Mùa xuân chín hay… sống?

Mùa xuân chín hay… sống?

Mùa xuân chín của Hàn Mạc Tử(*) là một trong những bài thơ được nhiều tuyển tập chọn giới thiệu, được bao người bình phẩm. Suốt thời gian dài, chương trình giảng dạy và học tập môn Ngữ văn lớp 9 có Mùa xuân chín. Đề thi học sinh giỏi Văn toàn quốc bậc THPT niên khoá 1988 - 1989 đã yêu cầu phân tích bài thơ này.

Bài thơ Mùa xuân chín nằm trong phần thứ nhất mang tên Hương thơm nơi tập Thơ điên, nhan đề khác là Đau thương. Thi tập nọ chưa được xuất bản thuở Hàn còn sống, nhưng một số bài thơ trong tập đã đăng báo đó đây. Mùa xuân chín từng được công bố lần đầu trên giai phẩm Nắng xuân, với bút danh Trọng Minh, ấn hành dịp Tết Đinh Sửu 1937 tại Quy Nhơn. Vậy Hàn làm bài thơ này bao giờ?

Một bạn thân của Hàn là thi sĩ Hoàng Diệp, họ tên Nguyễn Anh (1912 - 1996), thuở sinh tiền từng nói với tôi:

- Bài Mùa xuân chín được Hàn viết cuối năm Bính Tý 1936.

Chân dung Hàn Mạc Tử do Phanxipăng vẽ bút chì

Cuối năm 1936, đầu năm 1937 là cái mốc giúp hậu thế nắm bắt một số sự kiện liên quan tác giả Mùa xuân chín. Ấy là giai đoạn Hàn thôi làm báo tại Sài Gòn, trở về Bình Định với gia đình và vừa in Gái quê – thi tập duy nhất được ấn hành lúc Hàn còn tại thế. Ấy cũng là giai đoạn Hàn chưa phát hiện căn bệnh nan y mà bản thân mắc phải.

Nguyên mẫu chị ấy là ai?

Bài thơ Mùa xuân chín kết thúc bằng đôi dòng xao xuyến:

- Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Bấy lâu nay, khá đông người tò mò: Nguyên mẫu chị ấy là

ai nhỉ?

Chẳng rõ vì sao mà trên website VietCatholicNews ngày 27/10/2000, linh mục Trần Quý Thiện cho rằng chị ấy là Thu Yến, một trong 9 người tình của Hàn. Vậy nhân vật Thu Yến ra sao?

Theo hồi ký Hàn Mạc Tử trong riêng tư của Nguyễn Bá Tín (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994) thì Thu Yến viết báo ký bút danh T.Y., có tên thường gọi là Trà. Đó là “con gái út của ông cậu họ, anh mẹ tôi ở bên Phường Đúc.” Cũng theo hồi ký ấy, người cậu tên Chí, là gia đình bà con xa nên đôi bên “có thể kết hôn được.”

Ông Tín nhận xét: “Chị Trà là mối tình yên lặng nhất của anh [Hàn], đến đỗi nhiều lúc chịu không nổi, cũng có úp mở với tôi cho vơi đi nỗi tiếc nhớ”. Tiếc nhớ bởi Hàn “không dám tìm cách tỏ tình” nên lúc biết Thu Yến lấy chồng thì trong lòng nhà thơ dâng trỗi “mối hận riêng tư lâu dài”. Do đó, Hàn xót xa sáng tác bài Buồn thu theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, “được xem là bài thơ đẹp nhất trong Lệ Thanh thi tập”.

