Tiến sĩ cơ học sở hữu 'gia tài' khủng

GD&TĐ - Với việc vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo danh giá của ngành Cơ học Việt Nam, TS Phùng Văn Phúc - giảng viên Khoa Xây dựng,

TS Phùng Văn Phúc có 6 năm liền được vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Ảnh: NVCC
TS Phùng Văn Phúc có 6 năm liền được vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Ảnh: NVCC

Với việc vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo danh giá của ngành Cơ học Việt Nam, TS Phùng Văn Phúc - giảng viên Khoa Xây dựng, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã khẳng định tài năng, sự nỗ lực không mệt mỏi và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Hành trình đến đỉnh cao khoa học

TS Phùng Văn Phúc, sinh năm 1986, được xướng tên cho Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo năm 2023 - 2024, tại Hội nghị Cơ học toàn quốc - Kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Cơ học, cộng đồng khoa học Việt Nam. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho công trình nghiên cứu đột phá của TS Phúc và các cộng sự, đồng thời là cột mốc quan trọng, tô đậm thêm hành trình khoa học đầy ấn tượng của nhà giáo, nhà khoa học trẻ tuổi nhưng đã sở hữu “gia tài” thành tích đáng nể.

Ở tuổi 39, không chỉ là nhà khoa học với nhiều thành tựu được quốc tế công nhận, TS Phúc còn là người thầy truyền cảm hứng, tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên trên con đường chinh phục tri thức. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành Cơ tin kỹ thuật năm 2009 và Thạc sĩ Cơ học kỹ thuật năm 2012 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thầy Phúc đã nhận được học bổng VLIR-OUS của Chính phủ Bỉ và Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu (EU) để theo làm chương trình Tiến sĩ tại Đại học Ghent - một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu châu Âu.

Năm 2016, giảng viên sinh năm 1986 này đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Cơ học tính toán với đề tài “Isogeometric analysis for smart plate structures”, mở ra chặng đường mới trên hành trình nghiên cứu chuyên sâu. Sau đó, TS Phúc tiếp tục nhận được tài trợ cho chương trình nghiên cứu sau Tiến sĩ giai đoạn 2016 - 2019, mở ra cơ hội quý giá để mở rộng biên độ nghiên cứu, tập trung khai phá sâu vào lĩnh vực ứng xử của kết cấu và vật liệu ở cấp độ vi mô - lĩnh vực khó và chưa được khai phá nhiều trong cơ học hiện đại.

Trở về nước và công tác tại Khoa Xây dựng, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), TS Phúc đã nhanh chóng khẳng định năng lực vượt trội. Thầy không ngừng nỗ lực, miệt mài trong phòng làm việc, theo đuổi những hướng nghiên cứu mới, mang tính đột phá và có giá trị ứng dụng cao.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của thầy tập trung vào Cơ học tính toán, vật liệu và kết cấu tiên tiến, đặc biệt các vấn đề liên quan đến phân tích và mô phỏng ứng xử của kết cấu ở cấp độ nano dưới tác động đồng thời của nhiều trường vật lý (như cơ học, nhiệt học, điện từ trường, độ ẩm…), tạo nên những hiện tượng phức tạp đầy thách thức và tiềm năng ứng dụng cao.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phúc đã được đền đáp bằng những thành tựu ấn tượng, như nằm trong top 1% các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ trong bốn năm liền 2022 - 2025.

Dấu ấn công trình đột phá

Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo, mang tên cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo - người thầy, nhà Cơ học lỗi lạc, Chủ tịch đầu tiên của Hội Cơ học Việt Nam và Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, là giải thưởng danh giá và uy tín nhất của ngành Cơ học Việt Nam. Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học trẻ dưới 40 tuổi có những công trình nghiên cứu xuất sắc, được quốc tế công nhận.

GS.TSKH Nguyễn Tiến Khiêm đã khẳng định, giải thưởng không chỉ tiếp nối sự nghiệp của GS Nguyễn Văn Đạo, mà còn là nguồn động viên to lớn cho các tài năng trẻ, thúc đẩy sự phát triển của ngành Cơ học nước nhà.

