Mũ bảo hộ phòng Covid của học sinh Việt Nam nhận giải thưởng sáng tạo WIPO

GD&TĐ - Trong thời gian nghỉ học để tránh dịch Covid-19, nhóm học sinh Việt Nam đã sáng chế ra chiếc mũ bảo hộ chống dịch Covid-19 mang tên Vihelm, có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lên tới 99,9%.

Chiếc mũ được nhóm bạn trẻ dành nhiều tâm huyết.
Chiếc mũ được nhóm bạn trẻ dành nhiều tâm huyết.

Sáng chế độc đáo 

Vihelm là ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ Đỗ Trọng Minh Đức (Sinh năm 2003, đang học tại Montverde Academy, Mỹ); Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh lớp 10 trường Dewey Schools, Hà Nội); Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh lớp 9, Trường Trường quốc tế Pháp Lfay, Hà Nội) phát triển trên cơ sở đề bài được nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam hướng dẫn.

Ý tưởng ra đời chiếc mũ bảo hộ chống dịch Covid-19 bắt đầu từ việc các bạn học sinh được thầy cô giao nhiệm vụ giải quyết một "đề bài": Tìm cách làm một mũ lọc không khí có nhiều tính năng tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người dùng trong bối cảnh có thể dịch Covid-19 còn kéo dài.

Bên cạnh đó, ý tưởng này được bắt nguồn sau khi từ Mỹ trở về, Minh Đức phải đến cơ sở cách ly tập trung trong 14 ngày. Nhìn hình ảnh nhân viên y tế với đồ bảo hộ kèm mũ, mặt nạ rất ngột ngạt tạo nên sự mệt mỏi khi phải làm việc liên tục mà lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao đã thôi thúc Đức cùng những người bạn lên ý tưởng cho sản phẩm.

Nhóm học sinh đã liên lạc với thầy Nguyễn Đình Nam, một nhà khoa học có nhiều sáng chế độc đáo. Dưới sự hướng dẫn của thầy Nam, nhóm của Đức đã bắt tay vào thực hiện đề tài.

Các bạn trẻ bắt đầu từ việc nghiên cứu nguyên lý hoạt động của loại mặt nạ PAPR - lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99.

Các thành viên của nhóm (từ phải qua): Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An, Nguyễn Hoàng Phúc
Các thành viên của nhóm (từ phải qua): Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An, Nguyễn Hoàng Phúc

Từ nghiên cứu này, các bạn trẻ nghĩ nhiều hơn về giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại. Đó là những điều khiến mặt nạ PAPR dù có tác dụng rất tốt nhưng ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Luôn ghi nhớ lời thầy là làm khoa học với tâm thế hướng về con người, nhóm bạn trẻ suy nghĩ giải pháp làm ra chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp.

Giải thích về ý nghĩa của sản phẩm, trưởng nhóm Đỗ Trọng Minh Đức cho biết, “Vihelm” được viết tắt từ Vietnam Helm, có nghĩa là mũ của Việt Nam.

Vihelm có ba phần chính, gồm mũ bảo hộ che kín khuôn mặt và đường hô hấp, bộ lọc có màng ngăn virus lây lan xuyên qua mũ và một hệ thống quạt làm thoáng khí, giải quyết vấn đề đọng hơi nước bên trong, không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.

Điều khác biệt của sáng tạo này chính là việc tích hợp các chức năng như găng tay bằng chất liệu đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt; hoặc gãi đầu bằng sáu lỗ trên đỉnh mũ; thậm chí người dùng vừa ăn uống được mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.

Giải thích thêm về tác dụng của Vihelm, đồng sáng chế Trần Nguyễn Khánh An chia sẻ: Chiếc mũ được tạo ra với nhiều tính năng, hai cải tiến mới là gắn hộp găng tay chuyên dụng (gloves box) và thiết kế mũ kèm mặt nạ (mask hat).

Việc gắn găng tay trên mũ giúp người dùng tương tác tốt với các bộ phận trên mặt như gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn mà không cần bỏ mũ.

