Mùa thu của em

GD&TĐ - Mùa thu của em là bài thơ do nhà thơ Quang Huy viết tặng con trai Quang Anh của mình khi bước vào lớp 1.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mùa thu của em

Là vàng hoa cúc

Như nghìn con mắt

Mở nhìn trời êm.

Mùa thu của em

Là xanh cốm mới

Mùi hương như gợi

Từ màu lá sen.

Mùa thu của em

Rước đèn họp bạn

Hội rằm tháng Tám

Chị Hằng xuống xem.

Ngôi trường thân quen

Bạn thầy mong đợi

Lật trang vở mới

Em vào mùa thu.

Quang Huy

Lời bình của Đặng Toán

Bên cạnh những bài thơ rất hay viết cho người lớn như Hư vô, Nỗi niềm Thị Nở, Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà (bài này được nhạc sĩ Hồ Đạt Chính phổ nhạc thành bài hát cùng tên)..., nhà thơ Quang Huy còn có khá nhiều sáng tác cho thiếu nhi đặc sắc không kém: Quyển vở của em, Chẳng phải chuyện đùa, Giữa vòng gió thơm...

Trong số đó Mùa thu của em là bài thơ ông viết tặng chính con trai Quang Anh của mình khi bước vào lớp 1. Và tác phẩm đã được đưa vào SGK đồng hành với rất nhiều thế hệ học sinh.

Cũng vẫn không gian, thời gian đó. Cũng vẫn là cảnh sắc, thiên nhiên đó nhưng dưới con mắt trẻ thơ, mùa thu sẽ hiện ra với những điều mới lạ rất thú vị. Bắt đầu là sắc vàng của hoa cúc. Bình thường chữ “hoa cúc” là danh từ, chữ “vàng” là tính từ chỉ màu sắc.

Song, con mắt trẻ thơ đã biến hóa để danh từ trở thành tính từ và ngược lại. Tương tự như vậy, chữ “xanh” và chữ “cốm mới” ở khổ thơ thứ hai cũng hoán đổi vị trí cũng như chức năng cho nhau.

Vì thế, Mùa thu của em hay nói cách khác mùa thu của thi sĩ bỗng trở nên độc đáo, sống động khác với những gì ta hay mường tượng. Hình ảnh so sánh “Như nghìn con mắt/Mở nhìn trời êm” không chỉ độc giả nhỏ tuổi mà ngay cả người lớn cũng rất thích thú.

Nếu như thiên nhiên dưới con mắt trẻ thơ được biến hóa thì những sinh hoạt mang tính lễ hội lại hết sức chân thực: “Mùa thu của em/Rước đèn họp bạn/Hội rằm tháng Tám/Chị Hằng xuống xem”.

Cái tài của nhà thơ thể hiện ở câu thứ tư trong khổ. Chỉ bốn chữ “chị Hằng xuống xem” giản dị như một thông báo đã gói ghém cả hồn cốt của cái Tết truyền thống dành riêng cho các em. Thử hình dung, đêm vui nhất trong năm của trẻ thơ mà lại thiếu chị Hằng thì sao nhỉ? Chắc là các bạn nhỏ buồn lắm đấy!

Nhưng vui gì thì vui, chơi gì thì chơi, các em đừng quên nhiệm vụ chính của mình nhé. Nhà thơ đã nhắc nhở hết sức nhẹ nhàng: “Ngôi trường thân quen/Bạn thầy mong đợi/Lật trang vở mới/Em vào mùa thu”. Lấy hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa “Lật trang vở mới/Em vào mùa thu” làm kết bài là một sáng tạo của nhà thơ.

Các em vẫn đang ở giữa mùa thu, ở trong mùa thu cơ mà? Nhà thơ có nhầm lẫn gì không khi viết “em vào mùa thu”? Không, các em ơi! Đấy mới là mùa thu của đất trời, của thiên nhiên. Còn mùa thu của các em, của tuổi học trò chính thức bắt đầu khi các em “lật trang vở mới”.

Các em sẽ được đón nhận bao yêu thương, bao điều bổ ích từ sự chăm lo, dạy dỗ của các thầy các cô. Và như vậy, mùa thu của em mới thực sự thú vị và ý nghĩa. Nào các em, chúng mình cùng bước vào mùa thu để đi tới những chân trời tri thức rộng lớn nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...