Thực ra, những con đường mà các nhà thầu “mượn” ấy vẫn còn nguyên ở đó chứ chả ai lấy đi đâu, song hiện trạng thì nát như tương. Các nhà thầu đã “mượn” đường dân sinh để vận chuyển nguyên vật liệu vào chân các công trình như đường cao tốc, các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện.
Mỗi ngày phải oằn mình gánh chịu hàng trăm lượt xe tải chở đất, đá, sắt thép, xi măng của các nhà thầu thi công nên những con đường dân sinh ấy chẳng mấy chốc xuống cấp.
Chuyện “mượn đường mà không trả” này đang rất nóng tại một xã thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Năm 2020, 7 nhà đầu tư đã làm điện gió tại vùng này và “mượn” 16km đường dân sinh từ đường Hồ Chí Minh đến xã Hướng Linh để tập kết vật liệu phục vụ cho việc thi công.
Các nhà thầu đã cam kết với dân và chính quyền địa phương là sau khi thi công xong dự án điện gió, họ sẽ hỗ trợ để tu sửa lại toàn bộ 16km đường như hiện trạng ban đầu với tổng kinh phí khoảng 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, các công trình điện gió thì đã xong, các nhà đầu tư cũng đã thu tiền điện từ công trình của họ nhưng 16km đường hư hỏng nặng thì không được sửa chữa như cam kết. Hàng ngàn hộ dân là đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh “kêu trời” vì suốt 3 năm qua, hễ nắng lên thì bụi mù trời mà mưa xuống thì lầy lội không thể đi lại được.
Đặc biệt, các loại nông sản vùng này của bà con không thể bán cho thương lái vì vận chuyển rất khó khăn. Mới đây, hôm 14/12, huyện Hướng Hóa một lần nữa làm công văn đề nghị các nhà thầu phải giữ đúng cam kết là khẩn trương tu sửa lại toàn bộ tuyến đường đã hư hỏng nặng để dân đi lại, kịp đón Tết cổ truyền sắp tới nhưng cả 7 nhà thầu vẫn “im lặng”.
Chuyện “mượn đường” để thi công không chỉ ở huyện Hướng Hóa trên đây mà ở hầu hết các địa phương có các dự án lớn. Tất cả đều có cùng một “kịch bản” như thế. Ví dụ như dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Nhà thầu thi công tuyến đường này đã xong nhiều năm rồi nhưng hàng loạt tuyến đường dân sinh ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Duy Xuyên (Quảng Nam), bị băm vằm thành ổ trâu ổ voi do xe tải nặng của các nhà thầu thường xuyên chạy trên đường, vẫn không được sửa chữa cho dân đi lại. Sau nhiều lần kiến nghị của chính quyền địa phương và áp lực từ chủ đầu tư, mới đây, nhà thầu mới chịu sửa chữa.
Vận chuyển vật liệu bằng xe tải nặng để thi công các dự án lớn, nhất thiết phải “mượn đường”, đó là chuyện tất yếu. Người dân đi lại trên những tuyến đường đó cũng đã chia sẻ những khó khăn với nhà thầu bằng việc họ phải chịu đựng cảnh “nắng bụi mưa bùn” trong suốt thời gian thi công. Tuy nhiên, khi đã làm xong công trình thì phải trả lại hiện trạng ban đầu của con đường đã mượn chứ sao lại xong việc rồi… biến luôn?
Về phía chủ đầu tư và lãnh đạo các địa phương cũng nên có biện pháp mạnh tay với những trường hợp chây ì này vì khi mượn đường để thi công công trình, nhà thầu nào mà chẳng ký quỹ để đảm bảo các cam kết! Cứ lấy số tiền đã ký quỹ ấy ra mà sửa đường cho dân chứ hơi đâu phải theo năn nỉ nhà thầu!