Mẹ nói: Đất đai xứ này không hạp với cây trái, vậy mà chẳng hiểu sao giống cà na lại sống khỏe. Nước lớn, nước ròng, nước lũ, nước hạn cũng chẳng ảnh hưởng đến chúng chút nào. Nhưng cũng có lẽ vì gồng mình để sinh tồn trong vùng đất khắc nghiệt, nên cà na quê tôi quả không lớn, màu sắc cũng không bóng láng nhưng những trái cà na nhập từ Thái Lan, bán đầy trong các siêu thị hiện nay. Có điều, cà na Thái chỉ được cái mã, chứ hương vị thì thua xa so với những trái cà na của mẹ ngày ấy. Vẫn nhớ mỗi khi chúng tôi leo lên cây nghịch ngợm bẻ cành bứt trái, mẹ lại ôn tồn nói: “Mấy cây cà na còn lớn tuổi hơn bây đó. Mẹ thương chúng lắm”.
Cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm, mẹ lại gọi điện nhắc anh em chúng tôi về lấy cà na ngào đường, cà na ngâm nước muối đường, mẹ đã đóng hộp sẵn. Có năm không về được vì bộn bề công việc, mẹ lại lặn lội ra huyện Lai Vung, gửi xe khách mang giúp lên thành phố cho con cháu. Thường những khi ấy, mẹ chỉ nhắn độc có tên chuyến xe và ngày giờ ra bến lấy, không hỏi han thêm câu gì. Tôi biết, đó là những lúc mẹ buồn và giận..
Mùa cà na năm nay, mẹ tôi không còn nữa. Mấy cây cà na vườn nhà vẫn ra trái sum suê. Tôi đứng dưới những tán cây xanh thẫm, chợt nhớ những trái cà na quê mùa, dân dã đã được mẹ chế biến suốt thời thơ ấu của anh em tôi nơi miệt vườn Đồng Tháp này. Trong gió mát sông quê Long Thắng, tôi như thấy bóng mẹ quanh đây, chợt nghe câu ca dao mẹ tôi thường ngâm mỗi khi đưa võng cho con mình ngon giấc: “Long Thắng là xứ quê mùa. Đi thăm cháu ngoại cho “vùa” cà na”…