Những đề xuất cụ thể
Lộ trình mà bà DeVos công bố là một chuỗi các kế hoạch quy mô lớn, bao gồm hơn một chục khuyến cáo rằng, các quan chức thuộc Bộ Giáo dục, đang phụ trách từng lĩnh vực cụ thể của giáo dục đại học, sẽ thay đổi cách quản lý ở các trường cao đẳng và đại học trong cả nước, bằng cách đơn giản hóa hệ thống quy định hiện hành, giảm bớt hoặc nới lỏng một số quy định, chẳng hạn như tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng, điều kiện về nhà cung cấp giáo dục thay thế và số lượng giờ học tín chỉ.
Cụ thể đối với tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ đã đưa ra kế hoạch sẽ loại bỏ yêu cầu về việc các cơ quan kiểm định được thuê mới phải chứng minh đã có ít nhất hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này; hạn chế số lần cũng như số lượng đánh giá mà trường học phải trải qua để đưa ra các chương trình học thuật mới, trước khi chương trình đó được công nhận; xây dựng hệ tiêu chuẩn riêng để đánh giá và công nhận chất lượng đối với các trường cao đẳng tôn giáo (do các cơ sở tôn giáo thành lập và điều hành).
Về điều kiện đối với nhà cung cấp giáo dục thay thế, kế hoạch của Bộ Giáo dục đề xuất sẽ nới lỏng quy định rằng, các trường cao đẳng và đại học không được phép thuê vượt quá 50% chương trình học từ một nhà cung cấp giáo dục độc lập không đủ điều kiện nhận viện trợ liên bang và thay đổi định nghĩa về giờ học tín chỉ dành cho sinh viên.
Ngay sau khi kế hoạch cải tổ được Bộ trưởng DeVos công bố (hôm 7/1/2019), các chuyên gia chính sách giáo dục đại học và các tổ chức vận động cho quyền lợi sinh viên Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng phản ứng, đồng thời cảnh báo rằng, những đề xuất này sẽ gây thêm khó khăn cho các tiểu bang và chính Bộ Giáo dục sẽ sớm phải chịu trách nhiệm khi cung cấp cho xã hội một nền giáo dục kém chất lượng.
|
Phản ứng gay gắt
Một trong những người lên tiếng phản ứng gay gắt nhất là bà Clare McCann, Phó Giám đốc chính sách giáo dục đại học liên bang, thuộc Chương trình chính sách giáo dục nước Mỹ mới, do một nhóm chuyên gia và những người tâm huyết với giáo dục thành lập ở Washington. DC, hoạt động với tôn chỉ phi đảng phái.
Bà McCann cảnh báo: “Các đề xuất (của Bộ trưởng DeVos) khó có thể coi là bất cứ điều gì khác ngoài việc (Bộ Giáo dục) khởi xướng cho một cuộc tấn công toàn diện vào giáo dục đại học”.
“Nếu những quy định đối với giáo dục đại học tới đây sẽ được thực thi như những gì Bộ trưởng DeVos đề xuất, nó sẽ tạo ra thêm - theo kế hoạch - khoảng 130 tỷ USD mỗi năm viện trợ tài chính liên bang, để rót vào một nền tảng giáo dục đại học được hứa hẹn sẽ bị suy giảm về quản lý, bỏ qua những quy định chặt chẽ đã được duy trì hàng thập kỷ, với những ràng buộc để bảo vệ chất lượng và để bảo đảm rằng từng đô la viện trợ được sử dụng đúng mục đích”, bà McCann nói.
Những đề xuất về thay đổi trong quản lý giáo dục đại học được Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra khi Quốc hội bắt đầu xem xét việc sửa đổi Đạo luật Giáo dục Đại học, trong bối cảnh Hạ viện nằm trong tay đảng Dân chủ và Thượng viện do đảng Cộng hòa điều hành.
Có lẽ để gây áp lực đối với các nhà lập pháp về những đạo luật liên quan đến giáo dục, trong đó dường như có ý phản đối cách thức điều hành Bộ Giáo dục của bà DeVos, Thượng nghị sĩ bang Tennessee, ông Lamar Alexander (thuộc đảng Cộng hòa) đã tuyên bố không tái cử vào năm 2020. Không chỉ là Thượng nghị sĩ cao cấp, ông còn là cựu thống đốc bang Tennessee (từ 1979 - 1987), cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ (từ 1991 - 1993) dưới thời Tổng thống George HW Bush, đang là Chủ tịch của hệ thống Đại học Tennessee. Ông là người có tiếng nói quan trọng đối với giáo dục Mỹ thời gian qua. Gần đây nhất, chính ông đã đề xuất sửa đổi toàn diện đạo luật liên bang K-12 (chương trình giáo dục phổ thông 12 năm) và được lưỡng đảng trong Quốc hội thông qua, với sự thống nhất cao ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Việc rút lui của ông Alexander, rõ ràng là một bất lợi lớn cho bà DeVos nói riêng, chính quyền của ông Trump nói chung trong các vấn đề liên quan đến giáo dục trước Quốc hội Mỹ.