TS Phúc đã chinh phục Hội đồng khoa học bằng công trình nghiên cứu mang tên “Small scale analysis of porosity-dependent functionally graded triply periodic minimal surface nanoplates using nonlocal strain gradient theory” (tạm dịch: Phân tích hiệu ứng kích thước cho các tấm nano có cấu trúc lỗ rỗng phân bố chức năng theo bề mặt tối thiểu tuần hoàn ba chiều biến thiên bằng lý thuyết gradient biến dạng phi địa phương).

Công trình đề xuất hướng tiếp cận mới, mang tính đột phá trong việc phân tích và mô hình hóa các tấm vật liệu nano có cấu trúc phức tạp. Các bề mặt tối thiểu tuần hoàn ba chiều (Triply Periodic Minimal Surface - TPMS) là những cấu trúc được lấy cảm hứng từ tự nhiên, có nhiều ưu điểm vượt trội như độ rỗng cao, bề mặt nhẵn và hình học có thể kiểm soát bằng toán học.

Việc ứng dụng lý thuyết gradient biến dạng phi địa phương cho phép mô tả chính xác hơn hành vi cơ học của vật liệu ở cấp độ nano, nơi các hiệu ứng kích thước siêu nhỏ tác động lớn đến ứng xử của kết cấu và không thể bỏ qua.

Nói cách khác, nghiên cứu của TS Phúc và các cộng sự mở ra khả năng thiết kế và tối ưu hóa các loại vật liệu mới siêu nhẹ, siêu bền, có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như hàng không vũ trụ, y sinh, điện tử và năng lượng. Công trình không chỉ thể hiện sự sâu sắc về mặt lý thuyết, mà còn mang tiềm năng ứng dụng thực tiễn to lớn, góp phần giải quyết những bài toán thách thức của khoa học và công nghệ hiện đại.

Sự ghi nhận từ Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo không chỉ phản ánh những nỗ lực âm thầm và miệt mài bên những phương trình phức tạp và mô hình mô phỏng tinh vi, mà còn là thành quả của cả tập thể nhóm nghiên cứu. Đồng thời là dấu mốc khích lệ cho hành trình theo đuổi đam mê, kiên trì và không ngừng đổi mới trong nghiên cứu khoa học, một hành trình mà TS Phúc may mắn được đồng hành cùng cộng sự đầy tâm huyết.

TS Bùi Văn Thế Vinh - Phó Hiệu trưởng HUTECH cho biết: Đối với tập thể HUTECH, thành công của TS Phúc là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần yêu khoa học, say mê nghiên cứu đến toàn thể giảng viên và sinh viên. Thầy trở thành một tấm gương sáng trong phong trào nghiên cứu khoa học tại trường, thúc đẩy việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, công bố các công trình chất lượng cao và nâng cao uy tín học thuật của HUTECH.

Ngọn lửa đam mê và khát vọng cống hiến trong thầy sẽ tiếp tục bùng cháy, không chỉ để chinh phục những đỉnh cao tri thức mới, mà còn thắp sáng con đường cho các thế hệ nhà khoa học trẻ của Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà ngày càng vững mạnh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

TS Phùng Văn Phúc đã công bố hơn 70 công trình nghiên cứu thuộc nhóm Q1 (top 25% các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực) trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục SCIE, với chỉ số h-index 47.

Đặc biệt, thầy có sáu năm liền được vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới và ba năm liên tục được gắn huy hiệu “Best Rising Stars of Science in the World”, ghi nhận thầy là một trong những ngôi sao khoa học triển vọng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, thầy Phúc và nhóm nghiên cứu được vinh danh với Giải thưởng Bài báo xuất sắc EABE 2023, ghi nhận là một trong những bài báo có tầm ảnh hưởng khoa học lớn nhất trong giai đoạn 2020 - 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