Mùa thu trong vườn thơ Trần Quang Khánh

GD&TĐ - Mỗi một mùa đất trời đổi lá thay hoa là lòng người lại xốn xang rạo rực đón chờ với một niềm vui mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trông đợi mùa thu - con đợi mẹ

Xanh trong sắc lá, chấm vàng hoe

Con ve lặng tiếng chiều rơi nắng

Ngọn gió phất phơ giã biệt hè.

Nắng vẫn thôi miên dò ngọn lá

Ánh lên nhức nhối giữa trưa hè

Con tàu gọi gió câu thơ cũ

Ga nhỏ nhìn theo thật mải mê.

Trưa nay ai đứng trong im lặng?

Ngó khoảng trời xa đợi gió về

Khát một vàng thu trong kẽ lá

Để hồn vương lại chút đam mê…

                                     (Ngóng thu) 

Nhưng không phải đối với tất cả bốn mùa, người người đều có chung niềm mong đợi, mà chủ yếu là mùa thu và mùa xuân. Vì phải chịu cảnh tái tê rét mướt của mùa đông khô cóng, nên mọi người mong cho chóng đến mùa xuân ấm áp. Với cảnh đẹp nên thơ:

“Cỏ non xanh rợn chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Với mùa thu, mọi người cũng có niềm mong chờ như vậy vì đã phải chịu đựng quá nhiều “cái nóng nung người, nóng nóng ghê” của mùa hè, nên muốn chóng được hưởng cái tiết trời êm êm dịu mát. Niềm khát khao mong đợi ấy đã được Trần Quang Khánh, thể hiện trong bài thơ “Ngóng thu”, qua hình thức ẩn dụ:

Trông đợi mùa thu - con đợi mẹ

Sự so sánh ấy không phải là hình thức cường điệu mà là cảm xúc rất thực của những người đã từng bị nung đốt bởi cái nắng hè bỏng rát, trên dưới bốn mươi độ. Mong chờ, rồi tưởng tượng và hình ảnh mùa thu như đã hiển hiện lên trong tâm cảm:

Xanh trong sắc lá chấm vàng hoe

Con ve lặng tiếng chiều rơi nắng

Ngọn gió phất phơ giã biệt hè.

Màu vàng là tín hiệu của mùa thu, nhưng đây là mùa thu mới chớm, nên sắc màu chỉ là những chấm vàng hoe, nghĩa là màu vàng mới gợn lên, còn nhạt, còn non lắm, điểm trên nền lá xanh, gợi vẻ đẹp mơ màng.

Tiếng ve, khúc nhạc đặc trưng của mùa hè, đã tắt trên cây lá, trong khi tiếng gió heo may, đu ngọn tre kẽo kẹt, còn lang thang ở phương Bắc, chưa kịp về gõ cửa mọi nhà, cho nên chỉ còn ngọn gió hè, đuối sức, phơ phất gợi cảm giác buồn mơn man.

Cái nắng chiều hè đang phai nhạt dần rồi tắt, nhưng tác giả không dùng từ tắt mà dùng từ “rơi’’, từ tượng hình giúp cho người đọc như cảm nhận được một cách cụ thể, từng mảng ánh sáng đang từ trên cao rơi rớt xuống theo bước đi của thời gian.

Nắng đã rơi rồi, ấy thế mà, trong câu thơ sau lại như có sự phản logic:

Nắng vẫn thôi miên dò ngọn lá

Ánh lên nhức nhối giữa trưa hè.

Vậy ta nên hiểu những hình ảnh này như thế nào? Phải từ cách tư duy của thơ ta mới có thể chấp nhận được những câu thơ đầy mâu thuẫn đó. Lối tư duy của thơ, khác hẳn với tư duy trong văn xuôi.

Nếu trong văn xuôi, tư duy diễn ra theo trật tự tịnh tiến, thì trong thơ thường là tư duy nhảy vọt, phản logic. Đây cũng không phải là hình ảnh nghịch lý, ta thường gặp trong thơ, mà là hình ảnh của cảnh thực đang diễn ra, trái với niềm ước mơ khao khát ở khổ thơ đầu.

Cái nắng hè như đang cố dồn hết sinh lực để cháy bùng lên, không khác gì ánh mắt thôi miên, dò xét từng ngọn lá, tạo nên cảm giác nhức nhối của buổi trưa hè. Xuyên qua cái nắng ban trưa gay gắt ấy là tiếng còi thu của con tàu gọi gió mà cũng là gọi khách ra đi:

Con tàu gọi gió câu thơ cũ

Ga nhỏ nhìn theo thật mải mê.

Mùa thu, trong những câu thơ cũ, thường được coi là mùa của sự chia ly. Sự chia lìa này có từ trong lòng cảnh sắc: Màu vàng thu tràn đến thay thế cho màu xanh ra đi, rồi lá rụng để lại cành không:

“Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”

(Đây mùa thu tới - Xuân Diệu)

Chim cũng bay đi trốn rét, để lại bầu trời trống vắng, lạnh lẽo. Đã thế, con người cũng khăn áo ra đi, để cho mùa thu lạnh, lại càng thêm lạnh. Những câu thơ cũ mang hình ảnh con tàu trong cảnh chia ly thì nhiều lắm. Đây là một hình ảnh có tính tiêu biểu, trong bài thơ  “Những bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính:

“Có lần tôi thấy một bà già

Đưa tiễn con đi trấn ải xa

Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng

Lưng còng đổ bóng xuống sân ga”.

Ở đây, hình ảnh “ga nhỏ nhìn theo thật mải mê”, là chủ ngữ ẩn, mà ta nên hiểu là người đưa tiễn đứng trên sân ga nhỏ nhìn theo bóng con tàu, gửi lòng cho bóng người đi. Nhưng mấy từ “thật mải mê” thì không thể hiện đúng với nỗi lòng người ở lại trong buổi phân ly.

Người đi không biết có mang niềm vui đi không, nhưng đã để nỗi buồn cho kẻ ở, nên người ở lại chẳng còn tâm trạng nào ngắm nhìn cảnh vật nữa. Do đấy, đối tượng trữ tình, trong khổ thơ kết thúc, không phải là người tiễn đưa, mà chính là chủ thể    trữ tình:

Trưa nay ai đứng trong im lặng

Ngó khoảng trời xa đợi gió về

Khát một vàng thu trong kẽ lá

Để hồn vương lại chút đam mê!

Hình ảnh “vàng thu trong kẽ lá”, cũng là hình ảnh “xanh trong sắc lá chấm vàng hoe”, ở câu thơ đầu, đã được láy lại với hình thức khác, để tạo nên vẻ đẹp đa dạng về cây lá mùa thu. Cho đến cả khổ thơ kết thúc, cũng vẫn chỉ là niềm khao khát đợi thu sang, đã được thể hiện ở khổ thơ đầu, tạo nên kết cấu vòng tròn, đầu cuối tương ứng. Đặc biệt là câu thơ cuối cùng, khép lại bài thơ nhưng ý thơ không khép mà vẫn có cái gì vương vấn bảng lảng như hồn thu vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Quân đội Israel tấn công Gaza.

IDF đã sẵn sàng tấn công Rafah

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết hôm 5/5, quân đội Israel đã sẵn sàng cho cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...