"Xương sống" tập Tiếng quê là những câu chữ chắt chiu về miền quê yêu dấu của Nguyễn Hồng Vinh: "Ngày mẹ sinh con trên ổ rơm trải đất/tuổi thiếu niên ngủ đất cả đêm hè/sáng đi học chiều về bừa đất/tối kéo gầu sòng, đổ nước ải phồng tay". (Đất quê hương).
Những câu thơ đầu tiên, của bài thơ đầu tiên trong tập Tiếng quê thật dung dị, bình thường nhưng lại cho thấy một Nguyễn Hồng Vinh đau đáu mảnh đất khốn khó năm nào. Ký ức về sự thiếu thốn, vất vả không thể phai nhòa, cũng như tình yêu quê hương đã trở thành một phần máu thịt.
Nếu đã đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh, qua nhiều tập: Từ những nẻo đường; Thao thức dòng đời; Nhịp điệu thời gian; Miền thương nhớ, Màu ký ức; Lãng quên thì thầm... mới thấy mạch nguồn yêu thương, nhung nhớ và một dòng ký ức cũ xưa trở thành xuyên suốt trong thơ ông. Những câu chữ dung dị chất chứa nỗi niềm dễ khơi gợi lên sự đồng cảm từ thẳm sâu, của người đọc.
Nhung nhớ miền xa xưa đã đành, với Nguyễn Hồng Vinh, "nơi đất ở" cũng thực sự "hóa tâm hồn" qua những câu thơ: "Đất "rồng bay" đã bay hơn ngàn năm có lẻ/Tháp Bút viết lên trời nhiều chiến tích hiển vinh/Đất nước thăng trầm qua bao cuộc chiến tranh/Sau chiến thắng vẫn nối đường hòa hiếu" (Ghi nhớ lời tiền nhân). Hóa ra, trong Nguyễn Hồng Vinh, cái cũ xưa và hiện tại đan cài, vấn vít. Một miền xa xôi có đôi khi ẩn hiện trở về thực tại; thực tại hiện hữu có đôi khi bảng lảng từ những ngày xưa...
Ngoài khoảng riêng tâm hồn, Nguyễn Hồng Vinh còn đau đáu những chuyện đương thời, diễn ra trước mắt. Từ dịch bệnh, bão lũ, khó khăn... Như những câu thơ đầy tính thời sự:
Xa xót miền Trung
Mưa chồng lên mưa
Bão chồng lên bão
Núi sạt vùi người
Sóng cuốn ngư dân
Xóm thôn bị cắt chia
Sinh mệnh con người treo sợi tóc!
(Bình yên dần hồi sinh)
Khoảng trống khi nào đầy?
Em đi vào vùng dịch
Mẹ và anh thao thức
Thời gian trôi não nề...
Nước mắt lại đầm đìa
Mỗi đêm mẹ tỉnh giấc:
"Ở trong vùng tâm dịch
Có ngày con trở về?"
(Khoảng trống)
Sự lo lắng, bất an, đau xót khi thấy đồng bào hoạn nạn; nỗi niềm sâu thẳm của người mẹ lo lắng, mong chờ đứa con đang làm nhiệm vụ cao cả nơi tuyến đầu chống dịch... tất cả xuất hiện trong thơ Nguyễn Hồng Vinh dung dị mà cao đẹp, gần gũi mà sáng ngời. Hóa ra, nỗi trăn trở rất đời, rất người biến hóa vào thơ Nguyễn Hồng Vinh nhẹ nhàng, như chính cái cách ông yêu cuộc đời, yêu con người và tha thiết, hết mình với đời sống.
Cuối cùng, chủ đạo, cao hơn hết là những vần thơ quê hương. "Tiếng quê" hóa ra là tiếng lòng, của chàng trai thời thơ ấu, của người đàn ông đã dãi dầu đủ cung bậc đắng - ngọt cuộc đời mà thu xếp lại trong những vần thơ. "Tiếng quê" có đủ sự rộng dài của thời gian, và sự xuất hiện của tiền nhân, của người mẹ, của người em, hay thậm chí cả những người xa xôi ký ức. Bấy nhiêu sự đông đúc đó, rung ngân lên các cung bậc yêu thương. Nguyễn Hồng Vinh yêu đời, yêu người, yêu quê, yêu cả sự khốn khó lẫn nỗi vinh hoa.
Cũng vì thế, những câu thơ "Anh rời làng ngày ấy/Mang theo cả hồn quê/Thành tiếng thơ đằm thắm/Nay mỏi mong trở về" (Tiếng quê) - ngân mãi lên trong lòng mỗi người một nỗi niềm sâu thẳm. Khi đã bay cao, bay xa rồi, Nguyễn Hồng Vinh vẫn như cánh diều no gió, còn sợi dây vấn vít níu lại nhớ thương. Nỗi "mong mỏi trở về" như tiếng lòng ông, hòa với tiếng mọi người, ngân mãi...