Truyền thông Nga đã đăng tải bức ảnh về một chiếc xe thiết giáp bánh xích đa năng MT-LB với cấu hình đặc biệt, khi nhận được hai khối bệ phóng rocket không điều khiển UB-32-57 của đạn S-5, và trên thực tế đã biến thành hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm ngắn.
Những sản phẩm tự chế như vậy lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1980, trong thời kỳ có sự hiện diện của Quân đội Liên Xô ở Afghanistan.
Sau đó loại rocket hàng không thường sử dụng trên máy bay MiG-21, MiG-23, MiG-27, Su-25 và trực thăng Mi-8, Mi-24 bắt đầu được lắp trên các phương tiện mặt đất như xe tải Ural-4320, thiết giáp trinh sát BRDM-2 và xe tăng T-62.
Theo ghi nhận, loạt đạn với 64 quả rocket S-5 không chỉ gây ra tổn thất nghiêm trọng mà còn tác động lớn đến tâm lý của đối phương, vũ khí này ngày càng được quân Nga sử dụng rộng rãi trong Chiến dịch quân sự đặc biệt.
Cần lưu ý rằng S-5 (ARS-57) là một loại rocket cỡ 55 mm được phát triển bởi Không quân Liên Xô để trang bị cho máy bay chiến đấu cánh cố định cũng như trực thăng nhằm chống lại các mục tiêu mặt đất.
Dự án nghiên cứu chế tạo rocket S-5 bắt đầu từ những năm 1950 như một phần trong chương trình vũ khí không đối không AS-5 để trang bị cho tiêm kích MiG-19.
ARS-57 đã được thử nghiệm trên máy bay MiG-15 và MiG-17, các bài kiểm tra hoàn thành vào năm 1955 trên MiG-17PF và nhận được kết luận rằng đây không phải là một vũ khí phù hợp cho các cuộc không chiến.
Thay vào đó, tháng 4/1955 nó được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị với vai trò vũ khí không đối đất và nhận định danh S-5.
Rocket S-5 có tất cả 11 biến thể, hình dạng và cấu tạo phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Các loại chính gồm: S-5K sử dụng đầu đạn lõm để chống thiết giáp, S-5M là loại nổ phân mảnh sát thương chống bộ binh, S-5S là loại đạn chứa 1.000 - 1.100 mũi tên dài 40 mm.
Đạn rocket không điều khiển S-5 có chiều dài 0,83 - 1,073 m; trọng lượng 3,64 - 5,02 kg; tầm bắn vào khoảng 3 - 4 km tùy phiên bản, chúng được phóng đi từ ống phóng chuyên dụng loại UB-16-57 và UB-32-57, sức chứa 16 và 32 quả đạn.