Mùa Xuân trong thơ trung đại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Viết về bốn mùa là một mảng đề tài quan trọng trong thơ trung đại, trong đó mùa Xuân chiếm một số lượng tác phẩm khá lớn.

Thơ viết về mùa Xuân thời trung đại gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc.
Thơ viết về mùa Xuân thời trung đại gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc.

1.

Thơ viết về mùa Xuân thời trung đại không chỉ là hiện tượng tự nhiên, mà còn gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Tìm hiểu thơ viết về mùa Xuân thời trung đại không chỉ giúp người đọc thấy được những nét thi pháp quen thuộc của các nhà thơ, mà còn giúp chúng ta nhận ra những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh thời đại. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi xin điểm lại thơ Xuân trung đại của các nhà thơ đã được đưa vào giảng dạy trong các cấp học nhằm bổ sung cho giáo viên, học sinh và các bạn yêu thơ một số tư liệu hữu ích.

2.

Mùa Xuân trong thơ thời Lý - Trần

Dưới thời đại Lý - Trần, Phật giáo phát triển rất mạnh, do đó thơ Thiền thời Lý - Trần cũng phát triển mạnh mẽ, đội ngũ sáng tác chủ yếu là các thiền sư và các cư sĩ. Cảm thức mùa Xuân trong thơ Thiền giai đoạn này gắn liền với những suy ngẫm của hệ tư tưởng triết học Phật giáo. Từ sự cảm nhận các quy luật của tự nhiên mà các nhà thơ thường gửi gắm vào đó ít nhiều triết lý nhân sinh hoặc thể hiện sự giác ngộ của mình.

Thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) thuộc đời thứ tám dòng Thiền Vô Ngôn Thông có bài kệ thi nổi tiếng Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người). Từ hiện tượng tự nhiên khi mùa Xuân đến trăm hoa đua nở, Xuân qua trăm hoa rụng mà bày tỏ sự giác ngộ của mình như một cành mai vượt lên lẽ thông thường đó. Như vậy, sự giác ngộ có thể vượt qua vòng luân hồi sinh tử để trụ lại với thời gian, hình ảnh nhành mai vẫn nở khi muôn hoa đã tàn khi Xuân vãn tượng trưng cho vĩnh cửu:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch thơ:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu, già đến rồi

Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua – sân trước – một cành mai.

Thiền sư Vạn Hạnh (938 - 1018) là người có đóng góp tích cực với vua Lê Đại Hành trong việc giữ nước và có vai trò quan trọng trong việc lên ngôi của Lý Công Uẩn cũng như hình thành vương triều Lý. Trước khi mất, Vạn Hạnh cũng để lại bài kệ dặn các đệ tử của mình, bài kệ cũng từ quy luật tự nhiên: Mùa Xuân cây cỏ tốt tươi đến mùa Thu lại héo úa để nói đến sự giác ngộ của mình, khi đã giác ngộ con người có thể vượt lên nỗi sợ hãi thông thường:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc Xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch thơ:

Thân như bóng chớp chiều Thu,

Cỏ Xuân tươi tốt, Thu qua rụng rời.

Sá chi suy thịnh cuộc đời,

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Cùng chung dòng cảm nhận ấy, Thiền sư Viên Chiếu cũng có những câu về mùa Xuân tươi đẹp:

Khô mộc phùng Xuân hoa giác phát

Phong suy thiên lý phúc thần hương.

(Cây héo vào Xuân hoa nở đầy

Gió đưa ngàn dặm nức hương thần).

Đức vua - Phật hoàng - Thi sĩ Trần Nhân Tông là người có hàng chục bài thơ về mùa Xuân, qua mỗi bài thơ người đọc cảm nhận được tâm hồn thơ ca tinh tế, thi vị của một ông vua có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên cũng như một thiền sư sáng lập dòng Thiền thuần Việt: Trúc lâm Yên Tử. Thơ Trần Nhân Tông thường không cầu kì, khuôn sáo mà cô đọng, dung dị, tự nhiên gửi gắm trong mỗi bài thơ là những tình ý mà người đọc rất tinh mới phát hiện được. Chúng ta cùng đọc lại bài Xuân hiểu (Sớm Xuân) để kiểm nghiệm điều đó:

Xuân hiểu

Thụy khởi khải song phi,

Bất tri Xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp,

Phách phách sấn hoa phi.

Dịch thơ

Sớm Xuân

Ngủ dậy mở cửa sổ,

A, Xuân về rồi đây!

Kìa một đôi bướm trắng,

Nhằm hoa, phơi phới bay.

(Trần Lê Văn dịch)

Đó là một buổi sớm thật yên bình, nhà thơ ngủ dậy mở cửa sổ ra mới hay Xuân đã về tự khi nào, một tâm trạng ngỡ ngàng như tiếng reo vui trước cảnh sắc mùa Xuân. Tín hiệu mùa Xuân cũng chỉ có hai sự vật: Đôi bướm trắng và hoa Xuân, thế là đủ làm nên mùa Xuân. Con người và thiên nhiên hài hòa, nhà thơ cảm nhận thiên nhiên một cách trong trẻo, tinh khôi nhưng không kém phần thơ mộng, tình tứ.

