Rối nước lên truyền hình Mỹ
Với những hình ảnh sống động, National Geographic giới thiệu múa rối nước là một trong những nghệ thuật biểu diễn nổi tiếng nhất Việt Nam.
“Phổ biến ở miền Bắc, đây là nghệ thuật về những con rối làm bằng gỗ, được khắc và vẽ, biểu diễn trên sân khấu bằng nước. Nội dung kể về các câu chuyện có nguồn gốc từ cuộc sống đồng quê của người Việt và nền văn minh lúa nước. Một dàn nhạc dân tộc sẽ biểu diễn đi kèm để tạo phần nhạc nền cho các ca sĩ hát…”, trích lời dẫn từ National Geographic.
Kênh truyền hình này còn dẫn hình ảnh chú Tễu là nhân vật được yêu thích nhất, một người pha trò, hay cười, tóc buộc túm thành 2 chỏm...
Đây không phải lần đầu tiên múa rối nước Việt Nam được ca ngợi trên báo chí truyền thông nước ngoài. Năm 2016, trang Amusingplanet cũng đã giới thiệu múa rối nước là một loại hình nghệ thuật đặc biệt sinh ra từ cuộc sống của những người nông dân Việt Nam và địa điểm xem nổi tiếng nhất là Nhà hát Múa rối nước Thăng Long ở Hà Nội.
Trong những chuyến lưu diễn nước ngoài, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã mang nghệ thuật độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đến với bạn bè năm châu, khẳng định vị trí rối nước trên thị trường nghệ thuật quốc tế.
Năm 2017, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thực hiện 9 chuyến lưu diễn tại 9 quốc gia. Không chỉ là biểu diễn giao lưu mà Nhà hát còn tham gia nhiều hoạt động, liên hoan nghệ thuật và múa rối như: LH Múa rối ASEAN (Thái Lan), Triển lãm thế giới Expo 2017 (Kazakhstan), LH Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 5 (Trung Quốc), Lễ hội Việt Nam (Nhật Bản), Lễ hội Gyeonggi Asia Arts (Hàn Quốc), LH Múa rối Quốc tế lần thứ 4 “Tea in Mytischi” (Nga), LH Múa rối ASEAN tại Việt Nam, LH Văn hóa quốc tế Festival de lImaginaire lần thứ 21 (Pháp)…
Chìa khóa cho hướng đi
Nỗ lực tìm kiếm thị trường biểu diễn, liên tục xuất ngoại và ghi điểm, tung ra những chương trình nghệ thuật với những hình thức thể hiện mới cho sân khấu múa rối, Múa rối Việt Nam đã không chỉ mang lại thành tích kỉ lục về số buổi biểu diễn trong nước và nước ngoài, mà còn mang lại cho đơn vị một không khí lao động làm việc sáng tạo đầy nhiệt huyết.
Trong bối cảnh nhiều bộ môn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống phải loay hoay “gỡ khó”, trước nguy cơ mai một, thất truyền, múa rối nước lại có một đời sống khá thịnh vượng. Khách quốc tế khá thích thú khi nhìn thấy trên mặt nước các con rối nhiều màu sắc đang kể những câu chuyện dân gian về đất nước Việt Nam.
Hiện, mỗi ngày nhà hát có từ năm đến sáu suất diễn, bắt đầu từ 3 giờ chiều với 17 trò múa rối nước cổ truyền. Rạp diễn với sức chứa 296 chỗ ngồi hầu như lúc nào cũng được lấp đầy mang lại doanh thu mỗi năm khoảng vài chục tỷ đồng, một con số mà các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trong nước chưa bao giờ dám mơ tới.
Theo bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát có được những thành tích như hôm nay là nhờ vào tâm huyết của tập thể nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên nói chung và đặc biệt là tài năng của các đạo diễn, họa sĩ và nghệ sĩ. Nghệ sĩ không chỉ có đôi tay vàng mà còn biết sử dụng sự sáng tạo thông minh, nhạy bén để tìm ra chìa khóa giải mã giúp cho nghệ thuật múa rối đứng vững và khẳng định thương hiệu trong cơ chế thị trường.