Chân dung Hàn Mạc Tử do Vỹ Nhuế Lê Đằng Giao tạc tượng xi măng

Tại thành phố Huế, Phường Đúc nằm ven hữu ngạn dòng Hương. Đó là địa bàn mà bản thân tôi sống suốt thời thơ ấu, lâu nay thỉnh thoảng vẫn quay về, nên khá am tường. Mộ ông Nguyễn Văn Toản – thân phụ của Hàn – cũng từng nguyên táng tại đây. Tôi dò hỏi một số bậc cao niên ở giáo xứ Phường Đúc còn gọi giáo xứ Trường An, không ai nhớ gia đình ông Chí có người con gái tên Thu Yến hoặc Trà từng trú ngụ tại đây. Linh mục Phêrô Trần Văn Quí quản xứ chịu khó tra sổ sách mà nhà thờ lưu trữ, vẫn chẳng thấy gia đình ông Chí có người con gái tên Trà hoặc Thu Yến từng sống ở giáo xứ này.

Tôi trực tiếp gặp ông Nguyễn Bá Tín (1916 - 2002) để chất vấn. Thật bất ngờ, bào đệ của Hàn Mạc Tử thú nhận:

- Tôi viết hồi ký đó rất gấp để kịp tiến độ đã đăng ký với NXB Hội Nhà văn. Vì vậy, có những nhầm lẫn. Thu Yến không phải là… chị Trà đâu! Chị Trà chỉ là cái tên tôi đặt thêm cho Thu Yến. Thực tế thì Thu Yến là bà con với Hoàng Trọng Miên và Hoàng Trọng Quỵ tức Thanh Nghị, nhà ở Nguyệt Biều.

Nguyệt Biều là ngôi làng nay thuộc phường Thuỷ Biều, kế cận Phường Đúc. Cả hai địa phương đều nổi tiếng “miền gái đẹp” và đều sử dụng con đường Bùi Thị Xuân – trước năm 1977 là đường Huyền Trân Công Chúa, trước năm 1945 là rue des Arènes / đường Hổ Quyền – làm trục giao thông chính. Con đường ấy uốn lượn ven sông Hương. Ví giai nhân từng gánh thóc trên con đường ấy, kể ra cũng hợp cảnh, hợp tình. Tiếc thay, theo xác minh sơ bộ của tôi, Thu Yến có khả năng là phụ nữ… ảo!

Bờ sông trắng ở đâu?

Trừ những trường hợp thật cần thiết, chứ cứ lăm lăm kiếm tìm địa chỉ chính xác cho thơ, ắt chẳng hay ho gì, lắm phen lại còn… phản thơ. Tuy nhiên, sáng tạo văn chương dẫu “phiêu hốt tang bồng” cỡ nào cũng không hoàn toàn thoát ly hiện thực; và các nhân danh lẫn địa danh nếu xuất hiện thích hợp trong thơ ca thì đó là tín hiệu thẩm mỹ cần thiết để riêng hoá, biệt hoá, sinh động hoá không gian lẫn thời gian nghệ thuật. Khi thưởng thức thơ Hàn Mạc Tử viết về Đà Lạt trăng mờ rồi Phan Thiết! Phan Thiết!, chắc chắn tư duy bạn đọc không nhầm lẫn giữa phố núi với phố biển tạo nền cho hai thi phẩm khác nhau.

Chân dung Hàn Mạc Tử do Nguyễn Bá Tín vẽ sơn dầu

Viết bài Dòng sông của Hàn Mạc Tử đăng báo Quảng Bình ra ngày 16/9/1999, sau đó đăng lại trên tạp chí Văn hoá Văn nghệ Công an 5 (2000), Hoàng Thái Sơn cắc cớ đặt vấn đề: “Ngay cả những bài như Đây thôn Vỹ Dạ, ai dám bảo bài thơ viết về làng Vỹ Dạ ở Huế?”.

