Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, những năm trước công tác lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo Thông tư 01, Thông tư 25.
Điểm mới năm nay, quy trình lựa chọn sách giáo khoa sẽ thực hiện theo Thông tư 27 vừa có hiệu lực từ tháng 2/2024, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục. Do đó, các cơ sở giáo dục phải thực hiện tốt việc lựa chọn, đảm bảo mục tiêu sách giáo khoa phù hợp để tổ chức giảng dạy.
Cũng theo ông Dương Trí Dũng, yếu tố đội ngũ tại các cơ sở giáo dục rất quan trọng. Các thầy cô sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức giảng dạy của các trường học, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp nhất. Do đó, thầy cô là nhân tố quan trọng nhất.
“Các nhà xuất bản phải giới thiệu được đặc trưng của từng bộ sách để giúp nhà trường có cơ sở để chọn lựa”, Ông Dương Trí Dũng đề nghị.
Ông Lê Duy Tân phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: TTTT&CTGD, Sở GD&ĐT TPHCM. |
Tại buổi tập huấn, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị các cơ sở giáo dục trong quá trình chọn lựa sách giáo khoa phải chú trọng đến yếu tố phù hợp với học sinh trường mình.
Theo ông Tân, năm nay cơ sở giáo dục là chủ thể chọn lựa sách giáo khoa trong khi những năm trước trường chỉ là đơn vị đề xuất danh mục. Trách nhiệm của hiệu trưởng phải nghiên cứu kỹ thông tư 27, thực hiện đúng theo các quy định của Thông tư.
“Thầy cô phải sử dụng tất cả các bộ sách giáo khoa được phê duyệt làm tư liệu dạy học. Các trường học trang bị tất cả các đầu sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt tại thư viện để học sinh và giáo viên nghiên cứu. Bộ sách giáo khoa được lựa chọn phải phù hợp với học sinh trường mình, thực hiện đầy đủ hồ sơ theo quy định, gửi về cơ quan quản lý trực tiếp để thẩm định”, ông Tân nhấn mạnh.
Về sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cho biết đã thực hiện giảm giá trên các tựa sách giáo khoa từ 10-24% so với giá bìa của năm học trước để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh.