Đất Vị Hoàng khoa danh nức tiếng trấn Sơn Nam

GD&TĐ - Theo sách 'Nam Định xưa và nay', làng Vị Hoàng xưa thuộc đất Dương Xá (nay thuộc Nam Định, Ninh Bình).

Nhà số 247 phố Hàng Nâu trước đây (Nam Định, Ninh Bình), nơi gắn bó với Tú Xương.
Nhà số 247 phố Hàng Nâu trước đây (Nam Định, Ninh Bình), nơi gắn bó với Tú Xương.

Vốn là ngôi làng cổ có nhiều sự kiện gắn với vương triều nhà Trần, làng Vị Hoàng không chỉ nổi danh là đất học “đất Tiến sĩ, đất Tam nguyên”, mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tú Xương.

Theo sách “Nam Định xưa và nay”, làng Vị Hoàng xưa thuộc đất Dương Xá (nay thuộc Nam Định, Ninh Bình). Trong sách “An Nam chí lược” có viết rằng, vùng đất Dương Xá còn gọi là Tư Nông Châu. Từ xa xưa đất Dương Xá đã phân ra thành nhiều ấp, trại, mà tiếng Việt cổ gọi các địa điểm dân cư là “Kẻ” như Kẻ Lềnh (Cổ Lộng).

Trên vùng đất Dương Xá xưa đã hình thành hai ngôi làng là làng Lềnh và làng Trùm, sau gọi là làng Vị Hoàng và làng Phù Long. Làng Vị Hoàng nằm ở phía Nam của Đồng bằng sông Hồng, đầu thế kỷ 19, Vị Hoàng là một trong 8 xã của tổng Đông Triền, sau đổi thành Đông Mặc, phủ Xuân Trường, trấn Sơn Nam Hạ.

Đất cổ xây thành Vị

Không chỉ là một ngôi làng nổi tiếng hiếu học và học giỏi, Vị Hoàng còn là mảnh đất gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử. Sau chiến thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258) với chiến lược phòng thủ chống giặc, nhà Trần đã cho xây dựng một quân doanh ở Hữu Bị, rồi cho đào một con sông nối từ kênh Phù Long qua làng Vị Hoàng.

Con sông đào ấy mang tên Vị Hoàng và quân doanh chuyển về đó, vừa là trại quân vừa là kho lương thảo. Sự ra đời của sông Vị Hoàng với việc mở rộng giao thông và nhằm tăng tính cơ động của lực lượng thủy binh và sự phối hợp chiến đấu, chống quân Mông Nguyên.

Các tài liệu địa chí đều ghi nhận việc thành Nam Định xây trên đất Vị Hoàng. Làng Vị Hoàng xưa rộng lớn giáp bờ sông Nhị, tiếp giáp với khu trung tâm hành cung, thành Quân Doanh phủ Thiên Trường. Tới thời Hậu Lê (thế kỷ 16) thì xây một tòa thành đất gọi là thành Vị Hoàng (thành Vị). Trong thành Vị có 90 gian kho trữ thóc lúa của vùng Sơn Nam.

Làng Vị Hoàng có các thôn: Hậu Đồng gồm khu vực từ bờ sông Vị Hoàng đến con đê Bao Bì (nay là đường Trường Chinh) giáp với làng Tức Mặc kéo dài ra đến Trại Hữu, Cồn Vịt, giáp với làng Phù Nghĩa. Thôn này xưa kia nhà cửa thưa thớt, phần lớn đất đai là bãi tha ma, đất hoang. Trong địa bạ của làng Vị Hoàng lập năm Gia Long 4 cho thấy có tên xứ Đồng Hậu.

Thôn Thi Hạ giáp sông Vị Hoàng, giáp làng Năng Tĩnh với Đò Chè và Bến Gỗ, giáp tỉnh thành và giáp làng Đông Mặc. Thôn Khoái Đồng giáp sông Đào, sông Vị Hoàng, làng Lương Xá và Phụ. Thôn Lộng Đồng giáp làng Tân Cốc, làng Bách Cốc, làng Vụ Bản và sông Gia Hòa.

Tích xưa kể rằng, vào đời Trần, công chúa để mất một con công quý, người làng Vị Hoàng tìm bắt được và đem dâng trả lại công chúa. Để thưởng công, công chúa đã lấy đất Lộng Đồng (vốn là đất bãi bồi ven sông) ban cho làng Vị Hoàng.

Cũng chính bởi nằm cách xa trung tâm của làng Vị Hoàng nên cuối thế kỷ 19, trước sự mở rộng thành phố, khi quỹ đất của làng Vị Hoàng và cơ cấu dân cư của làng có sự thay đổi thì thôn Lộng Đồng đã xin được đóng nộp riêng các khoản sưu thuế cho triều đình mà không chung với xã Vị Hoàng.

Ngoài ra, còn có thôn Thi Thượng nổi tiếng đẹp và giàu có là xóm Thạch Kiều với rừng trúc và chùa Cả (Thánh Ân tự), chùa Cuối. Tục truyền rằng thường niên cứ đến cuối năm những người giết mổ loài súc vật 4 chân hội tụ lại đây làm lễ cầu siêu mong trời xá tội.

Đình làng Vị Hoàng cũng được dựng tại xóm Thạch Kiều, đình có chuông đồng, khánh đá. Trước đình có hồ bán nguyệt thả sen. Đình làng là nơi hội họp, tổ chức lễ hội của 4 giáp là: Nhất Bắc, Nhì Bắc, Nhất Nam, Nhì Nam. Trong làng hàng năm tại nơi đây có thi khóa sinh chọn người đi dự thi Hương.

dat-vi-hoang-khoa-danh-nuc-tieng-dat-son-nam-1.jpg
Bức cổng cổ trong ngõ Văn Nhân (Nam Định, Ninh Bình) - nơi các sĩ tử xưa tụ tập ăn uống chờ vào trường thi.

Nơi phong vận đất nhiều quan

Năm 1865, vua Tự Đức cho đổi tên làng Vị Hoàng thành làng Vị Xuyên vì kiêng tên húy của tổ Nguyễn là Nguyễn Hoàng. Năm 1893 - 1894, thực dân Pháp cho bạt thành làm đường, dựng phố. Năm 1921 thành lập thành phố Nam Định khiến làng Vị Hoàng và sông Vị Hoàng hoàn toàn hòa nhập vào thành phố Nam Định.

Tuy cái tên Vị Hoàng và dòng sông Vị không còn nhưng vẫn sống động trong thơ văn của người Thành Nam. Nhà thơ Trần Tế Xương nhà ở phố Hàng Nâu đã làm bài thơ về Vị Hoàng và sông Vị: Nô nức qua chơi thú Vị Hoàng/ Nay nơi phong vận đất nhiều quan/ Trời kia xui khiến sông nên bãi/ Ai khéo xoay ra phố nửa làng/ Khua múa trống chiêng chùa vẫn nức/ Xì xèo tôm tép chợ hầu tan/ Việc làng quan lớn đi đâu cả/ Chỉ thấy dăm ba bác xã bàn (“Vị Hoàng hoài cổ”).

Hay: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (“Sông lấp”).

Là một trong những vùng đất học nổi tiếng Thành Nam, Vị Hoàng từ xa xưa đã sản sinh nhiều nhân tài, đặc biệt là các thi sĩ nổi tiếng, như: Vũ Công Tự, Trần Tế Xương, Trần Tích Phiên (Hai Ứng), Phạm Ứng Thuần (Cả Thuần)…

Không chỉ có vậy, Vị Hoàng cũng nổi tiếng với các nhà khoa bảng, có tài học lưu danh bia đá, có chí khí lưu danh thiên cổ với 4 dòng họ lớn là: Trần, Vũ, Nguyễn, Phạm giàu truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ học vị cao, làm quan trong triều.

Thời Lê trung hưng có Trần Mại (húy là Lộ, thụy Doãn Phác) đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu Bảo Thái 2 (1721) làm quan Công bộ Hữu thị lang. Tại văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này do Hàn lâm viện Thị độc Đoàn Bá Dung vâng sắc soạn ghi rõ, Trần Mại người xã Vị Hoàng huyện Mỹ Lộc, Giám sinh.

Tên của Tiến sĩ Trần Mại đứng thứ 3 trong hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, và đứng thứ 7 trên bảng đá đề danh. Khoa thi được miêu tả: “Học trò mặc áo trắng đến đua tài gần 3.000 người, tuyển chọn ghi tên ở bảng mực nhạt được 25 người, phép tuyển chọn thật hết mức tinh vi chặt chẽ!

Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp. Ban cho Ngô Sách Hân đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Trương Thì 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đức Đôn 21 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền người đỗ, bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ở trước cửa nhà Thái học. Lúc bấy giờ, người tới xem chen vai nối gót, áo mũ đầy đường, đều nói từ hồi Trung hưng tới nay, khoa mục được người thì khoa này là thịnh.

Mùa Xuân năm sau cử hành ân điển. Ban áo mũ phẩm phục để được vẻ vang, cho dự yến Quỳnh thưởng hoa bạc. Tỏ lòng ưu ái ban cho bạc ròng, lại hậu đãi làm cho nhà cửa để có chốn chở che, theo thứ bậc cao thấp mà đặt định tước vị, ân điển chất chồng. Lại sai khắc đá dựng ở nhà Quốc học”.

Thời Nguyễn, làng Vị Hoàng có Vũ Công Độ đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn Minh Mạng 13 (1832) làm quan Thái bộc tự Khanh, Bố chính Thái Nguyên. Ông là thân sinh của nhà thơ Vũ Công Tự. Là con trai thứ ba của Tiến sĩ Vũ Công Độ, tuy thi Hương không đỗ, nhưng Vũ Công Tự vẫn được vào học trường Quốc Tử Giám ở Huế nhờ có chân ấm sinh. Đến khi anh rể là Tam nguyên Trần Bích San làm Tuần phủ Hà Nội, ông ra giúp việc cho anh rồi cho cha, khi cha ông được cử làm Bố chính Bắc Ninh và Hải Dương.

Đêm ngày 4, sáng ngày 5/7/1885, sau cuộc tấn công quân Pháp ở Huế thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn rồi ban dụ Cần Vương, Vũ Công Tự liền cùng với Bố chính về hưu là Bùi Công Kỳ, Cử nhân Võ Huy Sĩ và một nhóm văn thân trong tỉnh chiêu mộ quân dũng, tuyên bố chống Pháp đến cùng.

dat-vi-hoang-khoa-danh-nuc-tieng-dat-son-nam-3.jpg
Mộ Tú Xương bên trong công viên Vị Xuyên (phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình).

Cha hàng Phó bảng, con chiếm Tam nguyên

Theo gia phả dòng họ Trần làng Vị Hoàng, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự, trước đây là số 49 phố Bến Gỗ (nay thuộc Nam Định, Ninh Bình) do cụ Trần Đình Lâm xây năm Kỷ Dậu (1849). Con trai cụ Trần Đình Lâm là Trần Doãn Đạt, đích tôn là Trần Bích San đều là những danh nho nổi tiếng của Thành Nam từ thế kỷ 19.

Gia phả dòng họ có ghi lại: Cụ Trần Đình Lâm mặc dù mắt kém nhưng là người rất chăm chỉ dạy con học hành thành đạt. Trần Doãn Đạt được vỡ lòng chữ nghĩa và nên người qua người cha rất mực yêu thương, ông thi đỗ Phó bảng khoa Nhâm Tuất Tự Đức 15 (1862), làm quan đến chức Án sát Hưng Hóa. Trần Doãn Đạt cũng là một người cha mẫu mực, rất quan tâm đến việc học hành của các con.

Con cả Trần Bích San sớm thành đạt, được người đời sánh ngang hàng với Vương Tăng - một danh sĩ đời Tống ở Trung Hoa. Năm 25 tuổi, ông đã trở thành người đầu tiên ở trấn Sơn Nam đỗ đầu cả 3 khoa thi: Thi Hương, thi Hội, thi Đình, được mệnh danh là Tam nguyên Vị Xuyên.

Kỳ phúc thí quyển của ông được châu phê của vua Tự Đức: “Người tuổi còn trẻ mà đỗ liên Tam nguyên cũng là hiếm có. Sau này nếu có tài kinh bang tế thế là điều may mắn cho nước nhà, cũng không phụ lòng mong mỏi của trẫm. Nay ban cho người đổi tên là Trần Hy Tăng (ví như Vương Tăng đời Tống cũng đỗ Tam nguyên), để tỏ ý mong chờ. Làm bề tôi mà được như thế quả là không xấu hổ”. Khi vinh quy, vua Tự Đức ban cho ông lá cờ thêu bốn chữ “Liên trúng Tam nguyên”.

Tin Trần Bích San trẻ tuổi “Liên trúng Tam nguyên”, bà con láng giềng, thân thích kéo tới chúc mừng cụ Trần Doãn Đạt. Tuy nhiên, vẻ mặt của cụ lại rầu rầu, không vui, như có điều gì lo lắng. Mãi sau mọi người mới rõ, cụ sợ con đỗ cao nảy sinh kiêu ngạo, liền gửi thư cho con, trong đó có hai câu răn: Có kiến thức không khó, khó là phải hiểu biết đến nơi/ Không danh vọng không đáng lo, chỉ lo tiếng tăm phù phiếm.