Đến với bài thơ Xuân cảnh (Cảnh Xuân) người đọc nhận thấy một buổi chiều Xuân thật bình yên với những bông hoa dương liễu trổ đầy cành, tiếng chim kêu nhẩn nha trong lùm cây, bên thềm nhà mây bay nhè nhẹ, đó là những nét vẽ mùa Xuân mềm mại, hữu tình ở hai câu đầu bài thơ.

Cảnh Xuân tươi đẹp xâm chiếm tâm hồn nhà thơ với tâm trạng thật thư thái, yên vui khiến cả chủ nhà và khách đều ngắm trời mây hoa cỏ mà quên chuyện nhân thế. Hẳn bài thơ được viết trong cảnh đất nước thanh bình, nhân dân no ấm mới có những câu thơ Xuân dạt dào cảm xúc như thế, không hỏi mà vẫn biết chuyện nhân thế qua những tín hiệu mùa Xuân từ đất trời, tạo vật:

Xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

Dịch thơ:

Cảnh Xuân

Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

(Huệ Chi dịch)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

3.

Đại thi hào Nguyễn Trãi (1380 - 1442), anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử cũng để lại cho hậu thế những thi phẩm mùa Xuân toàn bích. Đó là khung cảnh yên bình ở một bến đò vào tiết mùa Xuân với những thảm cỏ xanh non như màu khói, những hạt mưa Xuân bắt đầu nặng hạt khiến nước sông dềnh lên những đợt sóng tưởng như nước vỗ trời, đường đồng vốn vắng qua nhiều ngày mưa càng thêm vắng nên con đò cũng được thảnh thơi. Bài thơ bằng những nét vẽ nhẹ nhàng cảnh Xuân ở một bến đò mà người đọc còn cảm nhận tâm hồn thư thái, thảnh thơi không vướng bận thế sự:

Trại đầu Xuân độ

Ðộ đầu Xuân thảo lục như yên,

Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên.

Dã kính hoang lương hành khách thiểu,

Cô chu trấn nhật các sa miên.

Dịch thơ:

Bến đò Xuân đầu trại

Cỏ xanh như khói bến Xuân tươi,

Lại có mưa Xuân nước vỗ trời.

Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách,

Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.

(Khương Hữu Dụng dịch)

Đó là những năm Nguyễn Trãi về Côn Sơn ở ẩn, không bận chuyện triều chính, thế sự nên được khi thảnh thơi, nhàn nhã không ai làm phiền. Những ngày như thế trong cuộc đời Nguyễn Trãi không nhiều, nhà thơ để tâm hồn hòa nhịp với thiên nhiên, chỉ cần nghe tiếng cuốc kêu mà biết ngày Xuân đã muộn, thêm nữa mưa bụi và hoa xoan rơi đầy sân. Trong những hoàn cảnh bất đắc dĩ phải khép phòng văn bó mình trong không gian chật hẹp nhưng tâm hồn thi nhân vẫn mở rộng để cảm nhận đất trời độ cuối Xuân. Thi nhân kết thúc bài thơ bằng hình ảnh hoa xoan dân dã, bình dị vượt khỏi những công thức ước lệ, những thi liệu trang nhã về mùa Xuân. Ngày Xuân đã vãn, tuổi Xuân đã qua hơn nữa đã lớn tuổi nhưng Nguyễn Trãi vẫn giữ trọn niềm tin vào cuộc đời:

Mộ Xuân tức sự

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,

Môn ngoại toàn vô tục khách lai.

Ðỗ Vũ thanh trung Xuân hướng lão,

Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai.

Dịch thơ:

Cuối Xuân tức sự

Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn

Khách tục không ai bén mảng gần

Trong tiếng cuốc kêu Xuân đã muộn

Ðầy sân mưa bụi nở hoa xoan.

(Khương Hữu Dụng dịch)

Mùa Xuân trong thơ chữ Hán của Ức Trai vốn đã bình dị, quen thuộc thì đến mảng thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi chúng ta càng cảm nhận thêm những vần thơ dân dã, gần gũi nhưng không kém phần lãng mạn. Tập thơ Quốc âm thi tập với 254 bài được ví như bông hoa đầu mùa của nền văn học chữ Nôm mà Nguyễn Trãi đóng góp trong tiến trình lịch sử Văn học Việt Nam. Ở mảng thơ chữ Nôm, Nguyễn Trãi có nhiều điều kiện thuận lợi bộc lộ trực tiếp tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của mình, đó là một tâm hồn đa cảm, đó là người dám Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc Xuân (Thơ tiếc cảnh, bài 6). Từ phương diện đó của tâm hồn thi nhân chúng ta cùng đọc lại bài thơ Ba tiêu (Cây chuối) để kiểm nghiệm:

Ba tiêu (Cây chuối)

Tự bén hơi Xuân tốt lại thêm,

Ðầy buồng lạ, màu thâu đêm.

