Mùa xuân ở lại

GD&TĐ - Xuân này, ở khắp các miền biên viễn xa xôi, nơi cuối trời cực Tây của Tổ quốc vẫn có những thầy cô ở lại. Họ dành chọn Tết riêng, để góp thêm sự “ấm áp” tạo nên mùa xuân ý nghĩa cho học sinh vùng cao.

Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (Huyện Nậm Pồ, Điện Biên).    Ảnh: TG
Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (Huyện Nậm Pồ, Điện Biên). Ảnh: TG

Hạnh phúc riêng

Căn nhà gỗ đơn sơ của vợ chồng cô Bùi Thị Phanh và thầy Vàng Văn Lịch nằm cách Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (nơi thầy cô công tác) chừng vài chục mét. Ngôi nhà vắng người, những ngày cuối năm càng thêm trống trải.

“Tết đến, học sinh, phụ huynh đến thăm hỏi, tặng thầy cô bánh giầy, gạo nếp, thịt lợn... Có khi chỉ là bó rau cải nhổ vội còn nguyên gốc. Rồi bà con mời về nhà ăn Tết, có khi đi hết các nhà học sinh cũng là hết Tết. Những điều đơn giản đó nhưng là cả tấm lòng, sự yêu quý. Ở lại để sống giữa tình cảm của bà con dân bản như vậy cũng là niềm hạnh phúc riêng!”, cô Trịnh Thị Thơm chia sẻ.  

Khi nghe chúng tôi nhắc đến Tết, bất chợt cô Phanh lặng đi chừng vài phút, 2 hàng nước mắt lặng lẽ rớt qua đôi gò má. Nén dòng cảm xúc, cô trả lời: “Không biết các thầy cô khác thế nào, chứ nhà em hầu như ăn Tết bằng nước mắt. Lúc thì khóc vì sự cô đơn, tủi thân; khi lại khóc trước những tình cảm chân thành của bà con bản địa”.

Cô Phanh quê Hòa Bình nhưng quê chồng lại ở Lai Châu. Chính vì thế, năm nào giáp Tết câu chuyện về nội – về ngoại ăn Tết cũng đủ “đau đầu”. Chưa năm nào gia đình cô được ăn Tết vẹn toàn, vì được bên ngoại lại thương ông bà bên nội. Riêng cô, hơn 10 năm lên Điện Biên công tác thì có tới 7 năm ăn Tết xa nhà.

“Năm vì khó khăn về xe cộ đi lại, năm thì con ốm. Hai năm gần đây lại dịch bệnh, thế là chẳng về được. Gia đình, người thân, rồi bạn bè cứ thắc mắc sao không về, bọn em chỉ biết gượng cười cho qua. Nhưng thật ra xa xôi quá, riêng việc đi lại đã mất vài ba ngày, tính ra thời gian nghỉ Tết bên gia đình chẳng được là bao”, cô Phanh bộc bạch.

Tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn hàng năm vẫn có nhiều giáo viên gác lại hạnh phúc riêng, ở lại ăn Tết cùng bà con. Ảnh: TG
Tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn hàng năm vẫn có nhiều giáo viên gác lại hạnh phúc riêng, ở lại ăn Tết cùng bà con. Ảnh: TG

Cho đến giờ, cô Phanh vẫn nhớ như in Tết đầu tiên ở lại trường vào năm 2017. Năm đó, 2 vợ chồng cô mới cưới, dựng được căn nhà gỗ nhỏ làm mái ấm riêng. Lần đầu tiên chuẩn bị Tết cho gia đình, cô Phanh lúng túng điện về hỏi mẹ.

Rồi vợ chồng cô đèo nhau vượt con đường đá hộc, đèo dốc hơn 20km từ xã Vàng Đán ra trung tâm xã Nà Hỳ mới có chợ. Thế nhưng, vùng cao không như ở quê, nhiều thứ mẹ dặn đều không tìm được, chỉ có lợn, gà và nông sản là sẵn có. Vậy là, Tết có gì ăn nấy.

“Năm ấy chỉ có vài anh chị em giáo viên xa quê ở lại trường. Trên này heo hút, dân ở cách xa nhau nữa, buồn kinh khủng. Đêm 30 bọn em cũng làm mâm cỗ thắp hương, xong thì 2 vợ chồng ngồi khóc. Gọi điện về cho 2 bên nội ngoại, ông bà động viên lại càng tủi thân”.

Sau 5 năm liên tiếp không về quê đón Tết cùng gia đình, năm ngoái 2 vợ chồng cô Phanh bàn nhau quyết tâm về ngoại. Điện thoại về thông báo, mẹ cô mừng quýnh gọi các anh chị lớn chuẩn bị đón gia đình em út, nhất là cháu trai đã tròn 5 tuổi mà chưa một lần về ăn Tết.

