Những vụ thất thoát của Lầu Năm Góc vì 'lỗi kế toán'

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhiều năm qua đã bị thất thoát số tiền lên tới nhiều tỷ USD khi được chi tiêu từ ngân sách quốc gia.

 Lầu Năm Góc vướng các bê bối tài chính trong nhiều năm qua.
Lầu Năm Góc vướng các bê bối tài chính trong nhiều năm qua.

Reuters trong một báo cáo gần đây cho biết Lầu Năm Góc đang gặp một cuộc khủng hoảng về tài chính trong bối cảnh ngân sách quốc gia đối mặt với vụ vỡ nợ kinh hoàng nhất mọi thời đại.

Theo đó, nhân viên kế toán của Lầu Năm Góc đã mắc lỗi sai trong việc định giá các lô vũ khí mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine, dẫn tới giá trị của chúng bị đẩy lên quá cao và gây ra hiện tượng hao hụt ngân sách.

Số tiền hao hụt được ước tính có thể là 3 tỷ USD bao gồm giá trị bị nâng lên của các loạt đạn dược, tên lửa, một số thiết bị quân sự khác...

Một phụ tá tại Thượng viện và một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ thông tin này với Reuters, đồng thời cho biết rằng, nếu tính toán kỹ lưỡng sổ sách, số tiền mà kế toán tính sai từ khi Mỹ trao viện trợ cho Ukraine có thể lớn hơn con số 3 tỷ USD nhưng sẽ mất một thời gian dài để tiến hành.

Dựa trên thông tin từ Reuters, trong tình hình căng thẳng của cuộc chiến tranh nợ công ở Mỹ, việc phát hiện các vi phạm từ phía Lầu Năm Góc có thể dẫn đến việc Quốc hội Mỹ hoãn việc thông qua các ngân sách dành cho viện trợ Ukraine trong tương lai gần.

Từ tháng 8/2021 cho đến nay, Washington đã cung cấp hơn 22 tỷ USD cho Kiev dưới hình thức viện trợ vũ khí từ các kho dự trữ của mình, bao gồm các loại vũ khí tiên tiến như hệ thống tên lửa pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), vũ khí chống tăng Javelin và hệ thống phòng không Patriot.

Đáng nói, vấn đề tài chính, kế toán là một vướng mắc lâu nay của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 28/2 năm nay, Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert Storch lưu ý rằng Mỹ đã phân bổ 113 tỉ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, trong đó có 60% dành cho quân đội Kiev.

Tuy nhiên, ông Storch từ chối trả lời về việc ông có phát hiện vụ tham nhũng nào liên quan đến viện trợ vũ khí cho Ukraine hay không.

Theo Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Johnson, một báo cáo từ văn phòng của ông Storch vào tháng 10/2022 đã chỉ ra rằng Lầu Năm Góc không thể đảm bảo việc giám sát vận chuyển vũ khí cho Ukraine tuân thủ chính sách của mình. Về nội dung này, ông Storch chỉ trả lời rằng, báo cáo nói trên đáng lẽ phải được giữ bí mật và không hiểu vì sao Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa lại có được chúng.

Hồi đầu năm nay, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) đã xem xét các thiết bị quân sự mà Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho các nhà thầu để bảo trì, sửa đổi và đại tu và phát hiện ra, kể từ năm 2014, số tiền 220 tỷ USD là các mặt hàng "chưa được xác định".

Bộ Quốc phòng Mỹ đã cố gắng truy tìm tất cả các tài sản này, ban hành một bản ghi nhớ với “hướng dẫn chi tiết” về cách thực hiện vào tháng 5/2019 nhưng gặp nhiều vướng mắc và con số 220 tỷ USD chưa được giải trình là đã được trao đi đâu.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, Lầu Năm Góc đã công bố tài sản trị giá 3,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 65% tổng tài sản của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, đây là cơ quan duy nhất không trải qua các cuộc kiểm toán hàng năm. Lần gần nhất Lầu Năm Góc tiến hành kiểm toán là tháng 11/2022, sau khi được yêu cầu giải trình nhưng vẫn thất bại trong việc giải thích các khoản tiền. Đó đã là lần thứ năm liên tiếp thất bại của Lầu Năm Góc trong việc minh bạch thu- chi.

Các sai lệch về kế toán là lý do thường được Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích trong các lần điều trần trước đó.

Reuters trong một bài đăng năm 2016 dẫn lời Jack Armstrong, cựu quan chức thuộc Tổng Thanh tra Quốc phòng phụ trách kiểm toán Quỹ Tổng hợp Quân đội Mỹ cho biết: Quân đội đưa ra hai loại báo cáo – báo cáo ngân sách và báo cáo tài chính. Báo cáo ngân sách sẽ được hoàn thành đầu tiên. Ông Armstrong nghi ngờ rằng, các con số gian lận được đưa vào báo cáo tài chính để trùng khớp các con số.

“Plug” là thuật ngữ kế toán mô tả việc chèn các số giả tạo. Việc thực hiện thay đổi đối với một tài khoản cũng sẽ yêu cầu thực hiện thay đổi đối với nhiều cấp tài khoản phụ. Do đó, chúng tạo nên một hiệu ứng Domino và các con số giả mạo sẽ liên tục xảy ra.

Dịch vụ Kế toán và Tài chính Quốc phòng (DFAS) bị cáo buộc đã thay đổi rất nhiều số liệu nếu không nói là toàn bộ. Ví dụ, hai hệ thống máy tính của DFAS cho thấy các giá trị cung cấp tên lửa và đạn dược khác nhau. Nhưng thay vì giải quyết sự chênh lệch, nhân viên DFAS đã chèn một “hiệu chỉnh” sai để làm cho các con số khớp với nhau.

DFAS cũng không thể lập báo cáo tài chính cuối năm chính xác vì hơn 16.000 tệp dữ liệu tài chính đã "biến mất" khỏi hệ thống máy tính của họ mà không phát hiện được nguyên do hoặc tìm cách nào khác để lấy lại dữ liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