Mưu sinh giữa ranh giới tốt - xấu

GD&TĐ - Lặng lẽ trong một góc nhỏ vỉa hè nơi phố phường tấp nập, nghề thợ khóa vẫn tồn tại với thời gian. Dù là một nghề khiêm tốn, nhưng xã hội luôn cần đến họ, những người đang mưu sinh bằng tâm huyết với nghề, giữa ranh giới tốt - xấu.

Ông Trần Quốc Minh với nghề thợ khóa trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội) Ảnh:T.G
Ông Trần Quốc Minh với nghề thợ khóa trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội) Ảnh:T.G

Làm nghề cốt ở chữ tâm

Ở Hà Nội, các phố nghề dường như đã được sắp đặt một cách tự nhiên, nhưng thợ khóa thì không có cả phố mà chỉ tập trung ở một vài đoạn phố Lương Văn Can, Phủ Doãn, Nguyễn Thái Học…

Người ta có thể dễ dàng nhận ra người thợ khóa với chiếc hòm gỗ mở sẵn, treo hàng xâu các loại phôi chìa khóa, cùng với kìm, dũa, búa, đục…

Công việc của một thợ khóa đòi hỏi một sự khéo léo, tỷ mỷ và kiên nhẫn. Ông Trần Quốc Minh, 50 tuổi, một thợ khóa đã có hơn 20 năm làm nghề trên phố Nguyễn Thái Học chia sẻ: “Khi đã thạo nghề, thì hầu hết các loại khóa, từ khóa cửa nhà đến khóa xe máy, ô tô, đều có thể mở được một cách dễ dàng. Chính vì vậy, tâm với nghề phải trong sáng, không bao giờ được nghĩ làm nghề khóa để đi ăn cắp.

Nghề sửa khóa cũng không thể tham tiền, khi khách hàng sẵn sàng trả giá cao, thì cần phải đặt câu hỏi, vì sao họ lại trả nhiều tiền cho một yêu cầu đơn giản như vậy?”.

Kỹ năng quan trọng nhất và cũng là khó nhất của nghề là dò khóa để nhận biết được vị trí của những viên bi trong ổ khóa. Thao tác cơ bản của kỹ năng này là đưa một que sắt hoặc phôi chìa vào trong ổ khóa, sau đó dùng tay hoặc kìm kẹp, lắc, xoay một cách nhẹ nhàng, mềm dẻo, khi lắc như vậy, người thợ khóa có thể “đọc” được hệ thống bi trong ổ và dễ dàng mở khóa.

Người thợ khóa phải thực hiện kỹ năng này hàng chục nghìn lần mới có được sự cảm nhận tốt nhất. Các loại khóa đều có một nguyên lý cơ bản, phải nhớ được cấu tạo đó để về sau có thể được mở các loại khóa khác đồng dạng.

Về cắt chìa, có rất nhiều loại chìa khóa, chìa dẹt, chìa tròn, chìa lòng mo… trong nghề phải nắm được các mẫu mã phôi chìa khóa để sử dụng phù hợp vào những mẫu chìa của khách hàng yêu cầu.

Đến nay, nhờ có máy móc, công đoạn này đã trở nên dễ dàng hơn, người thợ chỉ cần vài phút là có thể chế tác được một chiếc chìa khóa hoàn chỉnh.

Mưu sinh giữa ranh giới tốt - xấu ảnh 1
  • Cắt chìa bằng máy  Ảnh: T.G.

Nhìn người để nhận việc

Khách hàng yêu cầu đến sửa khóa tại nhà là thường xuyên, do mất chìa phải mở khóa, đánh chìa khóa mới, có trường hợp chỉ yêu cầu mở khóa do để quên chìa trong nhà...

Ông Minh cho biết: Dịch vụ mở khóa theo yêu cầu mới là nguồn thu chủ yếu của người thợ khóa. Khi đến nhà để sửa khóa cho khách hàng thì giá dịch vụ theo thỏa thuận, thường giao động trong khoảng 50 – 200.000 đồng, tùy theo độ khó của công việc và quãng đường di chuyển.

Tuy nhiên, dịch vụ này cũng có những trường hợp phải cảnh giác, bởi đã có những thợ khóa vì tin khách hàng và chủ quan, vô tình trở thành đồng phạm với kẻ gian, mở khóa cửa, khóa két, khi gia chủ vắng nhà.

Không chỉ làm nghề với cái tâm, người thợ khóa còn phải biết nhìn người. Thợ khóa thâm niên có thể nhận ra người tốt, kẻ xấu để quyết định có nhận làm hay không, đặc biệt những yêu cầu làm chìa khóa từ bản in trên bánh xà phòng hoặc mẫu vẽ trên giấy đều bị từ chối.

Cho đến nay, với sự phát triển công nghệ, các nhà sản xuất đã tạo ra nhiều loại khóa mới có tính năng an toàn cao hơn. Để không bị lạc hậu với nghề, người thợ khóa phải liên tục học hỏi, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới.

Về đào tạo, các thợ khóa có thâm niên ở Hà Nội thường chỉ đào tạo theo lối “cầm tay chỉ việc” cho người thân hoặc người quen biết.

Đối với những người khác muốn học nghề, họ vẫn có thể tham khảo, tìm kiếm thông tin về các khóa học ngắn hạn tại một số cơ sở đào tạo chuyên ngành. Một thợ khóa có thể kiếm được từ 6 - 12 triệu đồng mỗi tháng, mặc dù thu nhập không cao nhưng đây là một nghề có khả năng tự tạo việc làm tốt, chi phí thấp và thời gian đào tạo ngắn.

Bình dị và khiêm tốn trong góc vỉa hè nơi phố phường tấp nập, hình ảnh người thợ khóa đã trở thành một điểm nhấn trong bức tranh phố nghề ở Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.