Mùa thu vào trang báo

GD&TĐ - Dày dặn trang, dày dặn Thu, ấy là cảm nhận ban đầu của tôi khi đọc trang thơ của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh trên Báo Giáo dục và Thời đại, số ra ngày 11/10/2021.

Mùa thu cũng là “mùa vàng bội thu” trong thơ, trong báo của Nhà báo, nhà thơ, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh. Ảnh minh hoạ.
Mùa thu cũng là “mùa vàng bội thu” trong thơ, trong báo của Nhà báo, nhà thơ, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh. Ảnh minh hoạ.

Trang thơ gồm 6 bài trong số khá nhiều bài về mùa thu của tác giả viết trong 2 năm gần đây: "Nói với em, Bâng khuâng thu, Sau mưa, Xao xuyến thu, Hình như và có thể, Thu hy vọng". Tác giả đến với thơ dường như khá muộn màng hơn báo chí. Học hàm, học vị PGS, TS của ông cũng thành danh từ báo.

Vậy mà, bỗng nhiên ông có thơ đăng báo; và từ năm 2009 đến nay, ông lần lượt cho ra 9 tập thơ, đề cập đa dạng các lĩnh vực đời sống xã hội, những vỉa chìm, góc khuất của những phận người; với vui buồn đan xen, với nỗi lòng trắc ẩn... Nhưng nét bao trùm trong thơ ông là niềm lạc quan, tin yêu con người và cuộc đời, mà trang thơ về mùa thu trên số báo nói trên đã hàm chứa sự phơi phới ấy.

Có thể thời làm báo, thời đảm nhiệm nhiều cương vị công tác với nhiều chức phận, nên ông chưa có điều kiện làm thơ. Nhưng, nếu ai tinh, đọc những bài báo ông viết (dù ở thể loại nào, kể cả chính luận), hay nghe ông nói, dù ở diễn đàn nào… cũng đã thấy âm điệu của thơ. Bởi vậy, sau này tôi có cảm nhận ông chỉ như “chép thơ” từ phần mềm hồi tưởng. Nhờ vậy dòng thơ ấy được nối mạch như dòng sông tìm ra biển.

Đọc 9 tập thơ của Nguyễn Hồng Vinh, tôi thấy hiển hiện điều đó. Ý thơ, lời thơ cứ dung dị mà lắng sâu, tươi vui mà tinh tế, vừa rộng vừa dài cả về không gian và thời gian. Từ đồng quê chiêm trũng, nơi đô thành phồn hoa, vào miền Tây mùa nước nổi, hay khi ở nước Nga xa xôi…, thơ “không biên giới” của ông cứ nồng nàn, hồn hậu.

Mùa thu - mùa khai trường, cũng là “mùa vàng bội thu” trong thơ, trong báo của Nguyễn Hồng Vinh. Ông có cái nhìn thấu đáo về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, luôn vun vén, nâng niu sự dạy - sự học.

Vào một mùa khai trường, ông viết: “Trong thử thách nghiệt ngã, đã ngời lên hàng vạn tấm gương cô giáo, thầy giáo tận tâm tận lực với nghề, luôn tâm niệm điều thiêng liêng “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Tình thầy trò gắn bó keo sơn, sự cảm thông chia sẻ; cách ứng xử sư phạm giữa người dạy và người học thật nhân văn, là động lực tinh thần vô giá, làm nảy nở hàng triệu bông hoa hai tốt - dạy tốt và học tốt!” (Niềm vui khai trường).

Ông viết bài này trong mùa khai trường cách đây gần 10 năm, vậy mà như ông viết đúng dịp khai trường vừa qua. Khai trường mà chưa được tựu trường, chưa từng có trong lịch sử giáo dục nước nhà.