Hơn 10 năm làm quan dưới triều Tự Đức, Trần Bích San lần lượt giữ các chức Tu soạn Viện Hàn lâm, Án sát Bình Định, Biện lý bộ Hộ, Tuần phủ Hà Nội... Trong khoảng thời gian ấy, có lần ông làm Phó chủ khảo trường thi Hương Thừa Thiên (1868). Khi ra đề thi gợi ý sĩ tử, ông nói trái luận điểm của Tự Đức (vì lúc này nhà vua đã nhượng bộ, thỏa hiệp với thực dân Pháp), do đó ông bị giáng chức. Năm Canh Ngọ (1870), ông được cử đi sứ sang Trung Quốc.

Năm Đinh Sửu (1877), ông được thăng Tham tri bộ Lễ, làm Chánh sứ sang Pháp nhưng chưa kịp đi thì đột ngột mất ở Huế. Sau khi mất, Tam nguyên Trần Bích San được thăng hàm Tham Tri.

Một nhân vật nổi tiếng không kém Trần Bích San là Trần Tế Xương. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho, thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định. Sinh ra trong gia đình nền nếp, Trần Tế Xương được đi học sớm và cũng sớm nổi tiếng thông minh.

Hồi mới lên 10 tuổi, nhà có khách đến chơi, thấy trước nhà có một dãy chậu hoa, khách bèn ra cho Tế Xương một câu đối: “Đình tiền ngũ sắc hoa” (trước sân có hoa năm sắc). Cậu bé liền chỉ vào lồng chim khướu treo ở hiên và đối: “Lung trung bách thanh điểu” (trong lồng có chim trăm tiếng). Khách nghe đối tấm tắc khen nhưng lại thở dài “đời thằng bé lại luẩn quẩn như chim nhốt trong lồng”.

dat-vi-hoang-khoa-danh-nuc-tieng-dat-son-nam-5.jpg
Bia đá ghi hai câu thơ trong bài 'Sông lấp'.

Trần Tế Xương là điển hình cho câu nói xưa trong dân gian “học tài thi phận”. Cuộc đời ông gắn liền với thi cử, tổng tất cả tám lần đi thi. Sau 3 lần đầu hỏng thi, mãi đến lần thứ tư của khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu Tú tài, nhưng cũng chỉ là Tú tài thiên thủ (lấy thêm), sau đó không sao lên nổi Cử nhân, mặc dù đã rất kiên trì theo đuổi.

Tuy không đỗ đạt cao, nhưng Trần Tế Xương lại nổi tiếng bởi tài năng thi ca với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Đồng thời, ông cũng là tấm gương của sự học, thi trượt vẫn không nản, càng trượt càng học, đúng như câu thơ Xuân Diệu tổng kết: Ông Nghè ông Thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một Tú tài.

Đất Vị Hoàng xưa nổi tiếng khắp trấn Sơn Nam, tài danh con người nơi đây cũng khoát cả thiên hạ. Sự học đã giúp nhân tài có dịp phô bày kiến thức, hoặc chữ nghĩa đã đưa các thi nhân lên đỉnh cao văn chương. Thế nhưng, thời cuộc, thời thế dần khuất lấp những dấu tích huy hoàng của miền đất học, như dòng sông Vị lấp đi nhường chỗ cho những tòa nhà của đô thị Thành Nam.

Tương truyền ở Vị Hoàng, ngoài những đại khoa danh tiếng, những người đỗ trung khoa, tiểu khoa nhiều vô kể, những người giỏi văn thơ như Trần Tế Xương cũng không thiếu, trong số đó nổi bật như Trần Tích Phiên (Hai Ứng), Phạm Ứng Thuần (Cả Thuần). Thư pháp có cụ đồ Thơm, cụ Hồng Sơn. Âm nhạc có Vũ Công Tôn, con cụ Công Tôn là Vũ Tiến Lễ sinh ra họa sĩ Vũ Tiến Đa (Nguyệt Hồ). Thậm chí, làng còn có người đánh trống giỏi nhất là cụ Trần Khắc Tính được vua ban Thất phẩm quân nhạc...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tập huấn chuyên đề Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trường học tại Trường THCS Nguyễn Huệ.

Giáo viên đi học... hè

GD&TĐ - Nhiều trường học đã chủ động tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy học tích cực, tập huấn cho giáo viên cách sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học, kiểm tra, quản lý hồ sơ...