Gian nan phổ cập giáo dục Mầm non ở vùng biên

GD&TĐ - Để vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi, giáo viên mầm non vùng biên xứ Thanh phải lặn lội vào bản 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp'.

Trẻ mầm non ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) thích thú khi được chụp ảnh. Ảnh: Thế Lượng.
Trẻ mầm non ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) thích thú khi được chụp ảnh. Ảnh: Thế Lượng.

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 5 tuổi và hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn của tỉnh Thanh Hóa đã, đang đạt được những hiệu quả rất khả quan.

Đảm bảo tỷ lệ trẻ ra lớp

Trường Mầm non Tam Thanh, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) là nơi nuôi dạy, chăm sóc trẻ đa số là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chủ yếu là học sinh tộc người Thái, có một số con, em dân tộc Mường và người Kinh.

Cô Ngân Thị Thướng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh, cho biết - Tam Thanh là xã biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Xã Tam Thanh cách trung tâm huyện Quan Sơn 20km, có 18 km đường biên giới quốc gia với nước bạn (Lào).

Toàn xã có 8 bản, 829 hộ, với 4.109 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm 5,56 %, cận nghèo chiếm 44,57%. Có 3 dân tộc anh em cùng chung sống (Thái, Mường, Kinh). Người dân địa phương chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản, trồng trọt và chăn nuôi.

Cô và trò Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) - tại điểm lẻ Cha Lung. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cô và trò Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) - tại điểm lẻ Cha Lung. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cũng theo cô Thướng, năm học 2022-2023, nhà trường có tổng số 286 trẻ. Trong đó, nhóm trẻ là 72 cháu và nhóm mẫu giáo là 214 bé. Với số trẻ nêu trên, nhà trường bố trí thành 22 nhóm, lớp. Trong đó, mẫu giáo 5 tuổi là 6 lớp/90 trẻ; mẫu giáo 4 tuổi có 4 lớp/62 trẻ; mẫu giáo 3 tuổi có 4 lớp/62 trẻ. Đối với các nhóm trẻ từ 13-24 tháng có 16 trẻ chia thành 2 nhóm và nhóm trẻ từ 25-36 tháng có 56 cháu được chia thành 6 nhóm.

Với đặc thù là ngôi trường vùng biên giới, địa hình phức tạp, dân số phân bố không đồng đều, nên công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) những năm qua của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn.

Khi triển khai công tác PCGDMN, nhà trường gặp phải những khó khăn về công tác điều tra, huy động trẻ ra lớp. Các cô giáo phải lặn lội vào tận những bản xa xôi, hẻo lánh để điều tra, vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi.

Có nhiều gia đình do cha mẹ của trẻ đi làm ăn xa, nên sự quan tâm tới các con và sự phối hợp với giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Phần đa các thông tin trao đổi đều thông qua ông bà, anh chị và người thân của trẻ hoặc qua zalo nhóm lớp.

Điểm trường mầm non ở bản Cha Lung, xã Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) đã được đầu tư, xây dựng khang trang. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Điểm trường mầm non ở bản Cha Lung, xã Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) đã được đầu tư, xây dựng khang trang. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

“Trước đây, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến trẻ có đến trường mầm non hay không. Sau khi các cô giáo vào tận nhà tuyên truyền, giải thích, vận động... thì bà con cũng dần nhận ra tầm quan trọng khi trẻ được đến lớp. Vì vậy, hiện nay việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đúng độ tuổi đã ổn định với tỷ lệ đạt 100%”, cô Thướng chia sẻ.

Cùng với công tác huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi, Ban giám hiệu Trường Mầm non Tam Thanh luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

“Tháng 7/2019, tôi về nhận công tác trong vai trò quản lý nhà trường. Lúc bấy giờ, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn vô cùng. Với nhiều phòng học có dấu hiệu xuống cấp, một số điểm lẻ đang là nhà tranh tre, dột nát. Điểm trường chính còn gặp khó khăn vì diện tích chật hẹp...

Rất may, được sự quan tâm của Phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh và các nhà hảo tâm... đã hỗ trợ, xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường khá khang trang. Từ đó, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp xanh - sạch - đẹp”, cô Thướng tâm sự.

Giờ chơi của trẻ ở Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Giờ chơi của trẻ ở Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cũng theo cô Thướng, trong các điểm lẻ, nhà trường đều đã tổ chức được bếp ăn bán trú. “Điểm trường Cha Lung trước kia khó khăn vô cùng. Giờ đây, khu lẻ này đã được các nhà hảo tâm tài trợ, xây dựng 5 phòng học, nhà bếp, hệ thống vệ sinh, sân chơi... khang trang hiện đại.

Vì thế, nhà trường dồn trẻ từ bản Pa ra khu Cha Lung, để các con có điều kiện ăn, học bán trú. Tại điểm lẻ này, hiện nay có 90 trẻ được ăn, học bán trú hàng ngày, nên phụ huynh cũng rất yên tâm gửi con đến lớp. Tại điểm trường chính và bản Ngàm, hiện nay các con cũng đã được ăn bán trú hàng ngày”, cô Thướng nói.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”

Trong năm học mới này, Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) đã cơ bản ổn định về việc tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại điểm lẻ xa xôi, khó khăn nhất, đó là bản Ón.

