Mỹ sẽ thực sự đứng ngoài thị trường thế giới?

GD&TĐ - Từ xu hướng ủng hộ bảo hộ thương mại của Mỹ ngày càng rõ rệt, các quốc gia hưởng lợi từ toàn cầu hóa, từ Australia ở châu Úc, Nhật Bản ở châu Á cho đến Peru ở châu Mỹ Latinh, đang nỗ lực thúc đẩy bảo vệ một nền tự do thương mại tầm cỡ quốc tế mà lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, sẽ (có thể là) không có sự hiện diện hay đóng góp vai trò của nước Mỹ.  

Mỹ sẽ thực sự đứng ngoài thị trường thế giới?

Thách thức lớn

Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ luôn đấu tranh bảo vệ chủ thuyết cho rằng, các nền kinh tế đạt được tối ưu chỉ khi chúng được tự do mua bán hàng hóa với nhau. Nhưng hiện tại, trong bối cảnh sự hoài nghi của người dân Mỹ về các hiệp định thương mại ngày càng tăng, các nhà đàm phán từ các quốc gia đang vội vã cứu vãn những thỏa thuận thương mại hiện tại và tiếp tục ký kết một hiệp định mới – mà không có sự tham gia của Mỹ.

Ví dụ mới nhất: Các quan chức từ hơn một chục quốc gia đang có cuộc họp tại Chile từ hôm 14/3, để thảo luận về việc có hay không việc khôi phục Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu, nhưng đã bị Tổng thống Donald Trump rút khỏi sau khi nhậm chức.

Giới quan sát cho rằng, để làm sống lại TPP mà không có Mỹ sẽ là một thách thức khó khăn và rất ít cơ hội xảy ra. Khi đó, Nhật Bản sẽ đóng một vai trò chủ chốt thay thế Mỹ, tuy nhiên điều này đồng nghĩa rằng Tokyo sẽ phải mở cửa nhiều hơn và giảm bớt chính sách bảo hộ trong nước.

Bất kỳ kết quả sẽ như thế nào tại hội nghị ở Chile, cũng sẽ giúp tạo động lực cần thiết cho việc thúc đẩy tự do thương mại trong một thời kỳ chỉ trích toàn cầu hóa ngày càng tăng. Cuộc đàm phán cũng có thể cho phép vị Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ có thể tham gia một thỏa thuận mới, những người ủng hộ nói.

“Đây là cơ hội cho các nước ủng hộ tự do hóa thương mại quyết tâm hơn để tiến về phía trước và kêu gọi Mỹ quay trở lại con đường” - Giáo sư Yorizumi Watanabe thuộc Đại học Keio và cũng là một nhà đàm phán của Nhật Bản, cho biết.

Các nước loay hoay tự xoay xở

Mỹ là một quốc gia khởi xướng nên ý tưởng thị trường mở, với việc tạo ra Hiệp định Thuế quan Thương mại (GATT) – một tổ chức tiền thân của WTO 70 năm trước đây. Nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump được bầu cử, ông đã phê bình WTO cũng như những hiệp định thương mại tự do khác.

Bên cạnh việc quyết định rút khỏi TPP, ông Trump còn đe dọa hủy bỏ Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ với Mexico và Canada vốn đã có tuổi đời lên đến 20 năm. Ông Trump nói rằng, các hiệp định thương mại tự do đã để các quốc gia khác lấy mất công ăn việc làm của người dân Mỹ và chính phủ của ông sẽ tìm kiếm các hiệp định thương mại tốt hơn.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Chile cho biết, Trung Quốc đang gửi một phái đoàn đến tham gia cuộc đàm phán. Nhật Bản và các thành viên cũ trong TPP, đã nỗ lực để hoàn thành các thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, quan chức các quốc gia cho biết.

Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski chia sẻ cuối tuần trước rằng, chính phủ của ông sẽ tìm cách tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư trong TPP, sau đó sẽ cùng tham gia một hiệp ước mới với các nước tại Á châu, đặc biệt là khối ASEAN.

Các nước châu Á hiện cũng đang thiết lập một kế hoạch cụ thể trong năm nay để hoàn thiện Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), một hiệp định thương mại gồm 16 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước tham gia TPP, nhưng không có sự góp mặt của Mỹ.

Dẫu vậy, gần như ai cũng biết rằng, các thỏa thuận hay hiệp định có sáng sủa đến đâu mà thiếu vắng Mỹ thì hiệu quả khó mà cao. Và, vào bất kỳ thời điểm nào, một khi nước Mỹ muốn trở lại, chắc chắn chẳng tổ chức hay quốc gia nào lại lắc đầu, nếu không muốn nói là dang hai tay chào đón.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