Môn tích hợp lần đầu được dạy ở lớp 6: Dạy sao cho hiệu quả?

GD&TĐ - Lịch sử và Địa lý là môn tích hợp lần đầu tiên được giảng dạy ở lớp 6 từ năm học 2021 - 2022.

Môn học tích hợp sẽ giúp học sinh có nhiều cách tiếp cận với kiến thức.
Môn học tích hợp sẽ giúp học sinh có nhiều cách tiếp cận với kiến thức.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, đồng Tổng Chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) - một trong những SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt - chia sẻ lưu ý giúp giáo viên (GV) dạy học hiệu quả môn học này.

-  PGS có thể chia sẻ những điểm mới đáng chú ý của SGK Lịch sử và Địa lý (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)?

- SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 bảo đảm đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT. Sách tiếp thu tối đa những ưu điểm của chương trình và SGK hiện hành, đồng thời tham khảo, học tập cách biên soạn SGK của các nước ngoài. Nó giúp GV đổi mới hiệu quả phương pháp tổ chức các hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục. Kiến thức trong sách bảo đảm được nguyên tắc “chuẩn mực, khoa học, hiện đại”. Xin khẳng định, bộ sách này đổi mới toàn diện, từ cách tiếp cận đến phương pháp biên soạn, đổi mới cấu trúc nội dung sách đến cách trình bày, thiết kế, in ấn… 

Bộ sách giúp HS có hiểu biết về lịch sử, địa lý dân tộc, thế giới, từ đó có nhận thức đúng đắn, cách ứng xử phù hợp, xây dựng tình yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống; góp phần hình thành ý thức cũng như hành động xây dựng đất nước phát triển, văn minh, tiến bộ hơn.

Về cấu trúc, sách được cấu trúc theo các chương, bài. Phần Lịch sử có 5 chương, 20 bài, mạch nội dung được sắp xếp theo logic thời gian và khu vực: Lịch sử thế giới, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam từ thời nguyên thủy đến đầu thế kỉ X. Phần Địa lý có Bài mở đầu, 7 chương, 30 bài, nội dung là những kiến thức cơ bản về địa lý tự nhiên đại cương, mối quan hệ của con người và thiên nhiên. Cấu trúc sách khác biệt với SGK hiện hành, vừa giúp GV, HS có định hướng trong hoạt động dạy học vừa tạo sự hấp dẫn cho bài học, giúp hình thành và phát triển kĩ năng, năng lực và phẩm chất cho HS.

PGS Nghiêm Đình Vỳ.
PGS Nghiêm Đình Vỳ.

- Để khai thác tốt nhất SGK Lịch sử và Địa lý, từ đó dạy học hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chương trình mới, GV cần lưu ý gì, thưa GS?

- Việc đầu tiên cần lưu ý trong quá trình dạy học Lịch sử và Địa lý là vận dụng các phương pháp dạy học mới linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng dạy học (HS) và điều kiện cụ thể. GV vận dụng các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại)... theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, đề cao vai trò chủ thể học tập của HS (thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án) mà SGK gợi ý. GV cũng cần đa dạng hoá và sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học. Theo đó, kết hợp các hình thức học cá nhân, nhóm, học ở lớp, bảo tàng, các di tích lịch sử, ngoài thực địa, học theo dự án học tập... Chú trọng phương pháp dạy học có tính đặc trưng cho bộ môn Lịch sử và Địa lý.

Điểm cần chú ý khi khai thác các hoạt động hình thành kiến thức mới bao gồm: Kênh chữ và kênh hình; trong đó phân thành 2 tuyến: Tuyến chính và tuyến phụ. Tuyến chính là nội dung chính của bài học, bao gồm kênh chữ (bài, tư liệu…), kênh hình (tranh ảnh, lược đồ...) và hệ thống câu hỏi hoặc bài tập, là chất liệu để tổ chức hoạt động học tập cho HS. Tuyến phụ bao gồm các phần: “Em có biết”, “Kết nối với Địa lý”, “Văn học, Nghệ thuật, với ngày nay”… Đây là những nội dung kiến thức mở rộng/nâng cao, hoặc có tính tích hợp, liên môn với kiến thức các môn học khác nhằm làm rõ hơn nội dung chính. 

Bên cạnh lí thuyết, GV cần coi trọng đánh giá các kĩ năng thực hành Lịch sử và Địa lý, như: Làm việc với bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh; quan sát, thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin; sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời; công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập...

Ngoài SGK giấy, GV nên tham khảo các học liệu điện tử trên website hanhtrangso.nxbgd.vn và nhiều tài liệu tham khảo khác dành cho GV tại website: taphuan.nxbgd.vn của NXB Giáo dục Việt Nam.

- Với đặc trưng môn học gồm hai môn thành phần là Lịch sử và Địa lý, theo PGS, nhà trường nên bố trí GV dạy như thế nào cho phù hợp?

- SGK được thiết kế thành hai phần Lịch sử, Địa lý riêng, nên khi triển khai chương trình, GV Lịch sử và GV Địa lý sẽ dạy phần nội dung phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công của nhà trường. Trong quá trình thực hiện chương trình, GV có điều kiện, nguyện vọng có thể học thêm một số tín chỉ ở trường sư phạm để một mình đảm nhiệm dạy trọn vẹn một môn học. GV Lịch sử học thêm tín chỉ về Địa lý và ngược lại. Việc học theo tín chỉ không đòi hỏi tập trung nên mỗi năm GV có thể học một số tín chỉ tùy theo điều kiện của mình cho đến khi hoàn thành chương trình đào tạo. Hiện việc đào tạo GV dạy các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên đang được triển khai tại các trường sư phạm.

Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn: Với mỗi mạch kiến thức trong các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp THCS có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học. Ví dụ, với cấp THCS, mỗi mạch nội dung của môn Lịch sử và Địa lý có thể phân công cho một GV Lịch sử và một GV Địa lý để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học. Mỗi mạch nội dung của môn Khoa học tự nhiên có thể phân công cho một GV có chuyên môn phù hợp (Hoá học: Chất và sự biến đổi chất; Sinh học: Vật sống; Vật lý: Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời) để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng 1/2 học kì của năm học. 

-  Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.