“Vợ chồng em chuẩn bị đâu đấy hết rồi, cu con thì ngày nào cũng nhảy chân sáo vì sắp được về bà ngoại. Đùng cái dịch bệnh căng thẳng, phải ở lại. Sợ mẹ thất vọng, mãi hôm 28 Tết em mới gọi điện báo. Mùng 1 Tết gọi điện bằng hình ảnh về quê, mọi người ở cả 2 đầu cùng khóc. Em thèm cảm giác Tết sum vầy, còn cả nhà cũng thương vợ chồng em. Tết năm nay tình hình dịch bệnh chắc thêm lần lỡ hẹn với gia đình…”, cô Phanh trải lòng.

Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) trong giờ chơi.
Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) trong giờ chơi. 

Tết trò

Như nhiều giáo viên vùng cao khác, Tết Nguyên đán năm nay, cô giáo Hà Thị Thảo, Trường Mầm non Pa Tần (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) ở lại cùng bà con dân bản. Cô Thảo rời quê hương Hòa Bình lên Điện Biên công tác đã tròn 10 năm. Già nửa thời gian trong số đó cô ở lại trường ăn Tết.

Những ngày cuối năm, khi học sinh nghỉ Tết về bản, cô Thảo cũng dọn dẹp, chỉnh trang “tổ ấm” nhỏ của mình. Cô tất bật làm mứt từ những nông sản sẵn có tại địa phương (bí, gừng…). Trong căn nhà gỗ nhỏ giờ đã có cành đào do phụ huynh chặt từ vườn mang tặng. “Tết của giáo viên ở bản là thế. Chỉ thiếu tình cảm người thân thôi, chứ giờ mọi thứ cũng đầy đủ, sẵn có hết cả”, cô Thảo nói.

Xưa nay, dân gian thường có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Thế nhưng theo lời kể của cô Thảo thì ở đây ngược lại. Vì xa gia đình nên những lời chúc chỉ gửi qua điện thoại, phần lớn thời gian còn lại thầy cô lại đi “Tết trò”.

Cô và trò Trường Mầm non Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Cô và trò Trường Mầm non Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

“Bà con ở đây khó khăn, nhưng quý giáo viên lắm. Biết thầy cô ở lại là ra tận trường mời vào nhà ăn Tết, rồi mời tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao dân tộc. Chúng tôi cũng tranh thủ dịp này đến nhà chúc Tết, rồi nhắc nhở, vận động các gia đình cho con đi học đúng lịch”, cô Thảo bộc bạch.

Tết thường chỉ được nghỉ từ 7 - 9 ngày, nên năm nào cô Thảo cũng phải tính toán. Nếu về quê cũng chẳng được mấy, mà cố ở thêm thì không kịp thời gian lên để vận động học sinh ra lớp đúng lịch, do bà con ở đây có thói quen ăn Tết dài ngày và tổ chức lễ hội vào đầu năm.

“Nếu mình không nhắc nhở thì phụ huynh cũng mặc. Nhiều nhà còn cho con chơi đến hết tháng Giêng. Mãi giờ cũng thành quen, bọn em coi đây là quê hương thứ 2 rồi. Nên Tết ở đâu cũng đều có niềm vui riêng”, cô Thảo nói.

Từ quê hương Thái Bình lên Lai Châu công tác, cho đến giờ cô giáo Giang Thị Thắm, Trường PTDTBT Tiểu học Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ) đã gắn bó hơn 30 năm với vùng cao. Có nhà, gia đình riêng và “ăn” rất nhiều cái Tết với bà con, song cho đến giờ, cô Thắm vẫn nhớ như in Tết đầu tiên ở bản.

Cô Bùi Thị Phanh và học sinh Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Cô Bùi Thị Phanh và học sinh Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

“Lần đầu ăn Tết xa nhà cũng tủi thân lắm. Nhưng ở đây bà con rất tình cảm. Năm đầu tôi chưa biết nên thấy lạ khi thấy một số thầy cô lớn tuổi hơn rủ đi chúc Tết gia đình học sinh, các trưởng bản… Sau nghe các thầy cô nói, phần là phong tục, song phần để xây dựng tình cảm với bà con. Khi đã quý rồi thì nói gì bà con cũng nghe, nhất là việc cho con ra lớp, rồi cùng đóng góp công sức sửa sang trường lớp”, cô Thắm chia sẻ.

