(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ Charles Frank Bolden Jr trong cuộc họp báo từ xa với phóng viên các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ trụ sở Trung tâm Báo chí Đông Á (Nhật Bản).
Vệ tinh Jason-3 của NASA là thế hệ tiếp nối các vệ tinh theo dõi sự thay đổi mực nước biển toàn cầu và hỗ trợ dự báo thời tiết, khí hậu đại dương. |
Nghiên cứu vũ trụ - con đường mở
Theo nguyện vọng của Tổng thống Mỹ Obama về việc phát triển quan hệ thương mại với các đối tác phi truyền thống, nhiều đoàn công tác của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã đến thăm và làm việc tại các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang lên trên thế giới. Hầu hết các quốc gia này đều có những mối quan tâm chung về khoa học vũ trụ, trong đó có vấn đề theo dõi từ xa.
Tháng 12 năm ngoái, Trung tướng Charles Frank Bolden Jr - Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - đã làm việc với các quan chức và đồng nghiệp của ông tại Hà Nội về lĩnh vực nghiên cứu vệ tinh. Tại Kualumpur, đại diện NASA cũng đã tham dự Diễn đàn Không gian châu Á Thái Bình Dương và được gặp gỡ các lãnh đạo của các cơ quan nghiên cứu không gian trong khu vực.
Mối quan tâm của Mỹ là việc phát triển công nghiệp vũ trụ trên toàn thế giới. Đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama cũng như của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ. Cơ quan này cũng đang làm việc với Quốc hội và Chính phủ Nhật về việc hợp tác thương mại trong lĩnh vực hàng không vũ trụ nhằm giải quyết các vấn đề đang diễn ra ở hai nước trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Với đối tác Nhật Bản, NASA sẽ hợp tác thương mại với công ty Mitsumishi Electric Company, cung cấp các thiết bị thông tin và điều khiển cho tàu vũ trụ.
Một trong những sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ sẽ diễn ra tại Bắc Kinh cuối tháng 9. Lãnh đạo cơ quan hàng không các quốc gia trên thế giới sẽ gặp gỡ để thảo luận về phương thức hợp tác và xác định lộ trình khám phá vũ trụ trên quy mô toàn cầu, các biện pháp hỗ trợ cho các nỗ lực thực hiện lộ trình này; đồng thời chia sẻ những vấn đề thiết yếu nhất của Trạm du hành vũ trụ quốc tế.
Tháng Giêng năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ và bộ phận Kế hoạch và công nghệ thuộc Văn phòng Tổng Thống sẽ tổ chức Diễn đàn Quốc tế cấp bộ trưởng về khám phá vũ trụ tại Washington với các đại biểu đến từ khắp thế giới để thảo luận về sự hợp tác giữa Mỹ và các nước trong tương lai.
Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ Charles Frank Bolden Jr. |
Phương tiện hữu hiệu đối phó với thay đổi khí hậu
Cùng với các thông tin về sự tìm kiếm và mở rộng đối tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, Trung tướng Charles Frank Bolden Jr. phát biểu: “Với tư cách là người đứng đầu NASA - Cơ quan Hàng không Vũ trụ lớn nhất và có thành tựu nhất hiện nay, tôi khẳng định rằng Mỹ vẫn sẽ là quốc gia dẫn đầu trong công nghiệp vũ trụ, nhưng Mỹ cũng mong muốn khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia khác cùng phát triển nền công nghiệp này theo hướng thiện chí và công bằng cho mọi người. Đó cũng là điều chúng tôi sẽ thảo luận trong các hội thảo quốc tế sắp tới”.
Các “chương trình xanh”, vấn đề thay đổi khí hậu… đang là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia hiện nay, bởi vì toàn thế giới đang phải gánh chịu những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa lớn, lũ lụt, hạn hán…
Ông Bolden cho rằng nhân loại cần phải sát vai nhau tìm cách đối phó. Phần lớn các vệ tinh hiện hành đều được sử dụng để theo dõi các thông số về biến đổi khí hậu, tiến hành các nghiên cứu trên toàn cầu…
Để đạt mục tiêu, Chính phủ và Bộ Nội Vụ Mỹ đã sử dụng một cách hiệu quả các vệ tinh và máy bay vũ trụ không người lái Gobal Hoowk, có khả năng bay một mạch 60 giờ, để theo dõi và nghiên cứu những thay đổi trên mặt đất cũng như hiện tượng ấm lên khiến băng tan ở cả hai cực Trái Đất – nguyên nhân gây ra sự tăng lên của mực nước biển, đang và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia ven biển như Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản,… trong thập kỷ tới.
Theo ông Bolden, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ và chính phủ ông Obama mong muốn tìm hiểu các hiện tượng đang diễn ra tại các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, qua đó có thể làm việc với chính phủ các nước này nhằm tìm ra giải pháp đối phó hiệu quả với tình trạng khí hậu thay đổi đang diễn ra trên toàn cầu.
Kiều Trinh ghi