Người dân Đăk Glei, Kon Tum khốn đốn vì đường xuống cấp

GD&TĐ - Những năm qua nhiều tuyến đường tại huyện biên giới Đăk Glei (Kon Tum) đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng... người dân ngày đêm ngóng chờ đầu tư.

Nhiều 'ổ voi, ổ gà' trên tuyến đường ĐH 83.
Nhiều 'ổ voi, ổ gà' trên tuyến đường ĐH 83.

“Ổ voi, ổ gà” chằng chịt

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, tuyến đường ĐH 83 nối trung tâm huyện Đăk Glei (Kon Tum) đến xã Đăk Nhoong dài khoảng 20km. Tuy nhiên, con đường này có hàng chục điểm sạt lở ta luy âm, ta luy dương và mố cầu… cùng với đó là nhiều “ổ voi, ổ gà” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Để đảm bảo an toàn, mỗi khi đi qua khu vực này người dân giảm tốc độ, rà chân hoặc đi men theo mép đường.

Bà Y Nguyệt (xã Đăk Nhoong) cho hay, tuyến đường ĐH 83 đã hư hỏng nhiều năm nay. Trên đường xuất hiện một số điểm hư hỏng, hố sâu hoắm… do đó mỗi khi mưa xuống nước ngập lênh láng gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân.

“Vào ngày mưa người dân rất lo lắng khi di chuyển trên tuyến đường bởi có nhiều điểm sạt lở và hố sâu. Tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh nên bà con bắt buộc phải đi lại. Việc té ngã vào mùa mưa bão không phải là hiếm với người dân nơi đây. Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm khắc phục, sửa chữa để đảm bảo việc đi lại cho người dân”, bà Y Nguyệt bộc bạch.

Tương tự, tại các tuyến đường ĐH 81, ĐH 85 cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Đường ĐH 85 nối xã Đăk Môn và Đăk Long dài khoảng 18km. Dọc theo tuyến mặt đường đã bong tróc phần nhựa, nhiều đoạn hình thành những vết lún tạo thành hố sâu khoảng 50 - 60 cm. Vào mùa mưa, những hố sâu này ngập nước và trở thành cái bẫy đối với người đi đường.

Anh Nguyễn Văn Hào làm nghề lái xe tải cho biết, thường xuyên di chuyển, chở hàng hoá qua khu vực này. Tuy nhiên, đường hư hỏng xuống cấp nặng nề nên việc đi lại rất vất vả, đặc biệt vào ngày mưa.

Chính vì vậy, cước phí anh Hào lấy cao hơn so với khu vực thuận lợi, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến người dân. Không những vậy, nếu người dân bán nông sản thì giá cả cũng thấp hơn vì chi phí vận chuyển cao do đường xấu.

Ngày mưa, nhiều điểm trên tuyến đường ĐH 85 gây khó khăn khi người dân di chuyển.

Ngày mưa, nhiều điểm trên tuyến đường ĐH 85 gây khó khăn khi người dân di chuyển.

Kinh phí quá lớn

Theo UBND huyện Đăk Glei, tuyến đường huyện lộ ĐH 81, ĐH 83 và ĐH 85 được đầu tư từ rất lâu nên đã xuống cấp trầm trọng.

Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa, lưu thông lớn. Cùng với đó là thiệt hại do mưa lũ, đặc biệt là cơn bão số 9 năm 2020 và các cơn bão năm 2021, 2022 đã gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí, gây úng ngập phá vỡ kết cấu nền mặt đường, tắc nghẽn hư hỏng hệ thống thoát nước.

Để đảm bảo giao thông và an toàn cho người dân, từ năm 2020 đến nay UBND huyện đã bố trí nguồn vốn đầu tư gia cố cầu, cống, kè tường chắn... tại những vị trí thiệt hại nặng. Về cơ bản đảm bảo được lưu thông trên toàn tuyến, tuy nhiên về lâu dài thì cần có nguồn vốn lớn đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông của người dân.

UBND huyện Đăk Glei cho hay, hàng năm đơn vị cân đối, phân bổ nguồn kinh phí chi thường xuyên khoảng 300 triệu đồng cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng và các xã, thị trấn để thực hiện sửa chữa nhỏ các hư hỏng nền mặt đường.

Trong khi đó UBND huyện được giao quản lý hạ tầng giao thông lớn với hơn 70km đường huyện lộ, gồm các tuyến: ĐH 81, ĐH 82, ĐH 83, ĐH 84, ĐH 85. Bên cạnh đó có thêm 13km đường trong đô thị và 51km đường xã gồm đường nội thôn xóm, đi khu sản xuất và nội đồng. Với nguồn kinh phí hạn hẹp như trên thì việc duy trì công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên cho các công trình là rất khó khăn.

Theo UBND huyện, ngoài tuyến huyện lộ ĐH 81 Bộ Quốc phòng đã phê duyệt dự án nâng cấp thì kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của huyện không có danh mục công trình đầu tư nâng cấp, sửa chữa 2 tuyến đường ĐH 83 và ĐH 85.

Đối với 2 tuyến đường huyện lộ ĐH 83, ĐH 85 sau khi cơn bão số 4 năm 2022 đi qua gây ra nhiều thiệt hại về hạ tầng giao thông. UBND huyện đã bố trí nguồn kinh phí là 2,2 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp, đảm bảo cơ bản lưu thông đi lại vận chuyển nông sản hàng hóa của người dân trên địa bàn.

Trong thời gian sắp tới UBND huyện này sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, khảo sát bố trí nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn giao thông do nền, mặt đường xuống cấp…

“Thực tế nguồn kinh phí để duy trì công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với các tuyến đường huyện lộ trên địa bàn quản lý là tương đối lớn, vượt khả năng cân đối của địa phương. Vì vậy UBND huyện đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum quan tâm kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh xem xét hàng năm bố trí nguồn kinh phí bảo trì cho các tuyến đường huyện lộ”, bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.