Làm thế nào để phát hiện và phát triển năng khiếu?

GD&TĐ - Việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu của học sinh rất cần thiết, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Đức Thọ (Hà Tĩnh) tham gia hoạt động học tập vẽ sơ đồ tư duy. Ảnh minh họa: INT
Học sinh Trường Tiểu học Đức Thọ (Hà Tĩnh) tham gia hoạt động học tập vẽ sơ đồ tư duy. Ảnh minh họa: INT

Mỗi con người sinh ra dù ít hay nhiều cũng có trong mình một năng khiếu nào đó, tùy thuộc vào môi trường khác nhau mà năng khiếu đó được bộc lộ và phát triển như thế nào?

Một em bé có năng khiếu về hội họa, nếu sinh trong gia đình có điều kiện, bố mẹ sớm phát hiện ra năng khiếu của em và tìm thầy cô dạy bảo thì sau này khả năng thành công của em ấy trên con đường nghệ thuật sẽ cao hơn, ngược lại cũng tố chất như vậy nhưng em bé đó lại sinh ra trong gia đình gặp nhiều khó khăn, bố mẹ không có thời gian quan tâm đến khả năng của con thì chắc chắn để đạt được ước mơ trở thành họa sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Vì thế gia đình, môi trường học tập và vai trò của người phát hiện, hướng dẫn các em phát huy hết khả năng của mình là rất quan trọng. Ở nhà vai trò ấy thường gắn với bố mẹ, ở trường thì gắn với thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, người đại diện cho nhà trường trực tiếp quán lý các hoạt động chung của lớp học. Vậy, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm cần làm thế nào để phát hiện và phát triển năng khiếu cho các em được tốt nhất?

Cần xác định động cơ học tập

Mỗi môn học thường gắn với một năng khiếu đặc biệt nào đó của học sinh, bởi vậy, giáo viên có thể phát hiện thấy năng khiếu của học trò ngay chính trong các giờ dạy của mình.

Trước hết, giáo viên cần nắm bắt được động cơ học tập của từng em trong một lớp học. Tại sao học sinh này thì hứng thú học tập, chăm chỉ còn học sinh khác thì chán nản, thụ động? Điều đó cần phải xem xét vào động cơ học tập của các em.

Trong nghiên cứu “An Intro duction to Motivation” (Tổng quan về động lực thúc đẩy xã hội), Atkinson cho rằng cá nhân có nhu cầu gặt hái thành công thì thường có khuynh hướng cố gắng, dù gặp khó khăn để đạt mục đích.

Ngược lại cá nhân có nhu cầu né tránh thất bại mạnh hơn mong muốn thành công thì những khó khăn trên đường thực hiện mục đích đó sẽ đe dọa và động lực thúc đẩy ở đây sẽ yếu kém, không đủ khả năng để thúc đẩy cá nhân hoàn thành mục đích.

Nhu cầu học tập là sự cần thiết đối với mỗi học sinh nhằm trang bị những kiến thức chuyên môn có mối quan hệ chặt chẽ với các nhu cầu khác. Động cơ học tập của học sinh THPT còn là mong muốn tìm vị trí của mình trong số bạn bè, sự thi đua với các bạn trong lớp, trường, noi gương những người đi trước và cả sự giữ gìn danh dự truyền thống của gia đình, dòng họ, nhà trường... đồng thời là động lực, kim chỉ nam cho hoạt động học tập.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, tính tích cực nhận thức biểu hiện của nhu cầu học tập của học sinh, giáo viên sẽ phát hiện thấy trạng thái học tập của học sinh thông qua việc trả lời các câu hỏi sau:

- Có chú ý học tập hay không?

- Có hăng hái tham gia vào mọi hình thức của hoạt động học tập hay không? (như phát biểu ý kiến, xây dựng bài, ghi chép...)

- Có hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không?

- Có ghi nhớ tốt những điều đã học hay không?

- Có hứng thú học tập hay không?

- Có tự giác học tập hay bị bắt buộc bởi tác động bên ngoài?

- Tích cực nhất thời hay thường xuyên, liên tục?

- Chủ động hay bị động khi thực hiện các nhiệm vụ học tập?

- Công việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp có chu đáo hay không?

- Có kiên trì vượt khó hay không?

- Có những cảm xúc trí tuệ mang tính tích cực hay không?

