Muốn thành công đừng rơi vào 'ước mơ giả' của chính mình

GD&TĐ - Chương trình 'Chắp cánh ước mơ' lần thứ nhất, năm học 2023-2024 vừa được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM).

Ban tổ chức trao bảng tượng trưng các suất học bổng cho học sinh.
Ban tổ chức trao bảng tượng trưng các suất học bổng cho học sinh.

Sáng 11/3, hơn 2.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM) tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp, với chủ đề "Chắp cánh ước mơ".

Đây là chương trình do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp Báo Giáo dục Thời đại, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức tại hơn 40 trường THPT, nhằm giải đáp thắc mắc, cung cấp cho học sinh kỹ năng lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Nhiều thắc mắc được giải đáp

Tại buổi tư vấn, nhiều thắc mắc của học sinh được các chuyên gia của chương trình giải đáp. Trong đó phải kể đến là câu chuyện của Đặng Hoàng Tuấn, học sinh lớp 12A14, nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của nhiều học sinh trong trường, bởi đây cũng là tình huống nhiều bạn gặp phải.

Học sinh cùng tham gia giải quyết tình huống với các chuyên gia tư vấn.

Học sinh cùng tham gia giải quyết tình huống với các chuyên gia tư vấn.

Theo chia sẻ của Hoàng Tuấn, bản thân nam sinh muốn theo học ngành du lịch bởi phù hợp sở thích và năng lực. Tuy nhiên, ba mẹ không đồng ý và muốn em học ngành kế toán với lý do “cơ hội việc làm tốt hơn, kiếm được nhiều tiền”.

Giải đáp thắc mắc của Hoàng Tuấn, ThS Tiêu Minh Sơn, chuyên gia tư vấn tâm lý của chương trình cho hay, khi bất đồng quan điểm, nếu hai bên cự cãi sẽ dẫn đến xung đột, mâu thuẫn căng thẳng hơn.Thay vào đó, các em nên bình tĩnh, dùng chiến thuật “mưa dầm thấm đất”, nhờ một người thân trong gia đình chia sẻ, phân tích cho ba mẹ hiểu cơ hội việc làm của ngành du lịch hiện nay cũng rất rộng mở.

ThS Tiêu Minh Sơn nhấn mạnh: “Điều quan trọng là bản thân các em phải hiểu rõ về ngành nghề muốn lựa chọn, từng bước chứng minh cho ba mẹ thấy mình đủ năng lực theo học ngành đó”.

Thêm vào mạch tư vấn của ThS Sơn, ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Điều quan trọng của tình huống là bản thân Hoàng Tuấn phải xác định rõ mục tiêu, ước mơ và đam mê của bản thân để có giải pháp hợp lý nhất khi nói chuyện với ba mẹ mình.

"Cuộc đời ai cũng có ước mơ, mục tiêu hướng đến, khi em đã xác định rõ ước mơ và mục tiêu, sau thời gian dài nói chuyện thẳng thắn cùng cha mẹ, anh tin cha mẹ em sẽ hiểu và đồng hành cùng em. Bởi không bậc cha mẹ nào lại không thương con. Chính vì thương con họ mới định hướng con theo lộ trình mà họ cho là đúng đắn nhất. Vì lẽ đó, khi cha mẹ thật sự hiểu được khát vọng và ước mơ của con, chắc chắn họ sẽ ủng hộ" - ThS Trương Quang Trị nói.

ThS Tiêu Minh Sơn chia sẻ với các em học sinh.

ThS Tiêu Minh Sơn chia sẻ với các em học sinh.

Còn đối với Ái Trân, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nêu thắc mắc, việc xác định ngành nghề theo học trong tương lai đang bị nhiều bạn hiểu lầm là chọn ngành nào dễ tìm việc làm, kiếm được nhiều tiền nhất.

Nói về vấn đề này, ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, nhiều học sinh đang nhầm lẫn giữa nhu cầu và mục tiêu phát triển bản thân.

ThS Trương Quang Trị phân tích: “Việc kiếm tiền là một trong các nhu cầu phổ biến, nhưng đó không phải mục tiêu phát triển bản thân. Để xác định nghề nghiệp phù hợp, các em phải hiểu rõ sở trường, thế mạnh và hạn chế của mình, biết bản thân muốn làm gì, trở thành người thế nào trong tương lai”.

Đặc biệt, khi xác định mục tiêu phát triển bản thân, học sinh không nên đánh đồng giữa “ước mơ giả” - tức chọn nghề theo truyền thống gia đình, sự sắp xếp của ba mẹ, và mơ ước nghề nghiệp thật sự của bản thân.

Muốn thành công đừng đi theo "ước mơ giả" của chính mình. Bởi có thể bạn phải trả giá bằng việc chọn lựa con đường, mục tiêu không phù hợp với năng lực của bản thân.

Suy nghĩ lựa chọn, rõ ràng

Tại chương trình, các chuyên gia nhắn nhủ, chỉ bản thân các em học sinh hiểu rõ mình nhất, không ai thực hiện thay ước mơ cho mình. Vì vậy, hãy mạnh dạn nói với ba mẹ cho con tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về con đường sẽ đi sau này.

Học sinh chia sẻ thắc mắc về lựa chọn ngành nghề tại buổi tư vấn.

Học sinh chia sẻ thắc mắc về lựa chọn ngành nghề tại buổi tư vấn.

Cô Trần Thục Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, mỗi học sinh có thể có nhiều ước mơ. Tuy nhiên, các em cần suy nghĩ, lựa chọn một ước mơ rõ ràng, thiết thực nhất để thực hiện thì mới có nhiều cơ hội thành công.

Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó trưởng Cơ quan Thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại TPHCM cho biết, từ lâu công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp được ngành Giáo dục, nhà trường và xã hội rất quan tâm.

Theo đó, việc định hướng nghề nghiệp là sự hỗ trợ, giáo dục, định hướng của nhà trường, gia đình và xã hội đối với học sinh, sinh viên nhằm vạch ra các nghề nghiệp tương lai dựa trên khả năng, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, cơ hội việc làm trong tương lai... Để từ đó, các em có thể đưa ra được sự lựa chọn ngành học, nghề nghiệp, công việc phù hợp với nguyện vọng của mình.

Theo ThS Trương Quang Trị, muốn thành công thì phải xác định rõ mục tiêu và ước mơ thật của bản thân mình.

Theo ThS Trương Quang Trị, muốn thành công thì phải xác định rõ mục tiêu và ước mơ thật của bản thân mình.

“Việc giáo dục và định hướng nghề nghiệp từ sớm giúp học sinh tránh được những sai lầm khi quyết định chọn hướng đi cho tương lai. Điều này giảm bớt những rủi ro như sinh viên bỏ dở việc học hoặc ra trường làm trái nghề dẫn đến chán nản, thậm chí là thất nghiệp”, nhà báo Nguyễn Anh Tú nhấn mạnh.

Dịp này, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 15 triệu đồng cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, nhằm giúp các em có thêm hành trang, tự tin hơn trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề.

Cũng trong sáng nay, chương trình "Chắp cánh ước mơ" cũng đã được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6) và Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú).

Chương trình chắp cánh ước mơ được thực hiện từ 1/1/2024 đến 15/5/2024. Chuyên gia sẽ đến 40 trường THPT trên địa bàn để thực hiện 6 chuyên đề, gồm: Nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; đánh thức giấc mơ của bạn; ứng xử thông minh với mạng xã hội; thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng và kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