Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo hướng giao quyền tự chủ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, 6 tiêu chuẩn, 26 tiêu chí.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) có những trao đổi về một số nội dung quan trọng của dự thảo này.

Hướng đến “tự chủ”

Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu đạt mức tối thiểu để những cơ sở giáo dục đại học khi có đủ năng lực có thể phấn đấu đạt các mức xếp hạng trong nước hoặc quốc tế tùy theo chiến lược phát triển của từng cơ sở. Điều này thể hiện sự bình đẳng và phù hợp với quy luật phát triển và xu thế chung. - TS Nguyễn Thị Thu Thủy

- Bà có thể cho biết Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học lần này có điểm gì mới so với Thông tư quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học?

- Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến và quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015 đều là một trong các chuẩn đối với giáo dục đại học, thuộc thẩm quyền quy định của Bộ GD&ĐT theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Thay vì Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015 để xem xét việc công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia hay không, thì Dự thảo Thông tư lần này tiếp cận theo hướng xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học, bao gồm những yêu cầu tối thiểu mà mỗi cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng để củng cố, bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015 yêu cầu cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Các tiêu chuẩn, tiêu chí của dự thảo Thông tư lần này chỉ đặt ra yêu cầu ở mức tối thiểu, phù hợp với sự đa dạng của giáo dục đại học, khả thi để các cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững.

Việc đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn và chỉ số ở mức cao hơn so với mặt bằng tối thiểu vào thời điểm ban hành Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015 cũng chính là điểm hạn chế và không phù hợp với thực tiễn; đặc biệt là cách tiếp cận “đạt chuẩn quốc gia” giống như ở các bậc học giáo dục phổ thông không phù hợp với giáo dục đại học.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

Chính vì vậy, mặc dù cho đến nay Thông tư vẫn đang còn hiệu lực nhưng chưa từng có cơ sở giáo dục đại học nào nộp hồ sơ đề nghị công nhận đạt Chuẩn quốc gia. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những hạn chế của Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015, Bộ GD&ĐT đã xem xét nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận khi xây dựng Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, bám sát chủ trương của Nghị quyết 29 và của Luật giáo dục đại học năm 2018 là: đổi mới theo hướng giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; trong đó có “tự chủ” về xếp hạng và uy tín chất lượng.

Thay đổi bảo đảm khả thi trong thực hiện

- Các tiêu chí của Dự thảo Chuẩn cơ sở GD Đại học đã được xây dựng như thế nào, thưa bà?

- Mục đích xây dựng Chuẩn theo quy định của Luật giáo dục đại học, Dự thảo các tiêu chí của Chuẩn theo hướng nhằm đạt các mục đích của Chuẩn. Trong đó: Giám sát hoạt động giáo dục đại học trong vai trò cung cấp giáo dục chất lượng mà người học mong đợi, đối sánh với hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đại học trên phạm vi quốc tế, các bên quan tâm khác đầu tư phát triển giáo dục đại học.

Công cụ cho các cơ sở giáo dục đại học có thể tự áp dụng cho công tác giám sát nội bộ, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng trong các hoạt động đào tạo của mình.

Theo đó, các tiêu chí của Chuẩn được xây dựng trên cơ sở đề xuất của nhóm chuyên gia nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới như: Nhật, Úc, Mỹ… và dựa trên thực tiễn đào tạo của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy, một số cơ sở giáo dục đại học chưa đạt một chỉ số của chuẩn, nhưng các chỉ số này lại thuộc những tiêu chí cần quy định để đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng như toàn hệ thống đại học; dự thảo quy định lộ trình cần đạt các tiêu chí này để các cơ sở giáo dục đại học có thời gian cải tiến đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện theo quy định của Chuẩn.

Cụ thể như: tiêu chí về tỉ lệ thôi học và tỉ lệ tốt nghiệp được các nước sử dụng phổ biến và là tiêu chí rất quan trọng vì "sự tiến bộ và thành công của người học" được thể hiện qua các chỉ số này.

Dự thảo quy định các tiêu chí như vậy chính là nhấn mạnh yếu tố chất lượng và hiệu quả của hệ thống đại học là luôn luôn phải song hành cùng nhau.

