Mong chờ từ cơ sở phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi

GD&TĐ - Từ năm 2018 đến nay, kết quả phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ năm tuổi đã được duy trì. 

Giờ chơi của trẻ Trường Mầm non Họa My, tỉnh Nghệ An.
Giờ chơi của trẻ Trường Mầm non Họa My, tỉnh Nghệ An.

Điều này mang lại niềm tin và là động lực để thực hiện thành công việc phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi giai đoạn mới.

Kế thừa kết quả, bài học kinh nghiệm

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT, thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Quá trình triển khai sẽ kế thừa kết quả, bài học kinh nghiệm của việc thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2021. Đó là những chính sách phát triển GDMN, quy chuẩn, quy định đã được thể chế hóa bằng các nghị định, thông tư; điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ được phát triển theo hướng chuẩn hóa, mạng lưới cơ sở GDMN đang được quy hoạch phù hợp vùng miền.

Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, 29 tỉnh, thành phố trên cả nước có tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt từ 95% trở lên; nhiều tiêu chí xấp xỉ điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Những con số trên đã và đang khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo. Theo đó, mục đích đặt ra không những đáp ứng nhu cầu của cha mẹ trẻ, các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển GDMN.

TS Nguyễn Văn Hiền, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT, cho rằng: Luật Giáo dục 2019 chưa quy định phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo nói chung, lứa tuổi từ 3 - 4 tuổi nói riêng, nên chưa có cơ sở pháp lý để phát triển nội dung này lên một mức độ mới là phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo. Thậm chí, một số tỉnh có điều kiện, tự phát phổ cập GDMN cho trẻ em 4 tuổi, nhưng cũng khó khăn vì không có cơ sở để thực hiện.

Từ những lý do trên, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất ban hành Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố là rất cần thiết. Để đạt được mong muốn này, GDMN cần phải đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường, đặc biệt là khu vực khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị đông dân cư.

Trẻ mầm non ở điểm trường Nà Hắc, huyện Văn Trấn, tỉnh Yên Bái.

Trẻ mầm non ở điểm trường Nà Hắc, huyện Văn Trấn, tỉnh Yên Bái.

Mong muốn và đáp ứng

Để triển khai thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo, theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, bên cạnh kết quả đạt được, còn không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để phát triển trong giai đoạn mới. Đó là chất lượng phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi ở nhiều nơi chưa được duy trì bền vững do tỷ lệ trẻ em 3 - 4 tuổi đi học còn thấp. Tại các vùng khó khăn, trẻ em được tiếp cận GDMN muộn so với độ tuổi. Các điều kiện bảo đảm chất lượng toàn diện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp Một ở một số nơi chưa đáp ứng so với yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, để đạt được đích phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo cần sớm khắc phục tình trạng thiếu phòng học, thiết bị, đặc biệt là thiếu đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ tập trung huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, trong khi trẻ từ 3 - 4 tuổi và trẻ nhà trẻ được huy động đến cơ sở GDMN còn ở mức thấp; nhiều trẻ đến 5 tuổi mới được tiếp cận với GDMN. Cùng đó, cần phải xóa khoảng cách đáng kể về GDMN giữa các vùng miền…

Từ thực tế địa phương, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: Trẻ em độ tuổi mẫu giáo (3 - 5 tuổi) ra lớp là phù hợp nhu cầu học tập, giao tiếp và phát triển. Trẻ chỉ phát triển toàn diện khi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo khoa học. Ở trường, trẻ mới được tiếp xúc, trải nghiệm với bạn bè đồng trang lứa. Với môi trường này, kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ, tình cảm, tâm lý sẽ được phát huy đầy đủ. Thế nên việc để trẻ ở nhà, môi trường phát triển bị hạn chế, cha mẹ phải ở nhà trông hoặc gửi cho ông bà khi điều kiện sức khỏe, nhận thức thiếu hụt là thiệt thòi lớn cho trẻ.

Là địa phương vừa có vùng biển, núi cao và đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, chia sẻ: “Nếu ở địa bàn khu vực kinh tế - xã hội phát triển mong muốn một thì vùng cao, vùng dân tộc thiểu số chúng tôi mong muốn 10. Chỉ khi trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi được tiếp cận GDMN mới tạo điều kiện để mục tiêu phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi được duy trì liên tục, chất lượng bền vững; cung cấp nền tảng và khơi dậy tiềm năng sẵn có cho trẻ vào lớp Một, đặc biệt cần thiết cho trẻ em vùng khó khăn, núi cao, hải đảo”.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số địa phương đồng tình, muốn sớm được thực hiện việc phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi, trong khi, một số tỉnh, thành phố khác còn băn khoăn về nguồn lực và điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế xã hội hóa thu hút đầu tư, nguồn tuyển giáo viên và cơ chế tuyển dụng. Chính sách cho giáo viên mầm non hiện tại chưa đủ thu hút học sinh, sinh viên đến với GDMN. Những vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, thiếu chính sách đặc thù cho cả trẻ em, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở GDMN. - PGS.TS Nguyễn Bá Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