- Mức độ hiểu biết về mục đích, nhiệm vụ học tập như thế nào?

Khi đã nhìn nhận ra động cơ học tập của học sinh, giáo viên sẽ tìm cách thúc đẩy động cơ học tập tích cực và phát huy những em vừa có động cơ học tập tích cực vừa có những cảm xúc trí tuệ tích cực, vì đây chính là những em có năng khiếu học tốt môn học của thầy cô đang giảng dạy.

Vì vậy, để đạt kết quả giảng dạy tốt, giáo viên cần chú ý đến nhu cầu, động cơ học tập qua việc chú ý quan sát hoạt động của học sinh. Từ đó, chúng ta sẽ có sự linh hoạt về việc vận dụng phương pháp, cách thức tiếp cận đối với học sinh.

cac-bien-phap-phat-trien-nang-khieu-2.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Chiềng Lề (Sơn La) trả lời các câu hỏi trong buổi ngoại khoá. Ảnh minh họa: INT

Nghệ thuật sử dụng câu hỏi

Đặt câu hỏi, tạo các tình huống để học sinh tự tìm kiếm câu trả lời và giải quyết các tình huống là một biện pháp có thể giúp giáo viên phát hiện ra năng khiếu của học trò. N.G.Đairi - nhà giáo dục Liên Xô cũ từng nói: “Dạy lịch sử cũng như bất cứ dạy cái gì đều đòi hỏi người thầy phải khơi dậy cái thông minh chứ không phải là bắt buộc các trí nhớ làm việc, bắt nó ghi rồi chép lại”.

Như vậy, điều quan trọng nhất khi giảng dạy ở đây là làm sao “khơi dậy cái thông minh” của học sinh, vì “cái thông minh” đó chính là “năng khiếu”.

Một trong những biện pháp khơi dậy trí tò mò của học sinh là việc giáo viên xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp đối với nội dung giảng dạy. Hệ thống câu hỏi tốt nêu ra trong quá trình giảng dạy phải phù hợp với khả năng của các em, kích thích tư duy phát triển đồng thời tạo ra mối quan hệ bên trong giữa học sinh với học sinh, cũng như giữa học sinh với giáo viên.

Hệ thống câu hỏi này phải có sự chuẩn bị từ khi soạn giáo án, dự kiến sẽ nêu ra lúc nào? Dự kiến được những câu trả lời của học sinh, việc sử sụng câu hỏi là một nghệ thuật. Những câu hỏi đặt ra bắt buộc học sinh phải suy nghĩ, khơi dậy lòng ham hiểu biết, trí thông minh sáng tạo. Ví dụ, trong dạy học phần nói - nghe bài “tranh biện về một vấn đề đời sống”, giáo viên có thể gợi ra một số vấn đề để các em tranh biện thông qua các câu hỏi như:

- Có cần cấm ô tô đi vào trung tâm thành phố hay không?

- Tình yêu học đường - nên hay không nên?

- Nên chọn nghề theo nhu cầu của thị trường lao động hay theo đam mê?

- Có nên phát triển hình thức học và làm việc trực tuyến để thay thế dần hình thức học và làm việc truyền thống hay không?

- Nên hay không nên mang điện thoại di động đến lớp?

Và thông qua cuộc tranh biện tại lớp, giáo viên có thể phát hiện ra một số năng khiếu của các em như thuyết trình, vận dụng công nghệ thông tin, tổ chức, lãnh đạo đội nhóm…

Ngoài ra, giáo viên cũng có thể thông qua một số câu hỏi đơn lẻ hoặc tạo ra một số tình huống đặc biệt trong một tiết dạy tại một thời điểm nhất định nào đó như trong phần khởi động (mở đầu bài dạy) hay phần luyện tập, vận dụng để phát hiện và bồi dưỡng, ươm mầm năng khiếu cho các em.

Ví dụ, trong phần mở đầu của bài dạy tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan”, giáo viên có thể yêu cầu học sinh vẽ một bức tranh thôn quê. Từ đó, có thể phát hiện thấy năng khiếu hội họa ở một số học sinh.

