(GD&TĐ) - Đa số học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã hình thành quan niệm đỗ vào đại học là con đường duy nhất để bước vào cuộc sống tương lai. Bởi vậy, các kỳ thi đại học luôn đầy áp lực với cả học sinh và phụ huynh. Trong khi đó, thực tế lại cho thấy, nhiều người đã thành công trong cuộc sống với hành trang không phải là tấm bằng đại học mà chỉ bằng trình độ tay nghề giỏi, sự đam mê với công việc mà mình lựa chọn..
Kỹ thuật viên của ICare - ISpace đang sửa máy tính cho khách hàng. |
Sống tốt bằng nghề
Thực tế cho thấy, tấm bằng đại học giờ đây không phải là “tấm vé” duy nhất cho mỗi người đi tới tương lai. Hơn nữa không phải ai cũng may mắn đỗ trong các kỳ thi đại học. Bởi vậy, các bạn trẻ cần biết lượng sức mình để có hướng đi phù hợp. Trong khi xã hội đang “thừa thầy thiếu thợ” thì điều quan trọng nhất là phải xác định cho mình một nghề nghiệp xã hội đang có nhu cầu.
Nguyễn Anh Tuấn – Láng Hạ (Hà Nội) đã ổn định cuộc sống với mức lương 10 – 15 triệu/tháng bằng tay nghề giỏi với nghề sửa chữa điện thoại di động. Tuấn cho biết, sức học mình không tốt, nếu thi đại học khó đỗ nhưng em lại đam mê với nghề sửa chữa điện thoại di động. Vậy là sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì bước vào kỳ thi đại học, em đã xin bố mẹ một khoản tiền để học nghề sửa chữa điện thoại di động trong 6 tháng. Khi có tay nghề cơ bản, Tuấn mất khoảng 1 năm “lăn lộn” làm thợ trong các cửa hàng kinh doanh và sửa chữa điện thoại di động để củng cố tay nghề và tích cóp một chút vốn. Rồi khi tay nghề vững vàng và đủ tự tin để “kiếm sống” bằng nghề, Tuấn dùng số tiền đã kiếm được cộng thêm sự đầu tư của gia đình để mở một cửa hàng chuyên buôn bán và sửa chữa điện thoại di động. Đến nay cửa hàng của Tuấn không chỉ buôn bán điện thoại di động cũ mới mà còn là một địa chỉ sửa chữa uy tín và dạy nghề cho rất nhiều bạn trẻ. Cửa hàng chỉ với 5 - 6 người song mức lương tối thiểu của người làm thấp nhất cũng 3 – 4 triệu/tháng còn thợ cứng tay nghề hơn thì 6 – 7 triệu, thậm chí trên 10 triệu/tháng...
Lý giải cho sự thành công của Tuấn thật hợp lý: Thị trường điện thoại di động tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh mẽ với hàng chục triệu thuê bao và tới gần 70% người sử dụng. Với số lượng và thành phần người sử dụng đông đảo “từ học sinh, sinh viên đến người về hưu đều sử dụng, nhiều người sử dụng cả 2- 3 máy” nhưng ít người biết sửa chữa nên chắc chắn công việc sửa chữa điện thoại di động là cần thiết. Kiếm tiền từ nghề này vì thế cũng dễ dàng hơn mà không cực nhọc mưa nắng.
Song Tuấn cũng cho biết, điện thoại di động gồm phần cứng điện tử và phần mềm tin học nên học viên phải hiểu được kiến thức cơ bản về điện tử và tin học. Nghề này cũng đòi hỏi người học phải học hỏi không ngừng vì điện thoại di động thường có nhiều tính năng mới. Tuy vậy, nếu người nào ham mày mò kiên nhẫn học hỏi và biết thêm lập trình các thiết bị điện thoại di động thì chắc chắn sẽ kiếm được một khoản thu nhập kha khá.
Nguyễn Ngọc Liên (Hà Nam) do gia đình nghèo không có điều kiện để theo học đại học (nếu có đỗ) nên ngay từ sớm Liên đã chọn cho mình một nghề đang “hot” và có mức thu nhập cao là thiết kế đồ họa. Liên cho biết, trước khi chọn nghề em đã tham khảo rất nhiều và được biết thiết kế đồ họa có mặt ở nhiều lĩnh vực như phim ảnh, thiết kế giao diện website, thiết kế bao bì... lại đúng lĩnh vực em thích nên đã chọn một trường TCCN để theo học. Khi ra trường, Liên không hề khó khăn trong việc xin việc vì hiện nay tại Việt Nam rất nhiều công ty quảng cáo, truyền thông, công ty tổ chức sự kiện của nhà nước lẫn tư nhân đều cần nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.
