(GD&TĐ) - Sáng nay 06/06/2012 tại Hà Nội, đông đảo các đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế: Đại Sứ Quán Hà Lan, WHO, MSH/SPS/SCMS, Quỹ Pierre Fabre tại Cộng hòa Pháp, diện các trường đại học đến từ các nước Hà lan, Thái lan… và đại diện Bộ, ngành hữu quan, các Vụ, Cục, các nhà khoa học của các Viện, Bệnh viện, Trường và Hội nghề nghiệp của ngành Y tế Việt Nam đã tham dự Hội Thảo Tổng kết dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo dược sỹ lâm sàng tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về sử dụng thuốc, an toàn, hợp lý, hiệu quả của cộng đồng” được tổ chức bởi Trường Đại học Dược Hà Nội.
Chuyên gia Dược lâm sàng, có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiêu quả không những cho người bệnh, cho cộng đồng mà còn cho cả thầy thuốc |
Theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Hòa - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Quản lý và Điều Hành, Trường Đại học Dược Hà Nội: Hiện nay trong khu vực và trên thế giới, vai trò của người dược sỹ đang có những thay đổi lớn, nhanh chóng để đáp ứng được yêu cầu của hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại. Dược sĩ ngày nay được cộng đồng đòi hỏi như là chuyên gia về thuốc – chuyên gia về dược lâm sàng, có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiêu quả không những cho người bệnh, cho cộng đồng mà còn cho cả thầy thuốc. “Dược lâm sàng” là ngành học ra đời nhằm đào tạo loại hình nhân lực dược đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội hiện đại đối với công tác y tế. Người dược sĩ làm công tác dược lâm sàng sẽ là người thực hiện vai trò tư vấn cho thầy thuốc, giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị, đồng thời thực hiện vai trò cung cấp thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn cho cán bộ y tế và cho người bệnh.
Dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo dược sỹ lâm sàng tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về sử dụng thuốc, an toàn, hợp lý, hiệu quả của cộng đồng” được tài trợ bởi Chương trình tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông với tổng kinh phí khoảng 2,2 triệu Euro. Sau 4 năm triển khai (2008 – 2012), Dự án đã mang lại cho các trường đào tạo Dược của Việt nam: Một khung chương trình đào tạo dược sĩ, dược sĩ lâm sàng cập nhật và hiện đại; Một môi trường và phương tiện học tập hiện đại, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy trình độ cao; Đào tạo một số lượng lớn cán bộ tại Hà Lan, Thái Lan và Việt Nam với các nội dung: đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đào tạo ngắn hạn về phương pháp giảng dạy tiên tiến, phân tích ca lâm sàng dựa trên y học bằng chứng và quản lý đào tạo; xây dựng được các bộ công cụ đánh giá công tác kiểm định chất lượng đào tạo; Một hệ thống CSDL về thông tin thuốc về ca lâm sàng được biên soạn hỗ trợ cho công tác đào tạo dược sĩ lâm sàng.
Cần đặc biệt tăng cường đào tạo cho sinh viên dược về tư vấn sử dụng thuốc an toàn hợp lý, hiệu quả |
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y Tế Việt Nam đã đánh giá cao những giá trị đem lại của Dự án, đây cũng là những quan tâm hàng đầu của Việt Nam, ông nói: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dược đối với sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng “Chiến lược phát triển ngành Dược giai đoạn đến 2020” và “Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam”. Trong các chính sách, chiến lược này, vấn đề sử dụng thuốc an toàn hợp lý luôn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, và công tác đào tạo nhân lực dược, đặc biệt tăng cường đào tạo cho sinh viên dược về tư vấn sử dụng thuốc an toàn hợp lý, hiệu quả, các chức năng/ nhiệm vụ của dược sĩ lâm sàng, luôn được coi là giải pháp mang tính chiến lược và cấp thiết.
Hội thảo đã mang lại cho các trường và các cấp quản lý của Việt nam một cách tiếp cận mới, một cái nhìn tổng thể về chương trình giáo dục toàn diện; một môi trường và phương tiện dạy học hiện đại…. Kết thúc Hội thảo, tất cả các đại biểu tham dự đều đồng thuận cho rằng “Liên kết và hợp tác là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của một hệ thống đào tạo toàn diện và cập nhật”.
Yên Thúy