Sự chuẩn bị
Kết hợp với bộ phận chuyên môn phân tích, đánh giá tình hình học sinh, điều kiện trường lớp, nhu cầu nghề nghiệp của học sinh, từ đó biết được nhu cầu học tập môn toán.
Trên cơ sở nhu cầu học tập bộ môn, chỉ tiêu chung của nhà trường, lập kế hoạch ôn tập chi tiết của cá nhân theo kế hoạch chung của bộ môn.
Theo dõi, cập nhật thông tin mới nhất về kỳ thi THPTQG để có được sự chuẩn bị phù hợp đồng thời để tư vấn cho học sinh khi cần thiết, điều này sẽ giúp cho học sinh ổn định tâm lý, an tâm, tự tin hơn học tập. Cụ thể, công văn số 5480/BGDĐT-QLCL-V/v tổ chức Kỳ thi THPTQG năm 2019, ngày 04 tháng 12 năm 2018 nêu:
“Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh; Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ”.
Phối hợp với các giáo viên dạy cùng khối phân tích đề tham khảo của Bộ GD&ĐT cũng như cấu trúc của đề thi THPTQG các năm trước để đối chiếu với chuẩn kiến thức kỹ năng, nội dung trong chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Thực hiện
Dạy kiến thức mới kết hợp với ôn tập kiến thức cũ và luyện tập theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã công bố trong năm nay và các năm trước đối với những nội dung phù hợp với yêu cầu mới. Tập trung sâu vào nội dung chương trình lớp 12, sau đó tùy tình hình thực tế sẽ ôn tập các nội dung trọng tâm của lớp 10 và 11 (nội dung này có thể đưa vào phần riêng trong tài liệu ôn tập để học sinh khá giỏi chủ động tự ôn tập).
Ôn tập, kết hợp với kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ theo kế hoạch cá nhân và kế hoạch chung của trường, của Sở GD&ĐT.
Cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt các nội dung chỉ đạo chuyên môn về việc ôn tập thi THPT quốc gia.
Biên soạn tài liệu giảng dạy theo hướng kiểm tra đánh giá bằng hình thức tự luận (TL) và trắc nghiệm khách quan (TNKQ), chú trọng nhiều đến TNKQ. Trong đó, luyện tập bằng hình thức TNKQ để tập cho học sinh quen dần với việc thi THPT quốc gia; còn hình thức TL để học sinh rèn luyện tư duy, cách trình bày một vấn đề điều này sẽ giúp các em giải quyết được các nội dung khó trong đề thi và đặc biệt quan trọng đối với những học sinh còn tiếp tục học ở những bậc học cao hơn trong tương lai.
Biên soạn tài liệu ôn tập chi tiết theo hình thức TNKQ, theo cấu trúc đề tham khảo mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong đó chia làm hai phần: phần cơ bản dành cho tất cả học sinh và phần nâng cao dành cho những học sinh khá giỏi, có đáp án và hướng dẫn giải các bài tập khó để học sinh đối chiếu kết quả sau khi làm bài và tham khảo khi cần.
Khi giảng dạy kiến thức mới chú trọng việc làm rõ bản chất của vấn đề, vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào từng bài toán cụ thể kể cả TL và TNKQ, khi ôn tập giúp học sinh hệ thống lại kiến thức đã học theo một mạch kiến thức chung, từ đó áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Kết hợp việc giải các bài tập ở sách giáo khoa với việc giải các bài tập cùng lĩnh vực trong các đề tham khảo, đề thi một cách hợp lý.
Lưu ý, hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính cầm tay (MTCT) hợp lý, xem MTCT như là một công cụ hỗ trợ tính toán tích cực chứ không được phụ thuộc hoàn toàn vào MTCT (điều này đã được thể hiện rõ qua đề tham khảo của BGD-ĐT vừa qua).
Đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh về chuyên môn lẫn tinh thần để giúp các em giảm bớt áp lực, an tâm và tự tin trong học tập, điều này sẽ góp phần to lớn vào việc nâng cao kết quả học tập.
Rút kinh nghiệm và điều chỉnh
Phân tích kết quả và đề thi của kỳ thi năm trước so với kế hoạch để thấy được những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại để rút kinh nghiệm cho việc tổ chức thực hiện việc ôn tập hiện tại.
Thường xuyên theo dõi các kênh thông tin chính thống về Kỳ thi THPT quốc gia, sự chỉ đạo chuyên môn của Sở GD&ĐT, của tổ chuyên môn liên quan đến kỳ thi theo từng giai đoạn để cập nhật những thay đổi, điều chỉnh kịp thời.
Tham dự đầy đủ các buổi hội nghị, hội thảo về ôn tập thi THPT quốc gia do sở GD&ĐT, các trường đăng cai tổ chức theo cụm để chia sẻ, đút kết kinh nghiệm cho bản thân.
Sau mỗi lần kiểm tra, phân tích kết quả, xem xét lại đề kiểm tra để đối chiếu với chỉ tiêu đề ra để rút kinh nghiệm cho việc ôn tập trong giai đoạn tiếp theo.