Chỉ sau 3 tháng thử việc với mức lương 3 triệu/tháng, Liên đã bước vào giai đoạn hưởng lương chính thức 7 triệu/tháng và công ty hứa sẽ tăng lương lên 8 - 10 triệu nếu Liên làm tốt hơn. Trên thực tế ở công ty Liên đã có người đạt mức lương cao đó nên cô đang nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ để đạt được mức lương cao nhất.
Liên cũng “bật mí” thêm với những bạn trẻ đang băn khoăn việc chọn nghề hay thi đại học đó là thiết kế đồ họa không đòi hỏi người học phải có năng khiếu về vẽ nhiều mà chỉ cần có óc quan sát là có thể làm được vì chủ yếu vẽ trên máy tính. Nghề này thời gian đào tạo cũng không nhiều, từ 6 tháng đến 2 năm là người học có thể hành nghề. Không ít bạn trẻ dù chưa tốt nghiệp nhưng đã có thu nhập cao nhờ làm việc bán thời gian, và phần lớn học viên sau khi ra trường đều có việc làm tốt.
Một nghề “hot” khác mà hiện nay cũng rất nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn thay vì thi vào đại học (đặc biệt với các bạn trẻ quê ở vùng biển, hay địa phương phát triển du lịch) đó là hướng dẫn viên du lịch. Không mất tới 4- 5 năm theo học nếu không có khả năng, bạn trẻ chỉ cần bỏ ra 3 – 6 tháng để học song hành cả kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp với ngoại ngữ mà bạn biết sẵn.
Sở dĩ nghề hướng dẫn viên du lịch hiện nay được bạn trẻ hướng theo bởi trong mỗi chuyến đồng hành với khách du lịch (trong và ngoài nước) các bạn không chỉ được nâng cao khả năng ngoại ngữ mà còn được tích lũy hiểu biết thêm văn hóa, lịch sử, địa lý của những nơi mình tới và đặc biệt là kinh nghiệm và kiến thức sống.
Thu nhập mỗi tháng cho nghề này trên dưới 10 triệu đồng cũng không quá khó. Tuy nhiên, theo Phạm Trung (hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng) cho biết nghề này sẽ thích hợp hơn với phái nam vì đòi hỏi sức khỏe để ngày nào cũng “đón cái nắng, cái gió”. Còn tương lai khi 50- 60 tuổi ư, nghề cũng chẳng phụ người. Lúc ấy hoàn toàn bạn có thể là những người lên kế hoạch “cứng” cho các tour du lịch, hoặc làm được nhiều việc khác liên quan đến du lịch.
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) |
Muôn lối vào đời
“Con đường đi đến sự thành công không chỉ vượt qua chốt chặn. Thành công vẫn ở phía trước và không có duy nhất một con đường để thành công mà chỉ có cách cơ bản để thành công: quyết chí, nỗ lực, đầu tư, kiên trì và hết mình...”. (PGS. TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn) |
Có thể thấy hiện nay nhiều bạn trẻ đã thực tế, linh hoạt hơn khi tính toán con đường lập thân. Họ đã lựa chọn những ngành nghề “hot” và có thời gian đào tạo ngắn, dễ kiếm việc và thu nhập cao, ổn định... thay vì bắt buộc phải thi vào đại học và theo đuổi những ngành học “nghe” sang trọng nhưng lại thừa thãi nhân lực, khó kiếm việc làm sau khi ra trường. Và thực tế đã chứng minh, nhiều người thành công trong cuộc sống mà không nhất thiết đi theo con đường truyền thống học tập.
Đối với những học sinh và phụ huynh học sinh vẫn xem nặng bằng cấp và coi đại học như con đường duy nhất bước vào đời cần hiểu rằng chọn cho mình một ngã rẽ hoặc “đi tắt – đón đầu”... đều là những biện pháp khả thi để bước vào cuộc sống. Chọn con đường nào để thành công là sự lựa chọn của mỗi bạn trẻ, mỗi gia đình. Tuy nhiên, người quyết định vẫn là bạn trẻ.
Để thành công trong cuộc sống mỗi bạn trẻ cần tỉnh táo để tìm cho mình những đường đi riêng. Có thể là đi theo con đường học tập truyền thống nhưng cũng có khi chỉ cần lựa chọn và vững vàng với một nghề nghiệp. Mấu chốt vẫn là sự quyết tâm để thành công và dám đối diện với thất bại cũng như đứng dậy để bước đi...
NGỌC HÀ