Nếu kiểm soát tốt hơi thở, coi như bạn đã có công cụ hữu hiệu để giảm tải cho cơ thể
Tại sao các giáo viên yoga luôn đề cao hơi thở như điều sống còn của môn tập này? Tác giả Allen Elkin của cuốn sách Stress management for dummies đang bán chạy trấn Amazon.com cho rằng, trừ các ca sĩ opera, nhạc công chơi các môn khí cụ hay giáo viên yoga, còn lại, hầu hết chúng ta đang thở sai và đó là lí do chúng ta hay mệt mỏi, stress.
Thở tốt là cách đơn giản nhất để đẩy lùi căng thẳng và giảm stress. Và càng đơn giản hơn ở chỗ chỉ cần thay đổi cách thở bấy lâu, bạn có thể tạo ngay ra trạng thái thư giãn. Nếu kiểm soát tốt hơi thở, coi như bạn đã có công cụ hữu hiệu để giảm tải cho cơ thể. Cũng vậy, đây chính là cách giúp bạn ngăn ngừa “từ trứng nước” mọi căng thẳng.
Điều gì xảy ra khi bạn thở?
Hít thở mang ôxy tới cho cơ thể và thải ra những khí “rác” như CO2 chẳng hạn. Phổi của bạn sẽ làm nhiệm vụ trao đổi chất quan trọng này. Tuy nhiên, phổi không có những múi cơ để giúp bạn hít thở mà cơ hoành sẽ làm nhiệm vụ này. Cơ hoành là một dải cơ hình vòm ngăn cách khoang ngực và khoang bụng, nó hoạt động như một cái sàn linh hoạt cho phổi.
Khi bạn hít vào, cơ hoành bị nén xuống để tạo không gian lớn hơn cho lồng ngực và giúp phổi nở ra. Bạn có thể cảm nhận thể tích dạ dày tăng lên. Khi bạn thở ra, cơ hoành sẽ trở lại dạng mái vòm của nó. Thở bằng cơ hoành còn gọi là thở bụng, một cách hít thở trao đổi O2 và CO2 cực kỳ hiệu quả.
Cơ hoành vốn làm việc tự động, nhưng chính bạn thường xuyên “vô hiệu hóa” cơ hoành, đặc biệt khi bạn đang stress và mọi rắc rối cũng khởi đầu từ đó. Một người không có ý thức thở tốt rất ít dùng tới cơ hoành khi thở, và chính việc này khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng, thêm stress...
Thở tệ là thế nào?
“Một hơi thở tệ” thường chung kiểu: bạn hơi căng ngực, hai vai nâng nhẹ khi hít khí để mang chúng vào phổi. Với kiểu thở này, ít khi nào bạn dùng tới bụng. Cũng có khi bạn nín thở hay thở nhanh, thở “nông” do hồi hộp, phân tâm hay tập trung suy nghĩ gì đó. Những kiểu thở này đều làm bạn stress hơn. Rồi chính stress lại khiến bạn thở sai cách, một chu kỳ lẩn quẩn bắt đầu.
Chỉ đơn giản thay đổi hơi thở, bạn sẽ nhận nhiều lợi ích cho cơ thể. Bởi thở sai có thể gây những hậu quả:
- Thiếu ôxy trong máu.
- Lòng mạch thu hẹp.
- Thiếu ôxy lên não.
- Nhịp tim của bạn và huyết áp tăng.
- Choáng váng, run rẩy.
Tổ tiên của chúng ta thời nguyên thủy luôn biết cách thở đúng. Nhưng ngày nay, dường như chỉ có ca sĩ opera, diễn viên sân khấu, nhạc công chơi các loại khí cụ và những giảng viên yoga thực sự hít thở một cách hiệu quả.
Chính bạn cũng từng thở rất đúng, khi bạn là đứa trẻ. Hãy nhìn một đứa bé nằm trong nôi, nó thở bình thản, bụng phình lên hay xẹp đi một cách thoải mái. Nhưng sau đó, trẻ lớn lên và thay đổi cách thở. Rất may là khả năng của bạn không mất đi, bạn hoàn toàn có thể dạy lại mình cách hít thở đúng.
Tập thở đúng
Để biết mình có hít thở đúng hay không, hãy làm thử nghiệm đơn giản này:
1. Nằm ngửa.
2. Đặt tay phải lên bụng và tay trái lên ngực. Cố gắng theo dõi hơi thở, kiểm tra xem liệu hơi thở của bạn được nhịp nhàng, chậm rãi và đều không. Nếu bạn đang thở đúng, bàn tay trên bụng bạn nâng lên và xẹp xuống nhịp nhàng cùng sự hít vào và thở ra của bạn theo quy tắc: khi bạn hít vào, bụng phình ra để chứa khí; khi bạn thở ra, bụng xẹp lại để đẩy hết thán khí ra ngoài, chuẩn bị chứa khí mới cho lần hít vào của chu kỳ thở tiếp theo.
Nếu thở đúng, bàn tay trên ngực của bạn dao động rất ít, và nhịp dao động lên xuống cũng theo nhịp của bàn tay trên bụng.
Đừng căng thẳng khi tập thở
Trong các phòng tập yoga, rất nhiều người khi tập thở đã bị mất kiểm soát các bộ phận cơ thể khi hít vào - thở ra. Lỗi thường gặp nhất là khi thở ra thì bụng cũng phình ra, khi hít vào thì bụng lõm - những điều ngược với quy trình thở đúng. Bạn đừng để áp lực thở đúng gây bối rối. Bởi nếu đã quen hít thở không hiệu quả trong nhiều năm, việc thay đổi có thể mất một thời gian và không thể nôn nóng. Hãy nhớ rằng, mục tiêu tập thở là để giảm bớt căng thẳng chứ không phải để bạn thêm stress.