Tình thư một bức phong còn kín,

Gió nơi đâu, gượng mở xem.

Thấy cây chuối tốt tươi khi bén hơi Xuân, lá chuối non còn đang cuộn lại mà thi nhân liên tưởng đến bức thư tình còn phong kín, nhờ gió gượng mở xem (nhẹ chứ không phải gượng gạo). Có thể nói bài thơ thiên về gợi chứ không tả, nói cây chuối mà ẩn chứa trong đó bao tình ý. Cũng trong tập thơ chữ Nôm này, Nguyễn Trãi dành riêng một phần cho mục hoa mộc môn trong đó có chùm thơ Đào hoa (6 bài) theo cách thủ vĩ liên hoàn. Nhà thơ đã chọn loài hoa biểu trưng cho mùa Xuân để gửi gắm những diễn ngôn của bậc chính nhân quân tử nhưng bị bọn nịnh thần gièm pha không còn được tin dùng, chùm thơ gửi gắm trong đó rất nhiều tâm sự không kém phần tha thiết, chân tình:

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi,

Cành Xuân mơn mởn thấy Xuân cười.

Đông phong ắt có tình hay nữa,

Kín tiễn mùi hương dễ động người.

(Đào hoa, bài 1)

Khí hồng quân hãy xá tài qua,

Chớ phụ Xuân này chớ phụ hoa.

Hoa có ý thì Xuân có ý,

Đâu đâu cũng một khí dương hòa.

(Đào hoa, bài 3)

4.

Đại thi hào Nguyễn Du cũng dành khá nhiều câu trong kiệt tác Truyện Kiều để nói về mùa Xuân, ngoài ra còn nhiều bài thơ viết về mùa Xuân. Mùa Xuân trong thơ Nguyễn Du có khi là bức tranh tươi tắn, cỏ cây hoa lá tốt tươi, thiên nhiên và con người trong một vẻ hài hòa:

Ngày Xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng Ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân.

(Truyện Kiều)

Nguyễn Du có nhiều khi cảm nhận thời gian trôi nhanh, nhất là mùa Xuân, qua hàng chục bài thơ chữ Hán của mình, nhà thơ thường gửi gắm nỗi niềm tâm sự của một người nhiều lận đận phong trần nhất là những bài viết khi lưu lạc nơi đất Bắc trước khi ra làm quan triều Nguyễn. Chúng ta cùng đọc lại một bài trong số ấy:

Mộ Xuân mạn hứng

(Làm thơ vào cuối Xuân)

Một năm Xuân đẹp chín mươi ngày

Vùn vụt thiều quang ngẫm xót thay

Cõi thế công danh chim cánh lướt

Sân nhàn thời tiết bóng oanh bay

Xét thân không thoát vòng sinh hoại

Lo mãi làm chi cuộc sống này

Rốt cuộc lợi danh tan tác cả

Phải chi sớm học phép tiên hay.

Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng khá nhiều lần nói đến mùa Xuân với những sự nhạy cảm của người phụ nữ khi ý thức về thời gian, tuổi tác khi Chơi Xuân đã biết Xuân chăng tá, với bà sự trở lại của mùa Xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi Xuân:

Ngán nỗi Xuân đi Xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con.

(Tự tình, 1)

5.

Có thể nói trong hàng ngàn bài thơ viết về mùa Xuân thời trung đại đều đặt ra những vấn đề gắn với cuộc sống, nhân sinh tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết chúng tôi chưa có dịp đề cập đến. Điều đó cho ta thấy vị trí mùa Xuân trong thơ trung đại mang một ý nghĩa rất quan trọng, tiếp nhận thơ viết về mùa Xuân thời trung đại giúp chúng ta tiếp tục giải mã những vấn đề còn bỏ ngỏ trước kia.

Để khép lại bài viết nhỏ này tôi xin dẫn lại ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn: “Một vấn đề lý luận nữa cần chú ý khi đọc tác phẩm là mối quan hệ giữa tư tưởng và ngôn từ. Ngôn từ có chức năng chuyển tải tư tưởng, song không phải bao giờ ngôn từ cũng đủ để biểu hiện tư tưởng của tác giả. Một tư tưởng mới có khi vẫn bị khuôn trong hệ thống ngôn từ và biểu tượng cũ.

Hệ từ vựng mà một tác giả sử dụng khi đã tồn tại trong một thời gian nhiều thế kỷ - nhất là ở thời trung đại - có thể trở nên sáo mòn, không phản ánh được đầy đủ những nét riêng ở một tác giả, không đáp ứng được nhu cầu biểu hiện của tác giả. Khi đó nếu chỉ dựa vào nghĩa từ điển của các từ ngữ được sử dụng sẽ không thể hiểu đúng con người nghệ thuật trong văn bản tác phẩm. Khi đó có thể xuất hiện hệ từ vựng mới hoặc phá vỡ nghĩa của từ vựng cũ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…