 và Trường chuyên nghiệp Hải Phòng thành lập từ năm 1913, nâng cấp thành trường ĐH từ năm 2005; Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là trường đa cấp, đa ngành, đào tạo theo hướng công nghệ ứng dụng, với hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm và máy móc, thiết bị hiện đại hang đầu trong các trường ĐH của Việt Nam.
Mỗi năm, nhà trường cung cấp cho thị trường lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài trên 10.000 thạc sĩ, kĩ sư, cử nhân, kĩ thuật viên có kiến thức, kĩ năng và tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô và đất nước.
Hiện nay, quy mô đào tạo của Trường duy trì ở 40.000 học sinh, sinh viên với 1.775 cán bộ, giảng viên (90% có trình độ từ thạc sĩ trở lên, 10% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 7 PGS...).
Trong bối cảnh nhiều trường ĐH khó khăn trong tuyển sinh, nhưng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội hàng năm đều tuyển đủ chỉ tiêu. Đây cũng là trường có những kết quả hoạt động đặc biệt nổi bật trong đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội…
Đồng chí Hoàng Trung Hải (thứ 4 từ trái sáng) trồng cây lưu niệm tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. |
Chia sẻ mục tiêu, phương hướng xây dựng, phát triển nhà trường giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2015; xây dựng nền móng và chuẩn bị những điều kiện, nguồn lực vững chắc để trình đề án tự chủ ĐH vào năm 2017, PGS Trần Đức Quý cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Bí thư Thành ủy và các sở, ban ngành thành phố Hà Nội liên quan đến việc giải phóng mặt bằng; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên; đào tạo các khóa ngắn hạn về ngoại ngữ cho học sinh trường nghề và trung tâm GDTX…; giúp phát triển nhà trường lên tầm cao mới trong giai đoạn tới.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhắc lại truyền thống vẻ vang, đánh giá cao những phát triển vượt bậc của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong thời gian qua; đặc biệt trong công tác phát triển Đảng; đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên; nhận thức sớm về công tác hội nhập, đào tạo gắn với thực tiễn; đáp ứng yêu cầu xã hội…, tạo một lực hấp dẫn mạnh đối với sinh viên. Nhà trường đã có hướng đi đúng, cần tiếp tục và cần quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Nhận định chúng ta còn có khoảng cách khá xa với quốc gia khác, phải có hướng đi đúng mới thu hẹp được khoảng cách đó, ông Hoàng Trung Hải đưa ra một số gợi ý cho Trường ĐH Công nghiệp để tăng cường hội nhập, như tăng cường giao lưu với giáo viên, giảng viên các nước; truyền bá hình ảnh của nhà trường không chỉ phạm vi trong nước để thu hút sinh viên nước ngoài để học tập…Có định hướng phát triển nhà trường lâu dài hơn về quy hoạch địa điểm, xây dựng không gian…
“Mong rằng trong quá trình phát triển của thành phố, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, với lực lượng PGS, TS, các nhà nghiên cứu khoa học, sẽ có những tham gia hợp tác, đóng góp, hiến kế cho thành phố trong qua trình phát triển” – Ông Hoàng Trung Hải đề nghị.