Một năm học sẽ đầy gian khó, hiểm nguy với thầy, cô giáo và học sinh toàn quốc, vì đại dịch Covid quái ác hoành hành khắp ngoài Bắc, trong Nam. Vì thấu hiểu bao thiệt thòi của thầy, cô và các cháu học sinh ngay từ đầu năm học mới, bao gian khó mà ngành giáo dục nước nhà phải đối mặt, vượt qua trong năm học 2021-2022, mà nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh muốn gửi tới những người “ươm ước mơ xanh”, những người “chở đò” và “khách” qua sông những bài thơ nồng nàn hương thu, để phần nào làm họ vơi đi những âu lo, đưa con đò mang số hiệu GD-ĐT vượt thác ghềnh, cập bến an vui… 

Có lẽ thật cảm kích trước tấm lòng của nhà thơ với thầy, cô giáo và các cháu học sinh, mà báo Giáo dục và Thời đại đã dành trọn trang để thu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh quyện cùng thu trời đất. Hẳn là sự đồng điệu giữa nhà thơ và tòa báo, khiến tôi và chắc bao người cũng đồng cảm, ngất ngây thu!

Thu trong thơ ông rộng dài đất nước, thu ấy có hiện tại, có hoài niệm xa xăm, nhưng đều là “Thu chín”. Điểm đắc địa của trang thơ này, là bài “Nói với em” – một cô giáo ở cuối trời phương Nam. Có thể giữa nhà thơ và tòa báo cũng đồng cảm ở điều này - vì miền Nam “đi trước về sau”, trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm năm xưa, nay vẫn đang oằn mình chống kẻ thù giấu mặt – Covid-19? Đó là bài thơ Nguyễn Hồng Vinh sáng tác trong tháng 9/2021, thể hiện sự hoài niệm, nhớ nhung, muốn trả nghĩa với vùng đất tận cùng phương Nam, nơi đã dành cho ông biết bao ân tình, khi ông là đại biểu Quốc hội của thành phố Cần Thơ khóa X.

Nhà báo, nhà thơ, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân
Nhà báo, nhà thơ, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Bốn mùa “Xuân - Hạ - Thu - Đông” ở miền Nam nói chung, miền Tây nói riêng, dường như không có ranh giới, thật khó phân biệt. Vậy mà “Nếu được là mùa thu/ Anh tặng ngàn sợi nắng”. Có thể thi sĩ đã “chiết xuất” được nghìn sợi nắng thu trong cái nắng chói chang bốn mùa của miền Tây, đem tặng người con gái miệt vườn; có thể thi sĩ đã chắt được thu từ màu vàng hoa cúc, từ những lá vàng hiếm hoi sa vào nỗi nhớ, từ hương vị thơm ngọt cá linh, từ hương tóc, làn môi, từ nỗi lo về các em học sinh trong mùa nước nổi năm xưa của cô giáo trẻ, từ nỗi buồn khi lũ muộn về hôm nay… mà thành “thu” tặng người ấy?

Tôn trọng cảm nghĩ của nhân vật trong thơ, tác giả viết khiêm nhường: "Có thể em vẫn nhớ/ Có thể em đã quên/ Giữa giao mùa thu – hạ/ Nắng và mưa cũng chờ!" (Hình như và có thể). Cũng có thể vì biết trong ấy thu mờ, mà “anh ấy” muốn gửi thu đất Bắc vào cuối trời phương Nam, để sau giờ lên bục giảng, cô giáo cứ thổn thức mong chờ? Nỗi niềm từ hai phía ấy có khác gì nỗi niềm thời đèn sách dưới mái trường cấp III Lý Tự Trọng - nơi quê hương Nam Định của học trò Nguyễn Hồng Vinh, vào mỗi mùa thu khai trường? “Thời gian vụt đưa thoi/ Sương phủ đầy mái tóc/ Nghe trống trường điểm vọng/ Lòng nao nao bồi hồi” (Nghe trống trường).