Bản Ón cách điểm trường chính hơn 20km đường rừng. Trẻ ở đây đều là con, em đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước, do điều kiện kinh tế của địa phương vô cùng khó khăn, nên cơ sở vật chất của điểm trường chưa được đầu tư, xây dựng.

Vài năm trở lại đây, điểm trường này đã được Nhà nước đầu tư xây dựng phòng học kiên cố, nên nhà trường quyết tâm kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, các tổ chức từ thiện góp sức xây dựng bếp ăn, để tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường.

Cô Hàn Thị Giang (áo sẫm) và giáo viên lo bữa ăn bán trú cho trẻ ở điểm trường bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.

Cô Hàn Thị Giang (áo sẫm) và giáo viên lo bữa ăn bán trú cho trẻ ở điểm trường bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.

Cô Hàn Thị Giang – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Tâm nguyện thì rất nhiều, nhưng trước mắt nhà trường mong muốn cơ sở vật chất ngày càng khang trang, để có điều kiện nuôi dạy, chăm sóc trẻ tốt hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục để trẻ được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”.

Xã Tam Chung là một xã biên giới giáp với nước bạn Lào, có đường biên giới dài 8km, có 8 thôn, bản. Có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, là: Thái, Mường, Mông, Kinh. Trong đó, dân tộc Mông chiếm khoảng 48%.

Là một xã thuần nông, nền sản xuất của nhân dân chủ yếu là nương rẫy và phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Địa hình phức tạp, nên việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Trường Mầm non Tam Chung có 7 điểm trường, một điểm đặt tại trung tâm xã và 6 điểm lẻ đặt tại các bản. Nhà trường có 18 nhóm lớp với 321 trẻ.

Giáo viên Trường mầm non Tam Chung (Mường Lát) chăm sóc cho trẻ. Ảnh: Thế Lượng.

Giáo viên Trường mầm non Tam Chung (Mường Lát) chăm sóc cho trẻ. Ảnh: Thế Lượng.

“Trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh đóng góp ủng hộ, phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Nâng cao chất lượng toàn diện là mục tiêu phấn đấu của nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động số trẻ trên địa bàn ra lớp, đóng góp kinh phí xây dựng cải tạo cơ sở vật chất có hiệu quả...”, cô Giang tâm sự.

Tuy nhiên, do nhà trường có tới 7 điểm lẻ, địa hình rộng, sự phân bố dân cư không đồng đều, nên các điểm trường còn cách xa nhau. Vì vậy, có những khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn cũng như đầu tư về cơ sở vật chất. Trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tranh ảnh trực quan, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng với yêu cầu của phổ cập.

Để làm tốt công tác phổ cập GDMN trên địa bàn, giáo viên nhà trường phải lặn lội vào các bản Ón, Suối Phái, Suối Lóng, bản Cân, Tân Hương... những buổi chiều muộn.

Trẻ mầm non ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) được ngủ bán trú tại lớp. Ảnh: Thế Lượng.

Trẻ mầm non ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) được ngủ bán trú tại lớp. Ảnh: Thế Lượng.

“Nếu vào ban ngày, thì cha mẹ của trẻ lên nương rẫy đi làm, không thể gặp và nói chuyện được. Nhiều gia đình có tâm lý không muốn đưa trẻ tới trường khi đang nhỏ tuổi. Đặc biệt, thời gian trước, khi điểm lẻ ở bản Ón chưa tổ chức ăn bán trú được, lại càng khó vận động hơn. Rất may, hiện nay điểm trường xa xôi, khó khăn nhất này đã tổ chức ăn bán trú cho các con, đó là một điều chúng tôi rất mừng và cảm thấy hạnh phúc”, cô Giang bộc bạch.

Cũng theo nữ hiệu trưởng, hiện tại nhà trường mới tổ chức bán trú cho trẻ được 3 điểm trường, gồm: Điểm trường chính, bản Poọng và bản Ón. “Chúng tôi đang phấn đấu và nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm để sang năm học tới, sẽ tổ chức bán trú cho các con ở những điểm lẻ còn lại”, cô Giang thông tin.

“Ở Mường Lát đang còn rất nhiều điểm trường lẻ bậc mầm non rất khó khăn. Vì vậy, công tác phổ cập GDMN, huy động trẻ ra lớp đang là vấn đề nan giải. Các cô giáo mầm non phải tranh thủ trong thời gian nghỉ hè, lặn lội đến các bản xa xôi, hẻo lánh, như: Tà Cóm, Cá Ráng, Pa Búa, Sài Khao, Suối Ún, Trung Thắng, Ón,... để vận động phụ huynh đến trường.

Do điều kiện kinh tế của người dân đang nhiều khó khăn, nên học sinh ở đây rất thiệt thòi. Việc các trường mầm non trên địa bàn huyện tổ chức được những bữa ăn bán trú cho trẻ, là một sự cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ giáo viên mầm non”, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó trưởng (phụ trách) Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