Mũ còn có khay đựng thức ăn, đồ uống. Người dùng có thể chuẩn bị sẵn những phần ăn nhẹ và nhanh chóng nạp năng lượng để có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Bộ lọc không khí, duy trì áp suất giúp người dùng có thể làm việc thoải mái nhất trong thời gian dài mà không cần cởi bỏ mũ bảo hộ, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Sản phẩm được giới thiệu tại Tổ chức Y tế Thế giới.
Sản phẩm được giới thiệu tại Tổ chức Y tế Thế giới.

Bảo vệ lực lượng tuyến đầu 

Về kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai, Đỗ Trọng Minh Đức hào hứng cho biết: Trong tương lai, nhóm mong muốn phát triển Vihelm trở thành chiếc mũ thông minh vừa phòng bệnh, bảo vệ người dùng, vừa có thể kết nối dữ liệu. Mã nguồn mở của mũ Vihelm sẽ được công bố để mọi người có thể in 3D ra mũ.

Từ Vihelm phiên bản đầu được giải thưởng quốc tế, nhóm liên tục hoàn thiện và đã cho ra đời ba phiên bản nối tiếp. Tới phiên bản thứ tư, nhóm đã thu gọn, các bộ phận chính được cải tiến như quạt điều hòa không khí đã được trang bị pin mới có thời lượng dài hơn, thay găng tay silicon ban đầu bằng vật liệu vải sạch ngăn virus mà vẫn thông thoáng, gắn thêm thiết bị lọc khuẩn và virus băng tia UV...

Đánh giá cao những nỗ lực của học trò qua quá trình nghiên cứu, thầy hướng dẫn Nguyễn Đình Nam cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, nhóm đã làm việc rất nghiêm túc và có những ý tưởng độc đáo, mới lạ. Những nỗ lực của nhóm đã nhận được sự công nhận xứng đáng khi được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao.

Sản phẩm Vihelm được thương mại hóa, có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Sản phẩm Vihelm được thương mại hóa, có mặt tại nhiều nước trên thế giới.

Mũ Vihelm đáp ứng các chỉ tiêu đánh giá hiệu suất lọc các hạt kích thước nhỏ, nồng độ CO₂, nhiệt độ, độ ẩm do Phòng thí nghiệm trọng điểm vật liệu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Sau khi được giới thiệu tại hội thảo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, nhóm Vihelm đã gửi thư tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) với mong muốn thúc đẩy việc chia sẻ giấy phép và kêu gọi tài trợ quốc tế cho sản xuất, tăng quy mô sử dụng "mũ cách ly di động Vihelm" để bảo vệ y, bác sỹ và các lực lượng tuyến đầu.

Sáng chế “mũ cách ly di động” đã được các nhà sáng chế trẻ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận. Các nhà sáng chế trẻ cũng đang tiến hành đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ thế giới theo luật pháp quốc tế và sự hướng dẫn của WIPO.

Nhóm tác giả đã chủ động kết nối với Tập đoàn VinGroup và được hỗ trợ, đánh giá kỹ thuật cũng như tư vấn, giúp đỡ. Vihelm cũng đã nhận được sự quan tâm, cho ý kiến đánh giá từ các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Vinmec và chuyên gia của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Vihelm là sáng chế đã thương mại hoá ở nhiều nước và được WIPO ghi nhận là "sản phẩm giải pháp thể hiện sự đổi mới sáng tạo vượt qua những thách thức, giới hạn và nguồn lực". Đại diện WIPO thông báo quyết định trao danh hiệu “Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của WIPO” (WIPO’s IP Youth Ambassador) cho 3 nhà sáng chế trẻ Việt Nam đã sáng chế và phát triển thành công sản phẩm mũ Vihelm. Dự kiến Đội trưởng Đỗ Trọng Minh Đức sẽ được mời tham dự và có bài phát biểu về "mũ cách ly di động Vihelm" tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc ngày 8/11 tại Genève, Thuỵ Sỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.