(GD&TĐ) - Năm 1964, vùng giải phóng đồng bằng Khu 5 mở ra rộng khắp. Hệ thống quản lý giáo dục và hệ thống trường lớp cũng được thành lập từ khu, tỉnh, huyện đến các xã.
Tháng 6 năm 1964, từ Căn cứ địa Khu 5 tại Trà My, Quảng Nam, Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5 cử một đoàn bốn người gồm thầy Tô Uyên Minh, thầy Nguyễn Trung Thành, Thầy Nguyễn Hoài Trung và anh Đặng Song Thanh vào Ba Tơ, Quảng Ngãi xây dựng trường Sư phạm Trung cấp. Nói là đi xây dựng trường chứ thật ra bốn người rồng rắn kéo vào Ba Tơ với một tập lệnh nhận gạo, một ít tiền và tư trang nằm gọn trong ba lô. Quan trọng hơn cả là bộ sách giáo khoa, đưa từ miền Bắc vào. Đây là tài liệu duy nhất mà các ông ấy có để mở “trường kháng chiến” tại vùng đất Khu 5 rộng lớn này.
Sau khi khảo sát địa thế, tham khảo ý kiến của ông Bui người Hre là già làng của một nóc sở tại, bàn bạc với các thầy trong bộ khung của trường, ông Tô Uyên Minh với cương vị Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng quyết định chọn nơi này dựng trường.
Lớp học ban đêm. (ảnh MH: Internet) |
Việc đầu tiên, họ phát dọn dây leo, cây nhỏ dưới chân rừng già bên bờ suối dựng lán trại, đào hầm trú ẩn, đào lò “Hoàng Cầm” giấu lửa, giấu khói. Qua vài ngày có chỗ đứng chân, ông Minh bắt đầu triển khai công việc đón giáo sinh từ các tỉnh về học. Ông cử người xuống các xã Phổ Thuận, Phổ Cường... liên hệ tuyển thêm người cho bộ phận hậu cần như tiếp liệu, chị nuôi, y tá, viết ly tô in sách giáo khoa và tài liệu phục vụ khóa học đầu tiên; liên hệ với tỉnh Quảng Ngãi nhận lương thực theo lệnh xuất gạo của Khu 5; liên hệ với những người buôn bán ở đầu mối giáp ranh giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm, mua các nhu yếu phẩm như mì chính, dầu xà lách, bột xì dầu, thuốc tây, giấy in, vở học sinh.... Tất cả phải triển khai cùng lúc với việc phát hành giấy triệu tập giáo sinh các tỉnh duyên hải Trung Trung bộ về tựu trường.
Giáo sinh là người có trình độ bán phần, toàn phần tú tài, xuất thân từ gia đình khá giả ở nông thôn, một số ít từ thành phố mới thoát ly tham gia cách mạng. Ngay những ngày đầu ra đi những quý tử này phải vật lộn với chiếc ba lô nặng trịch, nghẹt thở vì leo dốc, ngã sấp vì lội suối, vượt qua sự rình rập của thần chết để đến với cánh rừng thuộc xã Ba lương nằm ở vị trí tiếp giáp giữa bốn huyện Ba Tơ, Đức Phổ- Quảng Ngãi và Hoài Nhơn, An Lão - Bình Định. Đoàn ở tỉnh xa như Quảng Đà, Phú Yên phải vật vã hơn nửa tháng trời mới tới nơi. Giáo sinh vừa đến nơi, cả thầy lẫn trò lao ngay vào núi chặt cây, cắt dây rừng, cắt tranh về làm nhà ở, nhà bếp, hội trường; đào hầm trú ẩn, đào lò “Hoàng Cầm” đủ để nấu cho cả trăm người ăn; đi xuống các xã thuộc vùng giải phóng huyện Đức Phổ, huyện Hoài Nhơn cõng lương thực, thực phẩm về dự trữ cho cả khóa học sáu tháng.
Trong hai năm 1964, 1965 chiến lược chiến tranh “Đặc biệt” của Mỹ ngụy bị phá sản, lính Mỹ đổ bộ vào miền Nam nhưng chưa kịp tiến hành các chiến dịch phản công lấn chiếm. Vùng giải phóng ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, các huyện đồng bằng lân cận như Đức Phổ, Hoài Nhơn vẫn còn rộng lớn, rừng núi Ba tơ khá yên bình. Hai khóa học đầu tiên được tiến hành trôi chảy. Chỉ có một số lần giáo sinh đi xuống Phổ Thạnh, Phổ Khánh, Phổ Quang, Phổ Minh, Phổ Cường, Phổ Ninh... cõng mắm, muối, lương thực gặp địch càn quét, bị pháo kích nhưng không hề hẫn gì...
Bế giảng khóa II, thầy Minh cùng ông Song Thanh về Căn cứ địa Trà My báo cáo tình hình và liên hệ chuẩn bị điều kiện mở khóa III với qui mô lớn hơn hai khóa trước. Lúc này, tôi cũng vừa ở đồng bằng thoát ly lên Tiểu ban Giáo dục Khu, được thầy Minh dẫn vào trường. Chưa tròn mười lăm tuổi, chân tay còn yếu ớt nhưng phải theo thầy vào Ba Tơ.
Chúng tôi đi đường trên mười ngày, đến nơi đã giáp Tết.
Sau tết, Sư đoàn American đổ quân đóng Gò Hội, Phổ Hòa; Núi Giàng, Phổ Minh, tiến hành chiến dịch mùa khô 1965 - 1966.Từ các căn cứ quân sự đóng ở đồng bằng Đức Phổ quân Mỹ tiến quân càng quét vùng giải phóng Nam Quảng Ngãi- Bắc Bình Định. Sợ địa điểm trường bị lộ, chúng tôi phải chạy ra phía Ba Trang, gần cơ quan huyện ủy Đức Phổ. Dựa lưng các đồng chí ở địa phương mà tồn tại. Vài ngày sau địch rút quân, chúng tôi quay về địa điểm cũ. Khóa III bắt đầu với lực lượng giảng viên đầy đủ, chuyên biệt hơn.
Tình hình chiến sự của chiến trường Nam Quảng Ngãi - Bắc Bình Định trở nên ác liệt. Mỹ đổ biệt kích, chốt chặn các cửa khẩu xuống đồng bằng; lùng sâu vào các khe suối tìm diệt cơ quan của ta. Máy bay Đa-cô-ta trút chất đọc hóa học bóc trọc rừng, phá hoại cây lương thực, rau màu, gây cho bộ đội, cán bộ và người dân tộc bản địa đói kém, không còn nơi trú ẩn an toàn... Tuy khó khăn, ác liệt hơn trước nhưng trường vẫn trụ vững. Khóa III bế giảng thắng lợi.
Mùa khô 1966-1967, Mỹ tiến hành chiến dịch “Tìm diệt”, Sư đoàn Không vận số I đánh phá dữ dội các huyện Đức Phổ, Hoài Nhơn và vùng rừng núi Ba Tơ-An Lão. Chúng đổ quân chốt chặn các đồi cao. “Mỹ lết” thường xuyên phục kích ở những nơi hiểm yếu của các ngả đường từ căn cứ xuống các thôn Xuân Thành, Thanh Sơn thuộc Phổ cường; thôn An Đỗ thuộc xã Hoài Sơn; ranh núi các xã Phổ Ninh, Phổ Khánh. Bộ đội, cán bộ, người dân tộc Hre xuống đồng bằng cõng lương thực, thực phẩm bị chúng giết chết quá nhiều.
Thử thách đã xuất hiện sự sàng lọc. Anh Đại, người Phổ Thuận là nhân viên cùng tổ li tô với tôi, bỏ chạy chiêu hồi. Anh ta lên máy bay, quần đảo kêu gọi các thầy giáo đầu hàng để được chính phủ “Quốc gia” trọng dụng. Nếu không sẽ bị tiêu diệt. Liền sau đó, máy bay phản lực nhào xuống đánh bom hủy diệt khu vực trường đóng. Nhưng, thầy Tô Uyên Minh đã lệnh cho tất cả chúng tôi di chuyển trước đó mấy tiếng đồng hồ. Một vài ngày sau, anh Sáu “quản lý” và hai chị ở xã Phổ Quang mới lấy lên để tăng cường bộ phận hậu cần lại có dấu hiệu dao động, chịu không nổi gian khổ, hy sinh. Nắm bắt được tư tưởng của các anh chị, thủ trưởng Minh gần gũi để động viên và hỏi lại để khẳng định chắc chắn nguyện vọng của họ. Cuối cùng ông họp chi bộ quyết định cho phép các anh chị ấy trở về lại quê. Sau khi các anh chị về quê, trường lại tiếp tục di dời đến một địa điểm bí mật khác, đề phòng trường hợp xấu nhất.
Lệnh triệu tập học sinh khóa IV đã được phát đi trước đó mấy tháng. Giáo sinh của 5 tỉnh duyên hải miền Trung, vượt qua bao hiểm nguy đến được trường. Tiểu ban giáo dục Khu tăng cường thêm thầy Nguyễn Hữu Chúng cho tổ tự nhiên và mang ý kiến chỉ đạo của cấp trên vào: Trường phải trụ vững vì nền GD thời chiến của toàn Khu 5. Khóa IV vẫn tiến hành đào tạo trong tình hình hết sức căng thẳng.
