Một ngày Tú Lệ

GD&TĐ - Qua đèo Khau Phạ tính đường đi từ Mù Cang Chải (Yên Bái) là đến Tú Lệ.

Một ngày Tú Lệ

Con dốc ôm võng và thôn xóm ven đường, cuộc sống bình dị dẫu nơi này nức tiếng vì khách du lịch sau khi đi Mù Cang Chải, đều đến ở lại.

Hệ thống nhà nghỉ ở đây rất ít và thiếu tiện nghi, tỉ dụ như chúng tôi ở một khách sạn ngay trung tâm, tận tầng 5 nhưng không thang máy, vòi sen bị hỏng, không có kênh truyền hình và cửa phòng không chốt chặn được. Khách sạn như thế nhưng khách không kêu ca bởi chạm đến Tú Lệ đã là niềm vui.

Một ngày Tú Lệ ảnh 1

Tú Lệ là một xã của huyện Văn Chấn, được biết đến bởi nằm giữa lòng ba dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán và một thứ đặc sản: Cốm Tú Lệ.

Thật ra thì mùa cốm chỉ có hai tháng 9 và 10, khi 3.000 ha lúa nếp trong cánh đồng mênh mông này bắt đầu thu hoạch, và tạo ra cốm, nếp Tú Lệ và gạo ngon. Đặc điểm ở đây nữa chính là sự hồn nhiên rất kỳ lạ của những người Thái đang sinh sống ở đây.

Không quán cà phê sang trọng hoặc sân vườn, chẳng có nhà hàng đặc sản và không có cảnh những cảnh chèo kéo khách, Tú Lệ mộc mạc và yên bình đến độ cho người đến có cảm giác như đang trở về nhà.

Một ngày Tú Lệ ảnh 2

Và như giới thiệu của người địa phương, chúng tôi lần mò đi vào làng đang trong mùa thu hoạch lúa, băng qua cây cầu treo bắc qua con suối nước nóng bản Cỏ Cọi, đây chính là sự ưu đãi của thiên nhiên cho người dân.

Đây là dòng suối nước nóng khá độc đáo, bắt nguồn từ suối Cái, chảy dọc theo thung lũng Nâm Cái và lộ thiên bên cạnh những cánh đồng ở Tú Lệ. Nước nóng tự nhiên ấy hào phóng ban tặng cho tất cả người dân…

Tú Lệ có cả một cánh đồng lúa rộng mênh mông, dăm chỗ cũng trải dài bậc thang, nhưng đa phần ở vị trí đồng bằng. Ruộng lúa chen cùng những ngôi nhà của người dân. Dạo quanh đồng lúa mỏi cả chân, chúng tôi lại thong dong đi trên con đường qua Tú Lệ dài hơn 2 km.

Một ngày Tú Lệ ảnh 3

Việc dạo chơi của du khách chủ yếu ngắm những hộ dân đem lúa nếp ra chế biến cốm, tạo cảm giác kích thích người đi tham quan. Vì ở đây đôi khi chỉ có khách vào mùa cốm, hoặc tạm nghỉ sau khi đi Mù Cang Chải, nên khách cứ nhìn ngắm, còn các nhà dân cứ tạo ra sản phẩm.

Một người dân giải thích là 4 giờ chiều mới bắt đầu giã cốm. Cốm là loại lúa nếp vừa ngâm sữa, đem ngâm nước để loại tạp chất, sau đó rang trên chảo gang bằng lửa củi khoảng 20 phút. Sau khi rang xong, hạt lúa sẽ được đem đi xay xát cho bong vỏ, rồi sàng sẩy ra cốm.

Công đoạn cuối thu hút khách chính là giã cốm. Gần như hơn một nửa nhà dân ở đây đều treo bảng bán cốm, nếp và gạo địa phương. Giá cốm là 120 nghìn đồng/1 kg, nếp là 40 nghìn đồng/1 kg và gạo là 28 nghìn đồng/1 kg.

Tất nhiên là khách luôn tò mò khi nhìn một người cứ lấy chân đạp cái chầy giã cốm theo kiểu đòn bẩy, một người cứ trộn bằng tay, cốm giã dẹt thì đem ra sàng sẩy. Khách có thể ăn thử, giã cốm thử mà không mua cũng nhận được nụ cười vui.

Mua cốm là chuyện rất hiển nhiên, mua thêm nếp cũng là hiển nhiên, bởi rõ ràng đây là sản vật quý ở Tú Lệ, mà một lần ghé đến, mua đem về làm quà là chuyện không thể không làm.

Một ngày Tú Lệ ảnh 4

Cốm mua được đóng bao, hút chân không và dán nhãn rất gọn gàng. Hỏi người dân ở đây là nguồn giống nếp ở đây từ đâu? Họ kể chuyện có từ những ngày khai hoang lập làng đầu tiên, rồi cứ thế mà tạo thành. Để buổi sáng khi rời Tú Lệ, vào quán ăn sáng chỉ có hai món: Bánh mì pa tê và xôi muối vừng.

Bà chủ dọn một đĩa xôi trắng, thêm chén muối vừng, dặn dùng tay bóc xôi mà ăn. Ăn sáng chỉ vậy thôi mà thật ngon. Thì ra sống trong cái dân dã, như ở Tú Lệ và nếm hương vị hạt nếp được tạo thành từ cánh đồng tuyệt đẹp hiền hòa kia, đã là một điều mãi nhớ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