(GD&TĐ)- Theo báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, trước diễn biến ngày càng phức tạp của hoạt động phạm tội ma túy, trong năm 2012, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cả nước đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, gian khổ, tích cực bám tuyến, bám địa bàn; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh mạnh với các loại tội phạm về ma túy.
Nhiều vụ buôn bán, tàng trữ ma túy, heroin được lực lượng chức năng bắt giữ (ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy luôn chủ động tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát PCTP và giám đốc Công an các tỉnh, thành phố, cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy.
Điển hình như: Xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm 9 năm triển khai thực hiện Quyết định 133 của Thủ tướng chính phủ về quy chế phối hợp đấu tranh PCMT của 4 lực lượng Công an, Hải Quan, Biên Phòng, Cảnh sát biển; 02 năm thực hiện Phương án 592 về giải quyết tình hình phức tạp về ANTT tại 3 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) và Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La) và các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy.
Vì vậy, lực lượng CSĐT TP về ma túy đã tập trung đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, triệt phá các tụ điểm ma túy phức tạp, các diện tích trồng và tái trồng cây chứa chất ma túy, vận động, truy bắt nhiều đối tượng truy nã về ma túy...
Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 19.582 vụ, 29.786 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy (tăng 2.435 vụ, 4.853 đối tượng so với năm 2011), trong đó có 29 vụ, 51 đối tượng có yếu tố nước ngoài. Tang vật bị thu giữ gồm: hơn 390kg heroin; hơn 2,1kg cocain; 74,6kg thuốc phiện; 134,5kg cần sa khô; 128,9kg và 335.470 viên MTTH (nhiều hơn 183kg heroin; 87,1kg và 216.863 viên MTTH so với năm 2011) cùng nhiều phương tiện, tài sản, vật chứng liên quan. Số lượng các loại ma túy thu giữ, bắt giữ đối tượng phạm tội tăng 14,2% so với năm 2011.
Tuy nhiên, do nằm gần khu vực “Tam giác vàng” và “Trăng lưỡi liềm vàng” nên Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động tội phạm ma túy ở các khu vực này. Do vậy, hoạt động phạm tội ma túy tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Tính đến cuối năm 2012, tại Việt Nam có khoảng 170.000 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát (chiếm 0,2% tổng dân số), đây là yếu tố phát sinh nguồn “cầu” ma túy; hơn nữa lợi dụng triệt để những thuận lợi về vị trí địa lý, các đường dây phạm tội ma túy quốc tế đã và đang tìm cách móc nối với các đối tượng ở trong nước hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia để vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa đi nước thứ ba.
Hoạt động của tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ nhất là trên các tuyến trọng điểm phức tạp như tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam -Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia, tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế. Gắn liền với các địa bàn trọng điểm như: Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh...
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đối tượng cầm đầu ít khi bộc lộ thân phận mà thường sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại như điện thoại di động, Internet để chỉ đạo “chân rết” tìm nguồn hàng, cung cấp về tài chính và thuê đối tượng vận chuyển. Tội phạm ma túy có xu hướng mua bán, giao dịch với số lượng lớn, trang bị vũ khí “nóng”; tính chất hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh, câu kết với đối tượng hình sự, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc để giải cứu đồng bọn, thậm chí tự sát để bịt đầu mối.
Tình hình sản xuất, mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp đặc biệt là ma túy dạng “đá” có xu hướng gia tăng. Nếu như trước đây việc điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp được thực hiện bằng các nguyên liệu sẵn có như các loại hóa chất, thuốc tân dược với phương pháp thủ công và qui mô nhỏ lẻ, sản lượng ít, chất lượng thấp thì gần đây một số đối tượng là người Việt Nam từng có thời gian sống ở nước ngoài đã móc nối với các đối tượng người nước ngoài để tổ chức sản xuất ma túy tổng hợp với qui mô lớn hơn, chất lượng ma túy thành phẩm cũng cao hơn. Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài tiếp tục phức tạp, nhất là các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua đường hàng không.
Tính riêng năm 2012 Việt Nam đã phát hiện 30 vụ lớn phức tạp, bắt 86 đối tượng, thu giữ 57,95kg heroin, 66,97kg và 216.300 viên ma túy tổng hợp, 1 tấn cần sa khô, 2,06kg cocain. Nếu như những năm trước đây chủ yếu là các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi Úc do các đối tượng là Việt kiều cầm đầu thì thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện bắt giữ các đường dây do các đối tượng người gốc Phi cầm đầu. Chúng thường tìm cách lôi kéo, lợi dụng phụ nữ Việt Nam và một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Philippin, Indonesia, Trung Quốc... tham gia vận chuyển ma túy từ nước ngoài qua các cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam đi quốc gia khác tiêu thụ.
Năm 2012, Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 21 vụ, 32 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không quốc tế; thu giữ 31,6kg heroin; 58,4kg ma túy tổng hợp dạng “đá”…
Linh Hằng