Xã Phăng Sô Lin, nơi cô Thắm công tác, là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông và Dao. Trước kia, bà con chưa dành sự quan tâm đến việc học của con cái. Thậm chí nhiều phụ huynh còn có tư duy “đi học không no được”, “đi học không có người làm nương, chăn trâu”…

“Thế nhưng từ khi các thầy cô về sống cùng bà con, chia sẻ mọi việc, trong đó có cả việc ở lại ăn Tết đã thay đổi nhiều. Từ việc cho con đến trường, lớp đầy đủ, khi nhà trường có việc cần huy động bà con cũng đều có mặt đông đủ. Giờ việc vận động học sinh ra lớp đầu năm và sau Tết cũng không còn vất vả như trước nữa. Nhưng không phải vì thế mà giáo viên bỏ tục Tết trò. Bởi trên hết là tình cảm”, cô Thắm tâm sự.

Nhiều thầy cô ở vùng cao đến tận nhà chúc Tết trò và tranh thủ nhắc nhở, vận động học sinh ra lớp đúng lịch.
Nhiều thầy cô ở vùng cao đến tận nhà chúc Tết trò và tranh thủ nhắc nhở, vận động học sinh ra lớp đúng lịch.

Động viên nhau cùng cố gắng

Không về ăn Tết cùng gia đình, ai cũng có những nỗi lòng, tâm sự riêng. Nhưng theo chia sẻ của nhiều thầy cô, khi đã gắn bó lâu với vùng cao, mọi thứ lại dần bình thường. Những năm gần đây, ý thức của nhiều phụ huynh ở các vùng miền khó khăn về việc học của con cái được nâng lên. Bởi thế, Tết ở lại của thầy cô cũng thêm nhiều ý nghĩa.

Xuân này vẫn có nhiều giáo viên vì những lý do đã chọn cách ở lại ăn Tết cùng đồng bào. Đa phần đều thuộc các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn. Để Tết thêm ấm cúng, họ cũng có những chia sẻ, động viên nhau, chủ yếu bằng tình cảm.

Theo cô Trịnh Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), nhà trường hiện có 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vì đa phần giáo viên đều ở các tỉnh miền xuôi, đi lại khó khăn nên Tết hàng năm đều có người ở lại trường. Riêng năm học 2020 – 2021, chỉ có khoảng 30% thầy cô về được, do dịch bệnh phức tạp.

Cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) củng cố bài cho học sinh.
Cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) củng cố bài cho học sinh.

“Năm học này, qua rà soát chúng tôi ước có khoảng 60 – 70% giáo viên ở lại. Trong đó có cả thầy cô ở Điện Biên và nhiều tỉnh miền xuôi. Thường dịp Tết, ngoài việc chi trả sớm, đầy đủ 2 tháng lương thì thầy cô không có chế độ nào khác. Chính vì thế, chúng tôi động viên nhau bằng tình cảm”, cô Thơm cho hay.

Mặc dù, nhà ở xã khác, nhưng cô Thơm cũng có một căn nhà gỗ nhỏ ở gần trường. Vào dịp Tết, cô thường bố trí 1 – 2 ngày ở lại, để cùng ban giám hiệu nhà trường thường tổ chức đoàn thăm hỏi, chúc Tết động viên, chia sẻ với các thầy cô. “Chủ yếu nhìn thấy nhau, thăm hỏi là đã mừng lắm rồi, chứ ở đây không thầy cô nào đòi hỏi gì hơn”, cô Thơm nói.

Còn tại Trường THCS & THPT Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), kế hoạch chương trình Tết đã được xây dựng từ sớm. Trong đó, chương trình “Tết sum vầy – Xuân bình an”, với các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, bữa cơm tất niên để động viên thầy cô, học sinh nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng.

Ngoài ra, theo thầy Trần Huy Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường, trong điều kiện khó khăn, năm nay trường cố gắng tìm nguồn để có sự chia sẻ, động viên thiết thực với thầy cô có hoàn cảnh khó khăn và ở lại ăn Tết. Dự kiến, trường sẽ tổ chức thăm và tặng 3 suất quà, trị giá 1,5 triệu đồng; chúc Tết từng gia đình cán bộ, giáo viên ở lại địa bàn.

Bà Hoàng Thị Bích, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, cho biết: Thông qua đội ngũ giáo viên “cắm bản”, nhận thức về việc học của phụ huynh và học sinh những năm qua đã được nâng lên. Tuy nhiên, do tập tục, thói quen sau mỗi dịp nghỉ Tết, học sinh vẫn thường mải vui chơi, nghỉ học ở nhà. Những lúc như thế nếu không có thầy, cô giáo làm công tác vận động thì tỷ lệ chuyên cần của học sinh rất thấp; thậm chí một số học sinh lớp 8, 9 còn nghỉ học luôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