Mùa thu lạ lắm, cứ khiến lòng người chợt buồn, chợt vui; cớ buồn, cớ vui cũng khó mà lý giải! Mùa thu Hà Nội lại càng lạ hơn. Có người bảo, nếu không có mùa thu, nếu thu Hà Nội không vậy, thì Hà Nội không có cái riêng đặc hữu? Nhiều thi sĩ, nhiều nhà nghiên cứu môi trường đến bây giờ vẫn không thể lý giải được vì sao nắng thu Hà Nội lại mượt vàng như hoà mật; vì sao gió heo may Hà Thành lại tinh khôi, vừa đủ cho cái buồn man mác, cái thổn thức lâng lâng?…

Nói về mùa thu Hà Nội, ông tiếc ngẩn ngơ khi Hồ Tây không còn “đàn sâm cầm nhỏ”, để nỗi ngậm ngùi vào thơ “Nước Hồ Tây vẫn xanh vời vợi/ Đâu rồi đàn sâm cầm vỗ cánh bay?” Không biết chim đã về lại chưa? Mà trong bài “Sau mưa”, ông hy vọng “Thu bỗng chen mùa hạ/ Mây sà bay ngang đầu/ Liễu rung mềm con sóng/ Sâm cầm nghiêng hồ chao”.

Vì quá yêu Hà Nội, vì đã “phải lòng” mùa thu, mà Nguyễn Hồng Vinh có ngay bài thơ thời sự “Thu hy vọng”. Chẳng là, khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư uy hiếp, bản đồ Covid Hà Nội đan xen xanh - đỏ, người Thủ đô âu lo lắm, những ai có tâm hồn lãng mạn thì còn lo Hà Nội mất cả thu! Nhưng rồi hy vọng khởi nguồn từ mỗi con người, mỗi gia đình, từ những việc làm tình nguyện vì mình, vì cộng đồng “Thương em suốt ngày đêm/ Quần quật nơi tâm dịch/ Giá được ở bên em/ San bớt phần gian khó”.

Lời động viên ấy chẳng cần “giấy thông hành” đến ngay những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, thêm vắc xin tinh thần, thêm sức mạnh, niềm tin thắng dịch. Bởi thế mà “Thu hy vọng” đã linh nghiệm. Thủ đô thân yêu của chúng ta đang từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới. Thật thú vị, Hà Nội vào thu, cũng là lúc người dân được đi lại bình thường, các ngõ ngách lại vọng tiếng rao đêm, lại có “cốm xanh vỉa hè”, ngây ngất hồn ai!

Không chỉ là thu Hà Nội, mà thu còn ngập tràn đất Cố đô trong “Xao xuyến thu”. “Sao em gọi Thu này là Thu cạn?”, mà những Tràng An, Hoàng Long, Cúc Phương, Yên Mô, Tam Điệp… cứ ngời ngợi thu? Có phải chăng, nghìn năm trước, Cụ Lý đã gieo thu ở cả hai đất thiêng này? Để rồi đất và người nơi Thủ đô, cả Cố đô đều hưởng lộc: “Nắng bừng rồi và Thu đã sang/ Lá xào xạc như cuối chiều ta gặp/ Trăng vẫn sáng tựa đêm nào cùng dạo. Hương tóc em còn mãi tỏa bay…”. Có người nói “Kẻ si tình dễ chết đuối trong lúm đồng tiền của người thiếu nữ”; còn nhà “thám hiểm”, nhà “địa chất” Hồng Vinh thì nhạy cảm khai thác cái “lúm” ấy để viết nên những câu thơ tinh tế: “Lúm đồng tiền má em. Suối nguồn thơ năm tháng” (Sau mưa).

Với chùm thơ 6 bài, bạn đọc được giao hòa cùng mùa thu của đất trời, của lòng người qua những ý thơ, lời thơ trong trẻo mà sâu lắng. Mong hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh trẻ mãi, luôn nồng ấm với đời và bạn bè, đồng nghiệp!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