Phía sau hoạt động ý nghĩa ấy là tâm huyết của những người trẻ đam mê ví giặm, mong muốn gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa đến thế hệ tiếp nối.
Lan tỏa tình yêu dân ca
Tối 10/6, Hội trường Tỉnh đoàn Hà Tĩnh rộn rã tiếng cười nói, rộn vang câu hát dân ca trong buổi khai giảng lớp học “Hè vui cùng dân ca Ví, Giặm”. Gần 100 em nhỏ từ 5 - 15 tuổi trên địa bàn tỉnh háo hức đến tham dự, bắt đầu chuỗi ngày hè trải nghiệm với những làn điệu dân ca mộc mạc mà sâu lắng.
Dù 19 giờ 30 phút mới bắt đầu nhưng em Nguyễn Hà Trang - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Thạch Lạc (Thạch Lạc, Hà Tĩnh) đã có mặt từ rất sớm. “Em rất thích hát dân ca ví, giặm. Ở lớp học này, em sẽ được các cô chú hướng dẫn cụ thể, còn được luyện hát cho đúng làn điệu. Em thấy rất vui và tự hào vì được học về văn hóa quê mình”, Trang hào hứng chia sẻ.
Đặc biệt, có những gia đình dù ở xa vẫn đưa con đến lớp học với niềm tin đây là môi trường rèn luyện tốt. Chị Phạm Thị Trâm (Yên Hòa, Hà Tĩnh) đưa con gái Đặng Diễm My vượt hơn 30km để tham gia lớp học. “Từ nhỏ cháu đã rất thích nghe dân ca. Biết tin có lớp học, cháu chủ động xin bố mẹ cho đăng ký. Tôi thấy đây là sân chơi lành mạnh, ý nghĩa trong dịp hè - vừa giúp con vui chơi, vừa học thêm về văn hóa truyền thống”, chị Trâm chia sẻ.
Khóa học “Hè vui cùng dân ca Ví, Giặm” là hoạt động miễn phí do Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm trẻ Hà Tĩnh tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến trao truyền, lan tỏa tình yêu di sản dân ca cho thế hệ măng non. Theo chị Lê Thị Thương - thành viên câu lạc bộ, khóa học sẽ diễn ra trong suốt kỳ nghỉ hè và chia thành 2 lớp theo độ tuổi, với hình thức học truyền miệng kết hợp thực hành biểu diễn.
“Các em sẽ được hướng dẫn kỹ năng hát các làn điệu dân ca ví, giặm bởi chính các nghệ nhân trẻ, thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ. Ngoài ra, sau khi các em đã làm quen với các làn điệu, các thầy cô sẽ mời nghệ nhân về biểu diễn và hướng dẫn thêm. Cuối khóa, các em sẽ có buổi biểu diễn báo cáo, kết hợp gây quỹ thiện nguyện hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa”, chị Thương thông tin.
Khóa học cũng là bước khởi đầu cho hành trình dài hơi mà câu lạc bộ đã ấp ủ suốt 2 năm - đưa dân ca đến với thế hệ trẻ không chỉ bằng biểu diễn, mà còn thông qua giáo dục và thực hành thường xuyên. “Sau hè, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp định kỳ, mở rộng mô hình đến các trường học, địa phương khi có điều kiện”, nghệ nhân Trần Văn Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Từ đam mê tự nguyện đến hành trình giữ gìn di sản
Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm trẻ Hà Tĩnh được thành lập vào tháng 3/2025, trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Sau nhiều năm hình thành ý tưởng và hoạt động nhỏ lẻ theo phong trào, câu lạc bộ chính thức ra mắt với 34 thành viên - là đoàn viên thanh niên, nghệ sĩ tự do, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tất cả cùng hội tụ bởi một điểm chung: Tình yêu sâu sắc dành cho dân ca ví, giặm - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khác với những sân chơi hiện đại, dễ hút giới trẻ, dân ca ví, giặm đòi hỏi sự kiên trì, tinh tế và đam mê thật sự. Chính vì vậy, việc quy tụ một đội ngũ trẻ trung, tâm huyết gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này là điều không dễ. Song bằng tình yêu văn hóa, bằng sự linh hoạt trong cách tổ chức và dẫn dắt, câu lạc bộ dần tạo được sức hút trong cộng đồng người trẻ yêu dân ca.
Thành viên câu lạc bộ không chỉ tham gia sinh hoạt, học hát định kỳ 2 lần mỗi tháng tại hội trường Tỉnh đoàn, mà còn tích cực tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa - chính trị của Hà Tĩnh, tổ chức thiện nguyện và tuyên truyền di sản đến trường học. Việc biểu diễn không chỉ là cơ hội thực hành, mà còn là cách để câu lạc bộ gây quỹ duy trì hoạt động, hỗ trợ các lớp học, sản xuất MV giới thiệu di sản và quê hương Hà Tĩnh.
Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gồm 4 thành viên: Nghệ nhân Trần Văn Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Xúc tiến du lịch tỉnh (Chủ nhiệm câu lạc bộ); Lê Thị Thương (diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh - kiêm thủ quỹ và giảng viên); Đoàn Thị Thương và ca sĩ Nguyễn Hữu Trường (nghệ danh Xuân Trường) phụ trách công tác hướng dẫn, dàn dựng. Những người trẻ này đều có chuyên môn, từng biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn trong và ngoài Hà Tĩnh.

