(GD&TĐ) - Gần mười năm dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật, nhất là trẻ bị chậm phát triển trí tuệ và HS yếu, cô giáo Trương Thị Thu Thủy (GV Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - Q. Hải Châu - TP Đà Nẵng) tâm sự: “Điều khó khăn nhất của những GV đứng lớp với đối tượng HS này là phải làm sao để các em hứng thú với việc đến lớp. Muốn vậy phải kiên trì, nhẫn nại, xuất phát từ tấm lòng của giáo viên”.
Mẹ của em ở trường…
Cho đến bây giờ, cô giáo Trương Thị Thu Thủy vẫn không quên được học sinh V - HS khuyết tật dạng chậm phát triển trí tuệ. Học lớp ba nhưng V. lớn hơn các bạn cùng lớp rất nhiều, nếu đi học đúng độ tuổi thì lúc ấy V. phải đang theo học lớp bảy. Trong giờ học, đôi lúc em còn la hét, học hay chơi là tùy thích, thậm chí còn rất hay đánh, cắn bạn.
Có lần, khi cô giáo bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào cô giáo, riêng em V. chui xuống gầm bàn chơi con quay. “Mình làm như chưa nhìn thấy em, cứ hỏi bâng quơ bạn V. lớp mình đi đâu rồi nhỉ rồi cho cả lớp ngồi xuống. Mình đi xuống chỗ của V., nhặt con quay đặt lên bàn. Bỗng dưng V. khóc to lên. Lúc này mà cô giáo chỉ cần mất bình tĩnh hoặc nổi nóng thì tình hình sẽ rất xấu. Mình cùng ngồi xuống với em, nhỏ nhẹ bảo với V. là nếu hôm nay V. ngoan, học tốt thì giờ ra chơi, cô sẽ cùng chơi con quay với V. Con quay vẫn là của V., nhưng nếu để ở bàn V. thì chật quá, không có chỗ để sách vở, cô sẽ để tạm lên bàn của cô. V. thôi không khóc nữa và ngồi vào chỗ để học” - cô Thủy kể.
Giữ lời hứa, giờ ra chơi, cô Thủy cùng chơi quay với V. thật, và “cô toàn thua thôi” nên học sinh phấn khởi lắm. Cô cũng tranh thủ “tâm sự” với trò nên chơi vào lúc nào, giờ học thì cần phải thế nào”. Và đều đặn giờ ra chơi nào cô Thủy cũng cùng chơi với V., lúc thì chơi xếp hình, chơi bi… những trò chơi hạn chế sự kích động của em. Hôm nào V. có những biểu hiện không tốt, cô giáo lại gọi ra nhắc nhở riêng và phạt bằng cách không chơi cùng với em nữa. V. tiến bộ dần, bớt đánh bạn, giờ học cũng tập trung hơn. Giờ thì V. đã là học sinh lớp 7, vẫn còn giữ liên lạc với cô giáo, có thành tích nào mới, cho dù nhỏ, cũng đều gọi điện khoe với cô.
Nguyên là giáo viên dạy Văn bậc THCS, sau mười năm vào nghề, khoảng năm 1990, cô giáo Trương Thị Thu Thủy xin chuyển về dạy ở trường tiểu học gần nhà để tiện chăm sóc con nhỏ. “Mới đầu mình cũng nản lắm. Đang quen với nếp dạy của bậc THCS, giáo viên không mất nhiều thời gian cho việc ổn định nề nếp, chủ yếu là cung cấp kiến thức cho học sinh. Giờ dạy tiểu học, mọi thứ hoàn toàn khác. Ngoài kiến thức của môn học, giáo viên còn phải giáo dục tất cả các mặt, đặc biệt là nề nếp. Học sinh cái gì cũng hỏi, việc gì cũng thưa cô.
Kiến thức, phương pháp thì có thể tìm tòi, học hỏi qua sách vở, qua dự giờ thăm lớp nên mình cũng ít lo, nhưng còn duy trì nề nếp của học sinh… Mình xác định mình phải là một người mẹ thật sự của HS, dạy cho các em từng tí một, từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, thưa gửi, cách giữ gìn vệ sinh… Nếu không có tình thương, sự kiên trì, nhẫn nại và tỉ mỉ thì không thể làm được” - cô Thủy tâm sự rất chân thành.
Cô giáo Trương Thị Thu Thủy |
Dạy học theo nhóm đối tượng
Cũng năm học 2009 - 2010, ngoài V., lớp 3/1 của cô giáo Trương Thị Thu Thủy còn có một HS học rất yếu. Bài khảo sát chất lượng đầu năm học, ở môn Tiếng Việt, cả hai em đều viết sai hơn 15 lỗi, không viết hoa tên riêng, không biết trình bày một đoạn văn, câu văn lủng củng, GV không thể hiểu được em muốn nói gì qua đoạn văn. Chất lượng bài làm môn Toán cũng không khá hơn bao nhiêu: Kỹ năng tính toán chậm, sai nhiều, kể cả phép tính cộng, trừ đơn giản, không biết giải toán có lời văn, khả năng nhận biết hình yếu.
Qua nắm bắt và phân tích kết quả học tập của năm học trước, kết hợp với việc tiếp xúc với gia đình, tìm hiểu đặc điểm tâm lý của từng em, cô Trương Thị Thu Thủy đã lập hồ sơ và xây dựng kế hoạch riêng để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ hai HS này.
Trong các tiết học, GV bắt đầu có sự điều chỉnh, xây dựng nội dung kiến thức, hệ thống bài tập riêng cho hai HS này, theo mức độ tăng dần độ khó, phù hợp với khả năng của từng em. Cô Thủy cũng chú trọng đến bài tập nhằm phát triển trí tuệ, khả năng vận động và kỹ năng giao tiếp đối với em HS khuyết tật. Những HS này thường hay quên nên phải thường xuyên củng cố bài học cho các em và cho HS nhắc đi nhắc lại kiến thức đã học nhiều lần.
Theo như cô Thủy nếu giao việc vượt quá khả năng của các em thì sẽ tạo tâm lý chán nản, sợ không dám nhận nhiệm vụ được giao lần sau. Để khích lệ hai HS này, cô giáo thường ưu tiên cho các em trả lời trước lớp những câu hỏi hay bài tập tương đối dễ và luôn được cô giáo khen ngợi, tuyên dương trước lớp trước mỗi tiến bộ của các em. Hằng ngày, ngoài giờ học chính khóa, cô giáo Thủy đều dành khoảng 30 phút sau giờ tan học để phụ đạo thêm cho hai HS này. Nhờ vậy, cuối năm học, học lực của hai HS này đều vươn lên đạt mức trung bình, biết tự làm bài tập một cách tự tin hơn.
Cô Trương Thị Thu Thủy tâm sự: Học sinh càng yếu thì mình càng thương, bởi các em thiệt thòi nhiều so với các bạn. Thế nên, trong suốt những năm tháng dạy học, cô Thủy luôn quan niệm dạy làm sao để học sinh hiểu chứ không phải chỉ cốt dạy cho hết bài.
Hà Nguyên