Lính Mỹ chốt chặn mọi ngả đường. Các đơn vị bộ đội ở xung quanh khu vực, như Trường Quân chính Khu 5; Trường y tế, Trung đoàn Quyết tâm thuộc Sư đoàn Sao vàng (Sư đoàn III) đã di dời sâu về phía An Lão. Trường Sư phạm nằm trong thế cô lập, không thể liên lạc với tỉnh và huyện. Trường lại ở rất xa trung tâm đầu não Khu 5, trong tình thế này Thủ trưởng Minh cùng với Chi bộ gồm 7 đảng viên phải chủ động quyết định sự sống còn của cả học viên và cán bộ nhà trường. Lệnh cấp gạo đã hết, nếu còn cũng không thể lấy gạo được. Vì, thoát thân ra khỏi vòng vây đã rất khó, huống chi còn mang gùi gạo nặng trịch trên lưng, địch kê súng vào tai cũng không hay biết. Chất độc hóa học đã hủy hết các rẫy sắn, rau rừng.... Người Hre, chủ nhân rừng núi, nhưng không thể tìm ra cái ăn. Nóc ông Thanh, nóc ông Bui, làng Đak-hoành, dân chết vì đói, vì đau, vì bom, vì Mỹ phục kích, tập kích vắng cả người...
Thầy trò trường Sư phạm trung cấp miền Trung Trung bộ kiên cường trụ bám. Hầm trú ẩn được đào ngay cạnh giảng đường. Các tổ tự vệ của giáo sinh, thay phiên cảnh giới. Nghiệt nỗi, trường học thì làm chi được trang bị vũ khí. Cả trăm con người, chỉ có vài khẩu CKC, không thể đánh đấm được. Nếu địch mò tới, ta phải chạy lánh theo kiểu có tổ chức mà thôi.
Tính mạng của gần một trăm con người đang bị đe dọa từng giờ, từng phút. Sự chịu đựng không thể là vô hạn. Hy sinh không thể bằng mọi giá. Trong thời buổi chiến tranh thì giết giặc để giữ vững phong trào cách mạng; giữ vững trận tuyến là sứ mệnh hàng đầu. Phát triển giáo dục cũng quan trọng, nhưng phải được đặt trong điều kiện nào. Không thể máy móc giữ vững nhà trường, thực hiện kế hoạch đào tạo mà tổn thất quá nhiều xương máu. Ngày 19 tháng 5 năm 1967, Chi bộ nhà trường họp khẩn cấp, phân tích kỹ tình hình, quyết định mở ngay đường máu, đưa toàn bộ học viên và cán bộ ra khỏi vòng vây, đi về phía rừng rậm ở hướng dốc Cây Muối. Từ đây, thầy Tô Uyên Minh phát lệnh ngưng đào tạo khóa IV. Giáo sinh của các tỉnh chia tay, theo các trạm giao liên, lần tránh địch, trở lại quê nhà. Thầy trò từ biệt nhau giữa Trường Sơn mà không dám hẹn ngày gặp lại. Ngay trong chuyến này, giáo sinh có về được quê nhà hay không, làm sao biết được. Quả vậy, đoàn Quảng Nam, Quảng Đà mới đi được một ngày đường, đến Vực Liêm thuộc xã Phổ Phong thì bị Mỹ phục kích, một đồng chí hy sinh.
Sau khi giáo sinh Khóa IV phân tán về địa phương, chiến tranh ngày càng vô cùng ác liệt, khói lửa bời bời, các trường cấp II trên toàn Khu 5 không thể tồn tại được. Sứ mệnh của Trường Sư Phạm Trung cấp miền Trung Trung bộ giai đoạn 1964- 1967 cũng được kết thúc tại thời điểm này. Mãi tới năm 1973, sau khi Hiệp định Pari ký kết, chiến sự dịu bớt, cũng trong khu rừng Ba Trang giáp giới với Ba Lương, trường Sư Phạm Trung cấp miền Trung Trung bộ giai đoạn II lại được thành lập, do thầy Hòa làm Hiệu trưởng. Trường tồn tại đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Kết thúc cuộc chiến, thầy Tô Uyên Minh may mắn còn khỏe mạnh. Ông đã nhiều lần đứng ra chủ trì họp mặt giáo sinh trường cũ. Ông bùi ngùi nêu lên con số 50% thầy trò của trường do ông làm Hiệu trưởng năm xưa đã chết trong cuộc chiến. Về giáo sinh thì Quảng Nam 39 người, hy sinh 22 người; Quảng Đà 32 người, hy sinh 17 người; Quảng Ngãi 55 người, hy sinh 23 người; Bình Định 33 người, hy sinh 15 người; Phú Yên 6 người, hy sinh 4 người. Về thầy giáo của nhà trường có 8 người thì đã hy sinh 4 người. Chiến tranh đã lùi xa, bây giờ chúng ta không thể hiểu hết, nói hết được nỗi nhọc nhằn, sự hy sinh của thầy và trò Trường Sư phạm Trung cấp Sư phạm miền Trung Trung bộ và nhiều nhà giáo khác là chiến sĩ cách mạng thời ấy…
Phạm Thông