Dạy bài “Vội vàng” của Xuân Diệu, phần vận dụng, chúng ta có thể đặt câu hỏi “Em sáng tác một bài thơ ngắn với chủ đề về thời gian hoặc chủ đề về quan niệm sống tận hiến?”. Nếu một học sinh nào đó sáng tác được bài thơ đạt cả yêu cầu nội dung và hình thức thì chính học sinh đó sẽ có năng khiếu về sáng tác thơ ca…

Vận dụng phương pháp lập sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy (còn gọi là lược đồ tư duy, bản đồ khái niệm) là một sơ đồ nhằm trình bày một cách rõ ràng những ý tưởng mang tính kế hoạch hay kết quả làm việc của cá nhân hay nhóm về một chủ đề. Sơ đồ tư duy có thể được viết trên giấy, trên bảng hay thực hiện trên phần mềm PowerPoint.

Để phát huy tốt phương pháp này, giáo viên cần nắm rõ tính ứng dụng của sơ đồ tư duy trong nhiều tình huống khác nhau như:

- Tóm tắt nội dung, ôn tập một chủ đề;

- Trình bày tổng quan một chủ đề;

- Chuẩn bị ý tưởng cho một báo cáo hay buổi nói chuyện, bài giảng;

- Thu thập, sắp xếp các ý tưởng;

- Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh;

- Bài tập về nhà;

- Ghi chép khi nghe giảng.

Khi giáo viên yêu cầu học sinh vẽ sơ đồ tư duy, không chỉ đơn thuần là một cách để hệ thống hóa kiến thức, mà còn giúp các em phát triển nhiều năng khiếu và kỹ năng quan trọng. Cụ thể:

- Tư duy logic và hệ thống: Học sinh học cách sắp xếp thông tin có trình tự, phân cấp và phân nhánh rõ ràng; rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp và kết nối thông tin.

- Khả năng sáng tạo và thẩm mỹ: Sơ đồ tư duy thường đi kèm màu sắc, hình ảnh, biểu tượng nên gợi mở học sinh sáng tạo trong cách thể hiện thông tin. Từ đó, góp phần phát triển năng khiếu mỹ thuật, thiết kế hoặc tư duy hình ảnh. Những em có năng khiếu này có thể sau này làm các công việc như thiết kế thời trang, đồ họa, kiến trúc sư…

- Ghi nhớ hiệu quả: Việc tự tay vẽ và trình bày giúp học sinh tăng cường trí nhớ thị giác và ghi nhớ lâu hơn. Kỹ năng này liên quan đến trí nhớ hình ảnh và trực quan - một năng khiếu đặc biệt ở một số em.

- Kỹ năng viết và diễn đạt: Các em phải chọn lọc từ ngữ ngắn gọn, chính xác để ghi vào sơ đồ nên giúp cải thiện khả năng diễn đạt và tóm tắt thông tin.

- Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề: Khi phải tự xây dựng sơ đồ tư duy, các em sẽ tự đặt câu hỏi: “Cái nào quan trọng?”, “Liên kết như thế nào?”,… Đây chính là nền tảng của năng khiếu phân tích, tư duy phản biện, và giải quyết vấn đề. Những em có năng khiếu này rất thích hợp với các ngành nghề như luật sư, làm việc ở toà án, công an điều tra…

Năng khiếu tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực và tài năng. Thế nên, việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu của học sinh là rất cần thiết, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho học sinh. Mỗi đứa trẻ đều có những năng khiếu nhất định và hoàn toàn có thể dẫn đầu trong lĩnh vực cần trí thông minh của mình, lớn lên năng khiếu đó càng bộc lộ rõ nét, đặc biệt là khi học đến THPT.

Việc phát hiện sớm học sinh sở hữu loại hình trí thông minh nào có thể giúp các em định hướng đúng và thành công trong tương lai. Điều này gắn bó trực tiếp đến giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm vì sau gia đình thì bản thân giáo viên chủ nhiệm là người trao đổi, tiếp xúc và dạy bảo nhiều cho học sinh. Để làm tốt được điều đó, giáo viên phải là người hiểu học sinh “như con”, nhận biết được những điểm mạnh và điểm yếu của chúng nhằm phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. (Ảnh: ITN)

Đừng bao giờ bỏ bữa sáng vì lý do này

GD&TĐ - Cho dù bạn đang bận rộn hay đang cố gắng giảm cân, đừng bao giờ bỏ bữa ăn đầu tiên trong ngày. Bỏ bữa sáng có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.