Các ngưỡng, mốc chuẩn đã được dự thảo trên cơ sở kết quả khảo sát và tổng hợp, phân tích dữ liệu của 126 cơ sở giáo dục đại học đã gửi ý kiến phản hồi. Trong đó, các tiêu chí, chỉ số đã được xây dựng quan tâm tới tính đặc thù theo ngành, lĩnh vực hoặc loại cơ sở giáo dục đại học.

Không giống như chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015, Dự thảo chuẩn lần này là hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng để bao quát những điều kiện và kết quả hoạt động chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học.

Các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số đã được hệ thống hóa, mang tính tường minh và khả thi vì các chỉ số đều được định lượng hoặc các chỉ số định tính được yêu cầu các minh chứng cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện. Phương pháp đánh giá mức độ đạt được các tiêu chuẩn tiêu chí rõ ràng và được hướng dẫn tường minh.

Nói cách khác, nguyên tắc áp dụng trong xây dựng Chuẩn lần này luôn phải gắn tính liên quan với chất lượng, hiệu quả, định lượng, dễ đo đếm, dễ giám sát… Những thay đổi này sẽ đảm bảo khả thi trong thực hiện.

Một giờ học của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một giờ học của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sự khác nhau giữa Chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học và Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

- Có ý kiến cho rằng đã có quy định về chuẩn kiểm định đối với cơ sở giáo dục đại học rồi thì không cần quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học nữa. Vậy sự khác nhau giữa Chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học và Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là như thế nào?

- Xét về góc độ pháp lý, Luật giáo dục đại học quy định thẩm quyền của Bộ GD&ĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước trong việc xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động cũng như các kết quả hoạt động chính của các cơ sở giáo dục đại học; trong khi các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở giáo dục đại học được sử dụng để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tự đánh giá và cải tiến chất lượng theo sứ mạng, mục tiêu đã công bố, để các tổ chức kiểm định đánh giá, xem xét công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ nhất định.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những yêu cầu tối thiểu để giám sát các hoạt động giáo dục đại học theo các quy định của pháp luật và là việc làm thường niên; trong khi đó, các tiêu chuẩn kiểm định để đánh giá công nhận chất lượng của một cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ 5 năm một lần.

Các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định hiện nay thường được xây dựng theo cách tiếp cận "nguyên lý" (principle based), nguyên tắc “fit for purpose” nên tùy mỗi cơ sở giáo dục đại học tuyên bố sứ mạng khác nhau sẽ có các kết quả khác nhau. Nói cách khác, không đánh giá được các cơ sở giáo dục đại học theo một thước đo chung.

Ngoài ra, các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định thường bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí (Bộ tiêu chuẩn hiện hành do Bộ GD&ĐT ban hành bao gồm 25 tiêu chuẩn 111 tiêu chí), đi rất sâu vào từng quy trình trong hệ thống nhưng mang tính định lượng thấp, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, kinh nghiệm đánh giá của đội ngũ kiểm định viên

Khác với các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xây dựng theo cách tiếp cận, nguyên lý "rules based" (KPI) để đo lường, đánh giá các mặt hoạt động chính yếu của các cơ sở giáo dục đại học hằng năm với các tiêu chí theo các yêu cầu tối thiểu, định lượng phản ánh chức năng chính của một cơ sở giáo dục đại học là đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức phục vụ cộng đồng.

Điều này cũng tương đồng với quy định của các nước trên thế giới hiện nay như Australia, Thái Lan, Indonesia…, quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện giải trình, để quy định về chi phí đơn vị, xác định cơ chế phân bổ, xây dựng các tiêu chí kiểm định phải phù hợp với Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình, các cơ sở giáo dục đại học báo cáo thường niên cũng phải dựa trên các yêu cầu của chuẩn, việc giải trình của các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện thông qua việc xem xét sự tuân thủ đối với Chuẩn…

Như vậy, có thể nói Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở giáo dục đại học là hai công cụ khác nhau về mục đích, nội dung và tính chất, bổ sung cho nhau.

Xin cảm ơn bà!

"Với tiếp cận xây dựng Chuẩn như vậy và trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu sự tác động của Thông tư, của các bên liên quan cũng như toàn xã hội, Bộ GD&ĐT mong muốn Chuẩn này được ban hành để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học cũng như để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học nâng cao hiệu suất giảng dạy và hiệu quả trong tổ chức hoạt động giáo dục đại học" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.