Tờ Politico đưa tin, gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể cạn kiệt hoàn toàn vào giữa mùa hè năm nay, trước khi Ukraine tiến hành kế hoạch phản công. Gói viện trợ gần nhất trị giá 48 tỷ USD được Quốc hội Mỹ duyệt chi vào tháng 12/2022.
Theo nguồn tin của tờ báo, Mỹ chỉ còn khoảng 6 tỷ USD để mua vũ khí và vật tư cho Kiev, nghĩa là viện trợ của Mỹ cho các lực lượng Ukraine có thể sớm bị dừng lại. Các thành viên ở Quốc hội Mỹ đều lo ngại về khả năng ứng phó kịp thời của Washington đối với thời điểm mà Ukraine tiến hành cuộc phản công của họ trong vài tháng tới.
Thượng nghị sĩ Susan Collins nói với các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc vào tuần trước: “Điều quan trọng là chính quyền phải cung cấp cho Ukraine những gì họ cần kịp thời”.
Bất chấp vấn đề về trần nợ chưa được chính quyền ông Joe Biden xử lý xong, Nhà Trắng hiện đang thảo luận về một gói viện trợ hoàn toàn mới được thiết kế để duy trì nguồn cung cấp cho Ukraine.
Theo một quan chức chính quyền cấp cao nói với Politico, chính quyền của Tổng thống Joe Biden “hoàn toàn cam kết” hỗ trợ chính phủ ở Kiev “trong một thời gian dài”. Tuy nhiên, quan chức này cũng lưu ý rằng, ông không nắm rõ nhu cầu của Kiev có thể là gì ở trong hoặc sau cuộc phản công tới đây.
Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ mới nhất cho Kiev vào tuần trước, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, nhằm cung cấp cho ngành công nghiệp quân sự để sản xuất pháo và đạn phòng không. Các quan chức quân sự Mỹ cho biết những loại vũ khí này nhằm đáp ứng “những yêu cầu cấp bách nhất” của Ukraine và cung cấp “những năng lực quan trọng trong thời gian ngắn”.
Tờ báo Mỹ cho rằng, các cuộc thảo luận về gói viện trợ mới cho Ukraine dự kiến sẽ gây ra cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ trong những tháng tới và sẽ vấp phải sự phản đối từ các đảng viên Đảng Cộng hòa.
Phe Cộng hòa đã liên tục kêu gọi cắt giảm chi tiêu của chính phủ Mỹ cho Ukraine và cho rằng ông Biden cần dành nhiều sự quan tâm hơn đến các vấn đề nội tại ở Mỹ.
Washington hiện đang gánh khoản nợ quốc gia ước tính hơn 31 nghìn tỷ USD, có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6 tới. Cho đến nay, chính quyền ông Biden và các thành viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện vẫn đang tranh cãi gay gắt về khả năng nâng trần nợ công của Mỹ. Cả hai bên đều không có sự thay đổi về lập trường.
Tổng thống Biden nói ông rất lạc quan và "Chúng tôi vẫn chưa đến điểm khủng hoảng". Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy mô tả rằng cuộc họp với Chính phủ Mỹ không có bất cứ tiến triển nào.
Ông viện dẫn nguy cơ vỡ nợ của quốc gia để tranh cãi về những thay đổi ngân sách, lập luận rằng chính phủ liên bang không thể tiếp tục chi tiền với tốc độ như hiện nay.
Việc tăng trần nợ sẽ không cho phép các khoản chi tiêu liên bang mới, mà chỉ cho phép vay để trả cho những gì quốc hội đã thông qua.