Mong "sóng" phủ vùng khó để phát triển giáo dục

GD&TĐ - Để phát triển giáo dục mầm non vùng khó thầy, cô giáo mong rằng đường sá sẽ được đầu tư nhiều hơn. Bên cạnh đó, mong sóng điện thoại đến với vùng sâu, vùng xa để học sinh được tiếp cận thiết bị học tập tiên tiến.

Giáo viên và học sinh Trường mầm non xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum).
Giáo viên và học sinh Trường mầm non xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum).

Đầu tư nhiều hơn về đường sá

Đề án phổ cập giáo dục mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập Giáo dục Mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi đang được Bộ GD&ĐT gấp rút triển khai xây dựng. Theo đó, quan điểm được đưa ra là Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển GDMN. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển GDMN, tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất đối với GDMN. Đồng thời phát triển đội ngũ và đào tạo giáo viên mầm non, ưu tiên đầu tư cho các cơ sở GDMN công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục. Việc chăm lo để mọi trẻ em mẫu giáo được đến trường, lớp mầm non là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa với trách nhiệm hơn của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển GDMN.

Trước quan điểm trên, cô Đỗ Thị Hồng Nở, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) rất vui và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cô Nở cho biết, hiện tại trường có 12 điểm được đặt tại 10 thôn trên địa bàn xã. Trong đó, điểm trường thôn Đăk Bối và Ngọc Lâm là xa và khó khăn nhất. Đặc biệt vào mùa mưa, giáo viên và học sinh rất khó khăn khi di chuyển.

Theo cô Nở, các em học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống người dân khó khăn nên các em nhỏ vô cùng thiếu thốn, đặc biệt vào mùa đông học sinh không có đủ áo ấm khi đến trường.

“Bữa cơm trưa của học sinh nơi đây được đủ đầy hơn nhờ sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền. Tuy nhiên, đường sá đi lại khó khăn, cách trở, đặc biệt vào mùa mưa bão. Có những điểm trường giáo viên phải đi gần 2 tiếng đồng hồ hoặc ngày mưa bão phải lội bộ vài km để đến lớp. Do điều kiện về cơ sở vật chất và nhiều điểm trường xa xôi nên nhà trường không thể tổ chức nấu cơm trưa cho học sinh. Chính vì vậy, số tiền các em được hỗ trợ, nhà trường bàn giao lại cho phụ huynh để gia đình chủ động chuẩn bị cơm cho con em mình”, cô Nở tâm sự.

Cô Nở mong muốn Nhà nước quan tâm, đầu tư sửa chữa, làm mới đường sá để giáo viên và học sinh thuận lợi hơn trong việc dạy – học. Bởi khi đường sá thuận lợi thì nhà trường mới có thể xây dựng phương án, tổ chức nấu cơm trưa cho học sinh. Từ đó, đảm bảo dưỡng chất để các em học tập và phát triển toàn diện.

Mong sóng điện thoại được phủ khắp vùng khó khăn

Giáo viên sáng tạo, làm đồ dùng, đồ chơi... cho trẻ để giúp các em phát triển.
Giáo viên sáng tạo, làm đồ dùng, đồ chơi... cho trẻ để giúp các em phát triển.

Để học sinh vùng khó khăn được học tập, phát triển và tiếp cận kiến thức nhanh chóng, cô Đỗ Thị Hồng Nở mong rằng Nhà nước, các cấp chính quyền đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Theo cô Nở, trong những năm qua, các trường vùng khó luôn được quan tâm, tuy nhiên nhiều thiết bị dạy học đã hư hỏng, xuống cấp. Chính vì vậy, giáo viên mầm non phải chủ động làm đồ dùng, đồ chơi để thu hút các em. Tuy nhiên, những vật dụng tự làm vẫn còn hạn chế và chỉ sử dụng tạm thời. Do đó, bản thân cô Nở và giáo viên mong muốn các trang thiết bị dạy học sẽ được bổ sung, cấp mới để nâng cao chất lượng dạy học.

“Hiện tại tivi đã được cấp khoảng 50% về các điểm trường. Tuy nhiên, một số khu vực hiện không có sóng điện thoại. Chính vì vậy, nhà trường mong rằng sóng điện thoại, mạng Internet sẽ sớm được phủ đến những khu vực khó khăn. Từ đó, học sinh sẽ thuận lợi khi tiếp cận trang thiết bị dạy học tiên tiến”, cô Nở bộc bạch.

Đặc biệt, cô Nở mong rằng sẽ có chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ giáo viên vùng khó. Bởi hiện nay đường sá đi lại rất khó khăn, nhiều giáo viên phải mang cơm theo khi đi dạy hay lội bộ để đến trường vào mùa mưa bão. Chính vì vậy, việc quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên rất quan trọng và cất thiết để động viên, khích lệ thầy cô vượt khó dạy chữ - trồng người.

Tương tự, em Lê Ánh Thuỳ Trang, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Em thấy việc hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn là điều rất cần thiết và quan trọng. Bởi đây là bước đệm đầu tiên và quan trọng tạo tiền đề cho các em phát triển trong những cấp học sau. Chính vì vậy việc quan tâm, ưu tiên phát triển GDMN vùng khó khăn sẽ giúp các em có nền tảng vững chắc về nhận thức, trí tuệ và tinh thần.

“Thực tế như ở làng em đang sinh sống nhiều em nhỏ chưa thực sự hứng thú khi học tập, hạn chế việc đọc - viết. Do đó, em mong rằng sẽ có nhiều sự quan tâm hơn nữa để tạo động lực, giúp các em thực sự thích thú khi học tập. Từ đó, học sinh sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân và học tập tốt để phát triển quê nhà, đất nước”, em Thuỳ Trang bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