Xin thưa: Theo đúng bút tích của Hàn mà nhà giáo Hoàng Thị Kim Cúc (1913 - 1989) lưu giữ thì nhan đề chính xác của bài thơ là Ở đây thôn Vỹ Dạ. Và cả loạt chi tiết đặc trưng như nắng hàng cau, vườn ai mướt quá, lá trúc che, hoa bắp lay, bến sông trăng vừa mang tính điển hình, có thể đại diện cho cảnh sắc nhiều làng quê Việt Nam, song vừa mang tính cá biệt, chỉ nói riêng về thôn Vỹ, không thể lẫn lộn với địa phương khác. Mà mảnh đất Vỹ Dạ đương nhiên ở Huế, chứ lẽ nào ở… tít Nam Kinh của đất nước Trung Hoa hay tận Kyoto của xứ sở Nhật Bản?

Điều trái khoáy là qua bài báo nọ, Hoàng Thái Sơn đặt vấn đề như thế xong, liền “đưa ra một địa chỉ đáng tin cậy của dòng sông” đối với câu thơ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang. Theo Hoàng Thái Sơn, đó là sông Nhật Lệ vì Hàn từ sinh ra đến lên 8 thì gắn bó với Đồng Hới.

Yêu quê hương, yêu nơi chôn nhau cắt rốn và / hoặc nơi cư ngụ là tình cảm tự nhiên chính đáng. Ngay bản thân tôi, dù chỉ ghé Quảng Bình dăm lần mà cũng rất quý mến cảnh và người ở đấy. Nhưng chẳng thể khẳng quyết rằng ấn tượng thu được từ hồi 8 tuổi có khả năng chi phối toàn bộ sáng tác suốt một đời nghệ sĩ. Vả lại, nên nhớ rằng chánh quán của Hàn Mạc Tử là thôn Thanh Tân, xã Thanh Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Từ 9 tuổi trở lên, Hàn sống nhiều nơi mà Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Huế, Sài Gòn giữ vai trò rất đáng kể trong đời sống thi nhân.

Chân dung Hàn Mạc Tử do Phạm Văn Hạng tạc tượng xi măng 

“Nói đến Quảng Bình là nói đến gió Lào, cát trắng, nắng chang chang”. Hoàng Thái Sơn lập luận vậy và dẫn chứng thơ Tố Hữu: Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình. Song le, Hoàng Thái Sơn bảo rằng câu Kiều Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia là do Nguyễn Du “cảm xúc về những cồn cát chạy dọc suốt Quảng Bình thời ông làm cai bạ nơi đây”, e người Quảng Bình nghe xong cũng phải phì cười! Bởi gió Lào đâu chỉ thổi riêng trên đất Quảng Bình.

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên đều chịu đựng cơn gió khô nồng kia từ tháng 4 - 9 hằng năm dương lịch. Cát trắng thì nhiều miền duyên hải rất sẵn, ví dụ tỉnh Thừa Thiên có khu vực toàn cát trắng nằm giữa đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và biển Đông, từ các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hoà, Điền Hải thuộc huyện Phong Điền giáp giới tỉnh Quảng Trị, đến các xã Vinh Mỹ, Vinh Hưng, Vinh Giang, Vinh Hải thuộc huyện Phú Lộc giáp giới thành phố Đà Nẵng. Riêng cái nắng chang chang trong thơ Hàn lẫn ngoài đời thật, nếu cho rằng là “đặc sản” của Quảng Bình thì hoàn toàn khiên cưỡng!

Đối với bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mạc Tử, chị ấy đã không tên, thì bờ sông trắng cũng rất mơ hồ. Hãy để trí tưởng tượng của bạn đọc tự do hoạt động. Trong trường hợp này, cứ gượng ép định danh định vị nhân vật lẫn địa điểm, không khéo lại khiến mùa xuân diễm mộng kia hoặc khô quắt, hoặc… sống nhăn.

__________________________________
(*) Nguyễn Trọng Trí (1912 - 1940) ký nhiều bút danh, trong đó có Hàn Mạc Tử và Hàn Mặc Tử. Khảo sát kỹ lưỡng, nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy bút danh chính thức của Nguyễn Trọng Trí những năm cuối đời là Hàn Mạc Tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...