Mục đích nhằm khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
Đây là một nội dung đáng chú ý trong công văn Bộ GD&ĐT gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo địa phương năm 2017
Cũng trong công văn này, Bộ GD&ĐT đề nghị căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của các trường quy định tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở đào tạo trực thuộc địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lưu ý là chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo các quy định nêu trên là năng lực đào tạo tối đa của cơ sở đào tạo.
Vì vậy, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực; thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của địa phương và xã hội.
Về kế hoạch tài chính, trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo năm 2017 và các định mức, chế độ, chính sách hiện hành, Sở GD&ĐT chủ trì hướng dẫn xây dựng và tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho GD&ĐT các đơn vị trực thuộc và toàn tỉnh/thành phố, trình UBND tỉnh/thành phố tổng hợp vào dự toán ngân sách địa phương, báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Dự toán chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2017 xây dựng trên cơ sở hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách hiện hành, trong đó dự toán chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương theo đúng các chế độ đã ban hành trước thời điểm lập dự toán và chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo dục và đào tạo đã ban hành.
Trên cơ sở định mức trên, bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) tối đa 80%, chi thực hiện nhiệm vụ giáo dục không kể chi tiền lương và các khoản có tính chất lương tối thiểu 20% (chưa kể nguồn thu học phí).
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm, đặc biệt là dự toán chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức hội nghị, hội thảo, tổng kết và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác…