Một điểm sáng tổ chức thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Hôm nay (8/7), Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 chính thức khép lại. Bà Rịa- Vũng Tàu được Bộ GD&ĐT xem là điểm sáng với nhiều dấu ấn.

Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh
Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh

Điểm sáng trong công tác tổ chức

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trên cả nước đã ghi nhận số lượng thí sinh vi phạm quy chế tăng vọt, cao gấp 3 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, tại tất cả 23 điểm thi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không có bất cứ cán bộ coi thi, thí sinh nào vi phạm quy chế và đã được Đoàn thanh tra công tác coi thi của Bộ GD&ĐT đánh giá là điểm sáng.

Thành công này theo bà Bà Trần Thị Ngọc Châu- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến từ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, nhân sự cho tới công tác tuyên truyền cho kỳ thi của UBND tỉnh và ngành giáo dục.

Bà Châu cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 12.737 thí sinh tham dự gồm thí sinh THPT, hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do. Số cán bộ tham gia công tác cho kỳ thi khoảng gần 2.000 người. Tuy vậy, do Vũng Tàu là địa phương có quy mô trường lớp khang trang, hiện đại, rộng rãi, thuận lợi cho việc triển khai các quy định mới của Bộ GD&ĐT trong công tác tổ chức thi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lựa chọn đội ngũ làm công tác thi một cách rất kỹ càng, nhất là nhân sự trong các khâu trọng yếu.

“Đây đều là những người có trình độ chuyên môn, có năng lực, phẩm chất, có khả năng kiểm soát tình hình và xử lý tình huống tốt nhất. Đội ngũ làm công tác thi cũng đã được tập huấn kỹ các quy chế, quy định của kỳ thi để thực hiện một cách nghiêm túc. Để kỳ thi năm nay diễn ra an toàn, nghiêm túc phải nói đến hiệu quả của công tác tuyên truyền về kỳ thi, giúp cho đội ngũ làm công tác thi cho tới phụ huynh, thí sinh có được nhận thức đúng đắn để không xảy ra vi phạm”- bà Châu nói.

Và tất nhiên, đóng góp vào thành công của kỳ thi, không thể không nói tới sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban Chỉ đạo thi các huyện, thị xã, thành phố, Tỉnh Đoàn, Công an, Y tế, Điện lực... Điều này đã giúp cho công tác tổ chức kỳ thi diễn ra thuận lợi, thí sinh được tạo điều kiện tốt nhất để tham dự kỳ thi quan trọng này. Nhiều thí sinh đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời để bước vào kỳ thi với tâm thế thoải mái, tự tin. Cùng với đó, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của Đoàn thanh tra công tác coi thi của Bộ GD-ĐT, góp phần ngăn ngừa vi phạm trong công tác coi thi.

Bà Trần Thị Ngọc Châu- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu động viên thí sinh trước giờ làm bài thi

Bà Trần Thị Ngọc Châu- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu động viên thí sinh trước giờ làm bài thi

Bước vào thực hiện công tác chấm thi ngay

Để đảm bảo tiến độ thời gian, bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết: Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT sẽ do hội đồng thi của tỉnh thực hiện sau hôm nay khoảng 3 ngày.

Chiều 8/7, công tác tổ chức thi hoàn tất thì tới sáng 9/7, Ban chấm thi đã làm việc với thanh tra Bộ GD&ĐT, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ. Ngày 11/7, Hội đồng họp Ban chấm thi tự luận, ngày 12/7 triển khai chấm cả bài thi tự luận và trắc nghiệm. Dự kiến, ngày 19-20/7, Hội đồng thi của tỉnh sẽ hoàn thành khâu chấm thi và báo cáo về Bộ GD&ĐT. Ngày 24/7, kết quả thi sẽ được công bố theo kế hoạch chung của Bộ.

“Tổng số bài chấm tự luận là 12.565 bài; tổng số bài chấm trắc nghiệm là 60.197 bài. Hội đồng thi đã thành lập Ban Chấm thi tự luận để chấm bài thi môn Ngữ văn gồm 128 cán bộ, giáo viên và Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm 18 người. Tham gia trực tiếp công tác chấm thi còn có 22 thành viên Ban Thư ký, 24 thành viên tổ làm phách vòng 1 và 10 thành viên tổ làm phách vòng 2. Ngoài ra, còn có khoảng 35 chiến sĩ công an, nhân viên bảo vệ, y tế, phục vụ hỗ trợ công tác chấm thi”- bà Châu cho biết.

Nhằm bảo đảm sự khách quan, trung thực trong công tác chấm thi, từ khu vực lưu trữ bài thi cho tới các phòng chấm đều có sự giám sát chặt chẽ, liên tục của lực lượng Công an, Thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra Sở GD&ĐT và hệ thống camera giám sát 24/24. Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ dữ liệu (ổ cứng/thẻ nhớ) của camera được niêm phong dưới sự chứng kiến của Trưởng ban Chấm thi tự luận/trắc nghiệm, công an, thanh tra và được Giám đốc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ.

Đặc biệt, việc làm phách được thực hiện 2 vòng độc lập. Trong đó, đội ngũ làm phách vòng 2 phải cách ly triệt để cho tới khi hoàn thành việc chấm thi tự luận. Trước khi triển khai chấm tự luận, Ban chấm thi tự luận đã họp để hướng dẫn quy trình chấm thi, phân công nhiệm vụ, nhận hướng dẫn chấm thi, đáp án để nghiên cứu; đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, hướng dẫn chấm, phiếu chấm, các biểu mẫu tổ chức chấm thi. Cán bộ, giáo viên chấm thi học đáp án để chấm một cách công bằng, khách quan. Mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập. Vì vậy công tác chấm thi về nguyên tắc là vô cùng chặt chẽ và an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