Mỹ thoát vỡ nợ nhưng chi tiêu quốc phòng bị thắt chặt

GD&TĐ -Thỏa thuận trần nợ giúp Mỹ thoát khỏi vỡ nợ nhưng các khoản chi tiêu cho xe tăng, máy bay trực thăng sẽ bị ngừng lại.

Chi tiêu thường xuyên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho việc nâng cấp xe tăng, máy bay trực thăng và tàu sẽ bị thắt chặt.
Chi tiêu thường xuyên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho việc nâng cấp xe tăng, máy bay trực thăng và tàu sẽ bị thắt chặt.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tính bước ngoặt nâng trần nợ giúp nước Mỹ thoát khỏi cảnh vỡ nợ lịch sử. Tuy nhiên dự luật cũng hạn chế chi tiêu liên bang. Điều này khiến một số khoản thanh toán thường xuyên của Lầu Năm Góc cho các thiết bị quân sự bị dừng lại.

Theo Reuters, các mặt hàng quốc phòng có mức độ ưu tiên thấp hơn như xe tăng, nâng cấp máy bay trực thăng và tàu, thường được thanh toán như một phần của ngân sách quốc phòng, có thể không được tài trợ.

Trong số các danh sách "ưu tiên thấp hơn và không được tài trợ" có xe tăng Abrams do General Dynamics sản xuất, một chiếc máy bay do Lockheed Martin sản xuất và một con tàu dành cho Thủy quân lục chiến do Huntington Ingalls Industries sản xuất.

Các khoản thanh toán cho những dịch vụ này trị giá 16 tỷ USD, thường được chi lập tức hàng năm từ Lầu Năm Góc. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ không thể mạnh tay.

Thỏa thuận nợ giới hạn chi tiêu an ninh quốc gia trong năm tài khóa 2024 ở mức 886 tỷ USD, đây là điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu.

Reuters cho biết, vài năm gần đây, Quốc hội Mỹ đã tăng chi tiêu quốc phòng nhiều hơn mọi yêu cầu của Tổng thống. Mức chi vượt thường là hàng chục tỷ USD. Vào năm 2022 và 2023, Quốc hội đã tăng chi tiêu vượt hơn 20 tỷ USD mỗi năm.

Trước đó, Lầu Năm Góc đã sử dụng quỹ "Hoạt động dự phòng ở nước ngoài" (OCO) trong một thập kỷ để tăng lượng tiền có sẵn nhằm tránh giới hạn ngân sách được Quốc hội thông qua. Và năm nay, thỏa thuận về trần nợ có thể khiến điều đó trở nên khó khăn hơn.

Một số quan điểm cho rằng, Tổng thống Biden có thể yêu cầu khoản tài trợ bổ sung vào tháng 8 hoặc tháng 9 để hỗ trợ cho Ukraine. Hiện, vấn đề này đang rất nhạy cảm ở Thượng viện Mỹ.

Theo thông tin từ RT, Ukraine đã lặp lại nhiều lần rằng sự thành công của họ trên chiến trường phụ thuộc rất nhiều vào sự viện trợ từ phương Tây. Theo ước tính của quân đội Nga, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí và vật tư trị giá hơn 100 tỷ USD cho Ukraine tính đến tháng 1/2022.

Nga đã cảnh báo rằng điều này làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, Washington và NATO khẳng định rằng việc trang bị vũ khí cho Kiev không thực sự biến họ trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