Hiện nay, bên cạnh mức lương cụ thể thì rất nhiều công ty đưa ra mức lương thoả thuận và người lao động sẽ đề xuất mức lương mong muốn để từ đó nhà tuyển dụng đưa ra quyết định lựa chọn. Cách này được nhiều người yêu thích vì người ứng tuyển có thể đề nghị mức lương xứng đáng với năng lực của mình.
Tuy nhiên với nhiều người, nhất là các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm thì điều này có thể dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười như đưa ra mức lương cao quá, bị mất cơ hội tuyển dụng hoặc đưa mức thấp quá rồi ngậm ngùi "bị hớ".
Sinh năm 1995, chàng trai chủ nhân của những dòng tâm sự dưới đây đã trải qua không ít nơi làm việc từ ngày chập chững ra trường. Công việc đầu tiên cho mức lương khá, trên 10 triệu đồng/tháng nhưng sau 1 năm rưỡi, anh chàng đã quyết định nghỉ việc vì công việc quá áp lực.
Công việc tiếp theo cậu lựa chọn là một công ty gần nhà song cũng được 1 năm thì phải nghỉ vì lương thấp mà áp lực làm việc cũng không dễ chịu gì.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc còn thiếu chuyên nghiệp, không có chế độ du lịch hàng năm, ngay việc bật điều hoà cũng bị hạn chế... Tưởng chừng công ty thứ 3 với điều kiện khá khẩm hơn sẽ là nơi cậu có thể gắn bó nhưng rồi...
"Mình ứng tuyển vào một công ty khác cách nhà 12km. Công việc nhẹ nhàng hơn, không tăng ca, môi trường tốt, chuyên nghiệp, đồng nghiệp nhiệt tình chỉ dạy.
Ở đây chuyện lập biên bản như "mưa": Ra về quên tắt điện phòng, đi dép lê, thư ký quên báo cơm/báo cơm sai (công ty mình báo cơm theo ngày, ai ăn hay không ăn phải báo), lãng phí giấy in (in sai, giấy 1 mặt xong giữ lại để in nốt mặt sau)... Nhìn chung tất cả đều có quy trình, có trật tự, không được linh tinh.
Lương ở công ty này là thỏa thuận, không tiết lộ. Khi mình đến phỏng vấn, mình đã ghi vào tờ giấy bên nhân sự đưa với mức lương mong muốn là 8 triệu đồng vì nghĩ rằng nhân viên làm việc ở tỉnh thì khó có thể cao hơn được.
Sau khi được tuyển dụng, mình mới biết ở đây văn phòng không có trợ cấp, nghĩa là lương cứng 8 triệu đồng trừ bảo hiểm rồi các khoản, mình cầm về khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Mình hiện tại làm được 6 tháng rồi, vẫn không biết lương ở đây ra sao, mức thỏa thuận của mình là cao hay thấp. Hôm nay mình và một chị nữa nói chuyện, vô tình chị ấy hỏi lương nên mình cũng nói thật. Chị ấy bảo em bị bắt nạt rồi, đòi lương thấp thế, với kinh nghiệm và đòi hỏi cả tiếng Anh thì phải đòi ít nhất 10 triệu đồng.
Mình thực sự rất buồn. Đi làm 3 năm lương không tăng lên mà còn giảm đi. Tiếng Anh của mình chỉ bình thường thôi, nghe nói không được tốt lắm (phòng mình dùng tiếng Anh hết trừ nói chuyện với đồng nghiệp công ty).
Mình đã từng rất vui vì tìm được môi trường làm việc khá tốt, chưa nghĩ là sẽ nghỉ việc tìm chỗ mới.
Mình từng nghĩ mỗi công ty dù là bí mật lương thì mỗi một vị trí đều có mặt bằng lương chung, nếu người mới đề nghị lương thấp hay cao hơn, nhân sự hoặc sếp sẽ nói với mình để điều chỉnh chứ không phải như này, thấp thì nhận, cao thì không cho qua phỏng vấn.
