Mỹ nguy cơ vỡ nợ và kịch bản khủng hoảng kinh tế toàn cầu

GD&TĐ - Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ vỡ nợ công sẽ khiến kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, nhưng khả năng này là rất khó xảy ra.

Mỹ nguy cơ vỡ nợ và kịch bản khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Nợ công vượt ngưỡng và nguy cơ Mỹ vỡ nợ

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã cho biết khả năng vỡ nợ có thể xảy ra trong trường hợp đàm phán nâng trần nợ công Hoa Kỳ thất bại, khi đó nền kinh tế đất nước sẽ bị tàn phá.

Nhà Trắng yêu cầu nâng trần nợ công mà không kèm theo điều kiện nào; tuy nhiên, Hạ viện, mà Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, kiên quyết đòi hỏi cắt giảm đáng kể chi tiêu ngân sách.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng, việc Quốc hội không có khả năng thông qua quyết định về việc nâng trần nợ công có thể gây ra khủng hoảng hiến pháp và dẫn đến vỡ nợ vào tháng 6 tới.

Trong khi nguy cơ vỡ nợ đang hiển hiện trước mắt, Tổng thống Biden thậm chí không loại trừ rằng nếu tình hình không được giải quyết, ông có thể từ chối tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp với lãnh đạo Quốc hội Mỹ bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell để thảo luận về các cách thoát khỏi tình huống này, ông Joe Biden đã nói rằng ông có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 trong tuần tới.

Về phía Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ mới đây đã nói về hậu quả của việc Mỹ chính thức chạm giới hạn nợ công 31,4 nghìn tỷ USD.

Theo dự đoán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nếu nền kinh tế Mỹ đối mặt với tình trạng vỡ nợ ngắn hạn, số lượng việc làm sẽ giảm 200-500 nghìn, GDP sẽ giảm 0,3% ~ 0,6% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,1% ~ 0,3%. Đây không phải là một thảm họa.

Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ vỡ nợ hoàn toàn, số lượng việc làm có thể giảm 8,3 triệu, GDP sẽ giảm 6,1%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5% và thị trường chứng khoán sẽ giảm 45%. Và tất cả những điều này sẽ vô hiệu hóa những thành công từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Biden.

Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ vỡ nợ không chỉ gây ra hệ lụy lớn đối với nền kinh tế nước này, mà còn có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới.

Những hệ lụy với kinh tế toàn cầu

Theo bà Natalia Milchakova, nhà phân tích hàng đầu tại công ty Freedom Finance Global, nếu một vụ vỡ nợ xảy ra, bất kể thời gian của nó là bao lâu, thì vụ này sẽ gây ra sự sụt giá của đồng dollars Mỹ và dẫn đến sự bất ổn kinh tế toàn cầu.

Nếu sự kiện như vậy xảy ra, thì việc Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến các nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu chính phủ Mỹ, gồm Nhật Bản, Anh, Bỉ và Trung Quốc.

Vào cuối năm 2022, Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất của Mỹ nắm giữ 1,8 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ, tức là 3,7% tổng nợ công của Mỹ. Còn Trung Quốc đang giảm dần lượng trái phiếu kho bạc Mỹ chắc là vì trái phiếu Mỹ được coi là loại tài sản ngày càng rủi ro hơn.

Bà Milchakova chỉ ra, trong 10 năm qua, nợ công của Hoa Kỳ đã tăng trung bình 6% mỗi năm. Và một ngày nào đó quá trình này phải dừng lại, bởi vì chi tiêu của chính phủ Mỹ ngày càng tăng đòi hỏi phải vay mượn ngày càng nhiều.

Mặt khác, nếu Hoa Kỳ không ngừng tăng chi tiêu và theo đó các khoản nợ cũng tăng lên, họ sẽ phải đối mặt với ít nhất một cuộc vỡ nợ kỹ thuật - không có khả năng thanh toán đúng hạn các khoản nợ.

