(GD&TĐ) - Năm 2011 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%; nhập siêu dưới 20% so với tổng kim ngạch xuất khẩu; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 7%...
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã bước đầu định hướng một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội của năm 2011.
Trong năm tới, sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2010 gắn với thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và tăng cường ổn định chính trị, xã hội.
|
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2010. Ảnh,Chinhphu.vn |
Dự báo khả năng đạt được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của cả năm 2010 là hiện thực, Nghị quyết nêu rõ.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2010, Chính phủ nhận định: các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đang được thực hiện có kết quả. Tăng trưởng GDP quý III/2010 có khả năng đạt trên 7%. Thu ngân sách nhà nước đạt cao so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm được kế hoạch chi và có thể giảm bội chi; đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển có tiến bộ; xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, nhập siêu tiếp tục xu hướng giảm; giá cả thị trường về cơ bản được giữ ổn định, lạm phát kiềm chế trong tầm kiểm soát. An sinh xã hội được bảo đảm và tiếp tục tăng cường…
Trên cơ sở kết quả đạt được của 8 tháng đầu năm, dự báo khả năng đạt được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của cả năm 2010 là hiện thực, làm tiền đề thuận lợi để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn: giá cả trên thị trường thế giới có xu hướng tăng, gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước; lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn còn ở mức khá cao; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường lúa gạo trong nước và thế giới, điều tiết việc chủ động xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại quy hoạch các ngành, nghiên cứu, khẩn trương đề xuất đổi mới, chấn chỉnh việc phân cấp quản lý đầu tư, tăng cường quản lý nhà nước theo quy hoạch thống nhất, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như sản xuất thép, xi măng, khoáng sản, điện, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định
Đồng thời, Bộ sẽ chủ trì tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực dịch vụ công, đề xuất giải pháp khắc phục những mặt hạn chế trong công tác này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá về chỉ số giáo dục ở các khu vực Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV/2010.
Bên cạnh đó tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình tổ chức, hoạt động của các trường bán trú dân nuôi, đề xuất việc hỗ trợ cho học sinh các trường này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong đầu Quý IV năm 2010.
Trước hiện tượng nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài, nhất là ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá tác động xã hội của hiện tượng này, đề xuất các giải pháp quản lý, hạn chế những tác động tiêu cực của hiện tượng này, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ.
Giang Đông