Mọi người cho mình lời khuyên đi. Cứ nghĩ đến việc đi làm cùng với nhau mà mọi người lương cao còn mình thấp thì thật sự rất chán nản."
Nỗi lòng của chàng nhân viên công sở này có lẽ không phải duy nhất. Thông qua các bình luận, có khá nhiều người đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự anh chàng này.
"Lương thoả thuận sẽ là điểm cộng với nhiều người song không mình biết không ít người từng rơi vào hoàn cảnh giống bạn, bị "hớ" mà không biết.
Cô bạn thân của mình cũng từng như vậy và rất may là sau khi phát hiện, bạn ấy đã gặp thẳng sếp, đề xuất tăng lương và được chấp thuận. Mình nghĩ nếu điều đó là xứng đáng, hãy tự tin đề nghị mức lương phù hợp với cống hiến của mình".
"Đề nghị tăng lương thôi em. Đơn giản thay vì chán nản, sao em không tìm gặp sếp và đề nghị mức lương mình thấy xứng đáng được nhận hơn".
"Không phải dễ gì tìm được công ty thấy ưng nên mình nghĩ bạn hãy tự tin lên, đề nghị tăng lương. Tất nhiên, trước khi làm hãy tìm hiểu kỹ càng, liệu con số đó có xứng đáng với công sức của mình không, liệu lời của người chị kia có đáng tin không".
Thật vậy, nhận được mức thu nhập xứng đáng là mong muốn thiết thực của tất cả mọi người khi đã làm hết sức, nỗ lực cho công việc.
Tuy nhiên, để đề nghị tăng lương thành công cũng cần đến những nghệ thuật giao tiếp nhất định và sự khéo léo để mọi chuyện thêm phần thuận lợi.
Chứng minh khả năng bằng con số thực tế
Sẽ không một người lãnh đạo nào đồng ý tăng lương cho một người không xứng đáng. Muốn đề xuất tăng lương của mình được thông qua, hãy chứng minh bản thân mình xứng đáng không chỉ bằng lời nói mà bằng những con số cụ thể.
KPI đạt 150%, trong 6 tháng giúp doanh thu tăng 20% hay ký kết thêm được hợp đồng với nhiều đối tác mới... Đó sẽ là những con số cụ thể mà cấp trên của bạn có thể dễ nhìn vào đó để đưa ra quyết định. Những thành tích càng có lợi cho giá trị doanh nghiệp sẽ càng giúp bạn trở nên tiềm năng trong mắt cấp trên.
Biết cách "truyền tải" những gì đạt được
Hãy nhớ rằng, các công ty luôn sẵn sàng trả một mức lương hậu hĩnh cho người có năng lực, đem lại nhiều giá trị cho công ty.
Tuy nhiên, ở vị trí những người quản lý, không phải khi nào họ cũng có thể đi sâu đi sát và hiểu từng thế mạnh của mỗi nhân viên. Chính vì vậy, hãy biết PR một cách khéo léo về những điểm mạnh của mình.
Trước khi đề nghị tăng lương, hãy bằng nhiều cách cho cấp trên thấy bạn thực sự cần thiết với công ty thế nào. Vì sao chúng ta lại không tự hào và cho mọi người biết về những điều mình làm được? Nghệ thuật ở đây chính là làm sao để vừa giúp mọi người biết đến mà không quá ồn ào, khoe mẽ.
Chuẩn bị tâm lý để nghe từ chối
Có một sự thật mà người trưởng thành hiểu khi đi làm, đó là bị từ chối không có gì là xấu. Không phải đề nghị tăng lương nào cũng được chấp thuận, đó là sự thật nhưng đừng vì vậy mà nản lòng.
Bạn có thể đưa ra yêu cầu đánh giá kết quả tạm thời và từ đó phấn đấu để lần sau có cuộc thương thảo với kết quả tốt hơn.
Điều này sẽ giúp cấp trên thấy được bạn rất nghiêm túc với công việc, là người thực sự chuyên nghiệp cũng như có quyết tâm cao độ. Người hoàn thành xuất sắc công việc, chứng minh được bản thân mình nhất định sẽ có được mức lương xứng đáng.