Bà Natalya Milchakova cho biết, một tiền lệ như vậy đã diễn ra vào năm 1979, nhưng vụ vỡ nợ đó là do lỗi kỹ thuật và chỉ kéo dài ít ngày nên ít tác động đến nền kinh tế Mỹ và không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế toàn cầu.

Vỡ nợ kỹ thuật được giải quyết nhanh chóng, khiến dòng tiền từ trái phiếu rủi ro của chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ chảy vào đồng dollars Mỹ, nhưng nếu Hoa Kỳ từ chối trả nợ, thì đồng USD sẽ gặp vấn đề và có thể sụp đổ.

Việc Mỹ mất khả năng thanh toán trước hết sẽ dẫn đến sự mất lòng tin vào đồng USD và gây hoang mang trên các sàn giao dịch chứng khoán trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ sẽ sụp đổ và trên khắp thế giới sẽ có làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.

Vấn đề thứ hai là kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả là tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ giảm mạnh và bắt đầu suy thoái kinh tế toàn cầu.

Sẽ có những nhượng bộ, khả năng Mỹ vỡ nợ là rất khó

Theo Tiến sĩ kinh tế Vladimir Vasilyev, trưởng nhóm nghiên cứu tại Học viện Hoa Kỳ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Hoa Kỳ đang tiến gần đến cuộc khủng hoảng nếu không thể đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công.

Theo ông, Tổng thống Mỹ Joe Biden rất thận trọng cho biết rằng, ông có thể sử dụng Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, theo đó chính quyền tổng thống hoàn toàn nắm quyền kiểm soát hệ thống tài chính nợ công mà không cần sự tham gia của Quốc hội.

Thực tế là trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, Tu chính án này chưa từng được sử dụng. Việc sử dụng Tu chính án này có nghĩa là tất cả các nghĩa vụ của chính phủ liên bang sẽ được thực hiện: Thanh toán, thu thuế, bán chứng khoán…

Tuy nhiên, với việc sử dụng Tu chính án này, tình hình sẽ chuyển từ tài chính sang lĩnh vực chính trị và pháp lý với những hậu quả khó lường, thậm chí có thể dẫn đến việc xét xử và luận tội Tổng thống. Do đó, ông Biden sẽ chỉ sử dụng đến nó khi đã ở “bước đường cùng”.

Chuyên gia Vladimir Vasilyev nhận định, Tổng thống Joe Biden sẽ cố gắng hết sức để tìm được một giải pháp cho phép nâng trần nợ công, tránh viễn cảnh nước Mỹ vỡ nợ.

Theo ông Vladimir Vasilyev, khoản nợ của chính phủ Hoa Kỳ không hẳn là khoản nợ thông thường. Hoa Kỳ không vay tiền mà bán trái phiếu, đây là một trong những công cụ đáng tin cậy nhất để bảo vệ tiền của mình.

Tất cả những quốc gia có tiền nhàn rỗi như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước sản xuất dầu mỏ, các ngân hàng và cá nhân đều mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Tiền lãi ở khoản đầu tư này nhỏ, nhưng độ tin cậy cao.

Theo kinh nghiệm của ông Vasilyev, thỏa thuận nâng trần nợ có thể đạt được. Đã nhiều lần chính phủ Mỹ tiến đến ngưỡng vỡ nợ nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra, bởi dù kình địch nhau đến đâu thì giới tinh hoa chính trị ở Washington đều hiểu rằng, sẽ không ai được lợi nếu điều này xảy ra.

Do đó, chuyên gia Vladimir Vasilyev khẳng định rằng, khả năng Mỹ vỡ nợ công là rất thấp và xác suất “gần như bằng không”. Sẽ có những nhượng bộ nhất định giữa chính quyền của ông Joe Biden và nghị viện, trần nợ công Hoa Kỳ nhất định sẽ được nâng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