Học sinh Trường tiểu học Trà Trung (Tây Trà). |
(GD&TĐ) - Nên có một hay nhiều bộ SGK, đó vẫn là những tranh luận làm “nóng” nhiều diễn đàn. Trong đó, không ít ý kiến nghiêng về quan điểm “một chương trình, nhiều bộ sách” bởi đó là cách nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, tạo ra sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng của SGK.
Nhiều bộ sách nếu chương trình đủ chi tiết, tường minh
Năm 2003, Trung Quốc tiến hành cải cách chương trình SGK Lịch sử. Trong cuộc cải cách lần này, SGK Lịch sử ở Trung Quốc có một bước cải tiến rất lớn, từ hình thức “nhất cương nhất bản” (một chương trình, một bộ sách) chuyển thành “nhất cương đa bản” (một chương trình, nhiều bộ sách), phá bỏ thế độc quyền của một nhà xuất bản (Nhà xuất bản Giáo dục nhân dân), đồng thời tạo ra cơ chế cạnh tranh để nâng cao chất lượng SGK Lịch sử.
Ngoài ra, còn có thể kể đến Hàn Quốc, Bộ Giáo dục giao quyền cho các công ty tư nhân tổ chức biên soạn và in ấn, phát hành SGK, trừ một số môn, trong đó có môn tiếng Hàn. Phần Lan giao cho các NXB tổ chức viết SGK, tác giả SGK có thể là giáo viên phổ thông. Ở các cơ sở giáo dục, thậm chí giáo viên có quyền chọn SGK để dạy học. SGK được các NXB tổ chức in phù hợp với chương trình đã được công bố.
Trước hai phương án: một chương trình nhiều bộ SGK hay thống nhất cả nước chỉ có một bộ, quan điểm của GS Đinh Quang Báo là phương án nào cũng có mặt mạnh mặt yếu. Bởi, mỗi phương án chỉ tối ưu cho một bối cảnh tương ứng với các điều kiện nhất định của thực tiễn nhà trường phổ thông.
Phương án này cũng đòi hỏi một sự mô tả “chuẩn” đầu ra của kết quả học tập. Nghĩa là nó đủ tường minh để xây dựng các bộ công cụ kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan, công bằng và chính xác. Ngoài ra, việc này còn đòi hỏi một cơ chế quản lí tự chủ, tự chịu trách nhiệm với chất lượng và sản phẩm đào tạo theo yêu cầu của xã hội của các cấp quản lí giáo dục, đặc biệt là của từng nhà trường phổ thông.
Tuy nhiên, với những yêu cầu trên đây, hiện tại nhà trường phổ thông của Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng được. Vì vậy, GS Đinh Quang Báo cho rằng, phải có một bước quá độ tiệm cận đến phương án một chương trình nhiều bộ SGK.
Phải có bước quá độ
Nghiên cứu, thiết kế bộ chương trình giáo dục ở các cấp độ theo một hệ thống tổng thể, bảo đảm có cấu trúc chi tiết thể hiện tường minh mục tiêu, nội dung, phương pháp và điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đặc biệt là chuẩn đầu ra phải được thể hiện bằng các tiêu chí cụ thể thông qua những hành động quan sát được, đánh giá được. Đó là một trong những biện pháp theo gợi ý của GS Đinh Quang Báo ở bước quá độ, tiệm cận phương án một chương trình nhiều bộ sách.
Song song đó, cần tổ chức tốt việc biên soạn các tài liệu bổ trợ trực tiếp cho hệ thống SGK, sao cho SGK và các tài liệu này bổ sung, hoàn thiện các chức năng cung cấp kiến thức và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy và học cho nhau.
Điều này tạo điều kiện cho sự đa dạng về ý tưởng và tận dụng được kinh nghiệm và sáng tạo từ nhiều nguồn. Cũng rất cần khuyến khích cá nhân giáo viên, tập thể sư phạm từng trường, từng huyện, sở, cụm trường liên kết biên soạn các tài liệu bổ trợ.
Nếu đó là kết quả nghiên cứu thực tiễn thật sự có giá trị thì cần có chính sách khuyến khích và xem đó là nguồn tài liệu để lựa chọn.
“Nên hiểu rằng, trong thực tiễn hiện nay, một số giáo viên và học sinh đã có thói quen sử dụng nhiều sách của nhiều tác giả để dạy học, đặc biệt để ôn tập luyện thi.
Chương trình và SGK chính thống lại không phân hóa vùng miền và đối tượng học sinh khác nhau, nhưng các tài liệu bổ trợ, tham khảo thì có thể và cần đáp ứng yêu cầu này” - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, để thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách, Bộ GD&ĐT cần biên soạn chương trình chuẩn cho tất cả các môn học. Sau khi đã có chương trình khung chuẩn nên cho phép nhiều cơ quan, tổ chức, nhóm tác giả, thậm chí là cá nhân được phép đăng kí biên soạn sách. Thành phần tham gia biên soạn cần đa dạng.
Cũng đồng tình quan điểm một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK và Bộ GD&ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định SGK và cho phép sử dụng nếu đảm bảo chất lượng, GS. TS Nguyễn Lộc (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) lưu ý, số bộ SGK không nên quá nhiều, có thể biên soạn các bộ SGK theo 3 vùng: vùng đô thị, vùng nông thôn và vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Thông tin từ ông Ngô Trần Ái - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, hiện nay NXB Giáo dục đang chuẩn bị 3 tài liệu sách. Một bộ sách sẽ chuẩn bị làm lại theo chương trình mới; Một bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Thứ 3 là tài liệu Vật lý làm thử tại TP HCM do NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở GD&ĐT TP HCM thực hiện. Tài liệu này nghiên cứu theo vùng miền, làm sát với yêu cầu giáo dục của thành phố và sau thí điểm môn Vật lý sẽ đến môn Hóa học.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh HIển khẳng định: Việc có nhiều bộ SGK hay không sẽ tùy theo điều kiện phát triển của chúng ta, nhưng thế nào thì Nhà nước cũng phải có một bộ SGK để có thể ổn định chắc chắn cho việc dạy và học.
“Nên hiểu rằng, trong thực tiễn hiện nay, một số giáo viên và học sinh đã có thói quen sử dụng nhiều sách của nhiều tác giả để dạy học, đặc biệt để ôn tập luyện thi. Chương trình và SGK chính thống lại không phân hóa vùng miền và đối tượng học sinh khác nhau, nhưng các tài liệu bổ trợ, tham khảo thì có thể và cần đáp ứng yêu cầu này” - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh. |
Hải Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|