Không chỉ truyền dạy dân ca, câu lạc bộ còn xây dựng kế hoạch sản xuất MV giới thiệu Hà Tĩnh thông qua dân ca ví, giặm; đồng thời tham gia phối hợp tổ chức các chương trình biểu diễn cộng đồng, hoạt động xã hội - từ đó giúp dân ca hiện diện gần hơn với đời sống.
Trong đội ngũ thành viên Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm trẻ Hà Tĩnh có nhiều gương mặt tiêu biểu đã và đang góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản, như ca sĩ Nguyễn Hữu Trường. Tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc - Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 2023, Trường (SN 2001) từng được nhận vào Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, sau một lần biểu diễn dân ca tại quê nhà, Trường quyết định từ chối cơ hội ở lại Hà Nội để về Hà Tĩnh gắn bó với dân ca.
“Được cất lên câu hò, điệu ví trên chính mảnh đất quê hương cho tôi cảm giác trọn vẹn. Là người trẻ, mình càng cần có trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa. Hiện nay, rất ít bạn nam theo đuổi dân ca, nên tôi càng muốn đi đến cùng với đam mê này”, Xuân Trường chia sẻ.
Từ thành viên câu lạc bộ dân ca xã Cẩm Mỹ, Xuân Trường dần ghi dấu ấn với nhiều sân khấu lớn như: Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp… Đặc biệt, tại Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, Trường là giọng ca chính trong nhiều tiết mục đặc sắc. Gần đây, anh tiếp tục cùng câu lạc bộ tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” toàn quốc 2025 và đạt Huy chương Vàng với tiết mục “Vui hội Làng Sen thêm nhớ ơn Người”.
Với 10 năm miệt mài gắn bó cùng dân ca ví, giặm, nghệ nhân Văn Sang vừa tham gia biểu diễn vừa thực hiện số hóa dân ca ví, giặm - góp phần đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với công chúng đương đại.
Năm 2018, khi mới 31 tuổi, Văn Sang được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, trở thành nghệ nhân dân ca ví, giặm trẻ nhất Hà Tĩnh tính đến thời điểm đó. Trong hành trình nghệ thuật của mình, anh đã đạt nhiều thành tích tại các hội thi, liên hoan dân ca và hội diễn quần chúng trên toàn quốc. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là anh luôn tìm kiếm những hướng đi mới để giữ gìn và lan tỏa tinh hoa ví, giặm trong thời đại số.
Nhận thấy sự cần thiết của việc thích nghi với xu thế công nghệ, từ năm 2017, Văn Sang bắt đầu tự bỏ kinh phí để thu âm, phối khí và thực hiện các MV dân ca ví, giặm. Anh chủ động đăng tải các sản phẩm này lên kênh YouTube cá nhân “Văn Sang”, biến nền tảng này thành một “thư viện dân ca” sống động và dễ tiếp cận. Với chất giọng sâu lắng và phong cách trình bày đậm chất truyền thống, các ca khúc của anh nhanh chóng thu hút sự quan tâm, hiện kênh YouTube đã đạt gần 50.000 lượt theo dõi.
Không chỉ dừng lại ở YouTube, Văn Sang còn tích cực lan tỏa những tác phẩm dân ca trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, TikTok, Zalo…, giúp dòng chảy dân ca truyền thống thấm sâu vào đời sống hiện đại, đặc biệt là với giới trẻ.
Không riêng Trường, Sang, nhiều gương mặt khác như chị Trần Thị Hoài Thu (Thành Sen, Hà Tĩnh), sinh viên Lê Thị An Ly, Nguyễn Nhật Trà My (Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh), Lê Trung Kiên (Hà Huy Tập, Hà Tĩnh)… mỗi người một nghề nhưng đều có điểm chung đó là đang miệt mài “giữ lửa” dân ca. Họ biểu diễn, truyền dạy, sản xuất nội dung số, đưa ví, giặm đến gần hơn với lớp trẻ.
“Gắn bó với dân ca hơn 10 năm, tôi chưa bao giờ thấy nhàm chán. Ví, giặm không chỉ là âm nhạc, mà còn là linh hồn văn hóa. Tôi mong được góp phần đưa câu hát quê mình đến với nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ”, chị Lê Thị Thương tâm sự.
Từ một ý tưởng nhỏ, Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm trẻ Hà Tĩnh đang từng bước định hình vai trò là cầu nối giữa di sản và thế hệ trẻ. Bằng sự đam mê, nhiệt huyết và những mô hình sáng tạo như lớp học hè, các thành viên câu lạc bộ góp phần gìn giữ và lưu truyền di sản văn hóa của nhân loại.
Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm trẻ Hà Tĩnh là mô hình tiêu biểu, giàu ý nghĩa trong việc kết nối, tập hợp thanh niên có chung đam mê với di sản văn hóa dân tộc. Những hoạt động của câu lạc bộ thời gian qua không chỉ tạo không gian để các bạn trẻ được học tập, thực hành và lan tỏa dân ca ví, giặm, mà còn góp phần làm sống động đời sống văn hóa cộng đồng.
Đặc biệt, việc lồng ghép giáo dục truyền thống với các giá trị nhân văn, thiện nguyện càng thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của người trẻ hôm nay. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để câu lạc bộ ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm trên quê hương Hà Tĩnh. - Ông Nguyễn Hoài Nam - Bí thư xã Thạch Lạc, tỉnh Hà Tĩnh từ 1/7, trước là Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại Hà Tĩnh