Môn tích hợp Khoa học ở trường trung học được triển khai từ cách đây nửa thế kỷ

GD&TĐ - Gần đây có nhiều ý kiến đóng góp đối với môn tích hợp cấp THCS. Ý kiến chung là đồng thuận, song vẫn có ý kiến phản đối kịch liệt, họ cho rằng tích hợp Khoa học tự nhiên là rất mới, không phù hợp với tình hình đội ngũ hiện tại, đi ngược với tiền lệ, gây phức tạp vì 2 - 3 thầy dạy một môn.

Môn tích hợp Khoa học ở trường trung học được triển khai từ cách đây nửa thế kỷ

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cách đây hơn nửa thế kỷ, giáo dục Việt Nam đã xây dựng và triển khai môn tích hợp Khoa học ở  trường trung học.

Xây dựng và triển khai giáo dục tổng hợp từ năm 1960

Năm 2012, Bộ GD&ĐT giao cho Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM nghiên cứu đề tài “Giáo dục phổ thông miền Nam giai đoạn 1954 - 1975” nhằm nghiên cứu những ưu điểm, hạn chế của chương trình giáo dục này tham khảo cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đề tài này do PGS.TS Ngô Minh Oanh làm chủ nhiệm.

Từ những năm 1960, để cải tổ chương trình trung học hiện thời, một loại hình trường học mới ra đời, đó là trường trung học kiểu mẫu, như Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức (Sài Gòn), Trung học Kiểu mẫu Huế (lập năm 1964) và Trung học kiểu mẫu Cần Thơ (1968). Các trường này có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng và thực nghiệm Chương trình giáo dục tổng hợp (Comprehensive Education).

Đây là một chương trình giáo dục gắn nhà trường với thực tiễn, xuất phát từ quan điểm của triết gia John Dewey (Hoa Kỳ): trường học không phải là nơi chuẩn bị cuộc sống mà chính là cuộc sống. Chương trình trung học tổng hợp (THTH) có 4 đặc trưng cơ bản là: phát triển toàn diện con người, ứng dụng hoá giáo dục, cá nhân hoá giáo dục và dân chủ hoá giáo dục.

Chương trình này chú trọng đến thực tiễn và hướng nghiệp, các kiến thức tự nhiên và xã hội được học phải hữu ích với cuộc sống HS, nhất là các môn Doanh thương, Kinh tế gia đình, Công kỹ nghệ, Canh nông... Ở cấp THCS, HS học chung một chương trình, nhưng đến cấp THPT là cấp định hướng nghề nghiệp nên HS được chia thành 8 ban, gồm: Khoa học thực nghiệm, Toán, Văn chương - Sinh ngữ, Văn chương – Cổ ngữ, Canh nông, Doanh thương, Kinh tế gia đình và Công kỹ nghệ. Ngoài ra, HS còn được học một số môn nhiệm ý (tự chọn) theo sở thích của mình.

Trong chương trình THTH thể hiện tích hợp ở mức độ cao, môn Khoa học là tích hợp giữa các môn Vật lý, Hoá học, Vạn vật (gồm Thực vật học, Động vật học, Địa chất học…); môn Kiến thức xã hội tích hợp các môn Giáo dục công dân, Sử, Địa và Tâm lý.

Nguyên tắc, mục tiêu, nội dung môn Khoa học

Các nguyên tắc xây dựng môn Khoa học được xác định là: phù hợp với mục tiêu của chương trình THTH, hướng đến triết lý nhân bản, dân tộc và khai phóng; phù hợp với hiện trạng đội ngũ giáo viên hiện tại; các kiến thức phải được sắp xếp phù hợp tri năng và tâm lý HS (từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ bản chất vật chất đến hiện tượng và ý niệm, từ quan sát, thí nghiệm đến khái quát hoá, trừu tượng hoá, giải thích, ứng dụng).

Về mục tiêu, môn Khoa học nhằm: giúp HS có được những kiến thức khoa học căn bản, có kỹ năng khoa học, biết suy luận và phán đoán theo tinh thần khoa học, có được một thái độ khoa học tích cực. Các mục tiêu được cụ thể hoá bằng kiến thức, kỹ năng và thái độ.Trong đó, hình thành ở HS 4 kỹ năng quan trọng như: kỹ năng quan sát, đo lường, sử dụng dụng cụ và thu thập dữ liệu, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ khoa học, các ký hiệu, công thức, biểu đồ, kỹ năng hoạt động trí tuệ như phân tích, tổng hợp, trừu tượng, khái quát và cuối cùng là kỹ năng đặt và giải quyết vấn đề.

Về nội dung, môn Khoa học có sự kế thừa kinh nghiệm giảng dạy Khoa học ở các trường trung học Hoa Kỳ và phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhận thức của lứa tuổi HS THCS. Cụ thể chương trình Khoa học ở các lớp THCS như sau:

Đối với lớp 6, có 5 chủ đề chính, không phân biệt môn, gồm: phương pháp khoa học, tìm hiểu tính chất của vật chất, khảo sát một vài chất thông thường, khảo sát cấu tạo của vỏ địa cầu và khảo sát sinh vật.

Đối với lớp 7, có 6 chủ đề chính: phương pháp khoa học; nhiệt và vật chất, biến đổi hoá học, khảo sát sinh vật, địa cầu và không gian và khoa học và đời sống. Trong đó, khoa học và đời sống bao gồm: sinh vật là nguồn thực phẩm; nhiên liệu do sinh vật tạo thành: than đá, dầu lửa, khí đốt; sự ô nhiễm môi trường; rừng và bảo vệ rừng. Đây là một chủ đề thiết thực, hiện trong dự thảo môn Khoa học tự nhiên của Bộ GD&ĐT công bố chưa có.

Đối với lớp 8, bắt đầu có sự phân chia theo logic và hệ thống của từng lĩnh vực riêng: Vạn vật, Vật lý và Hoá học. Trong đó, phần Vạn vật gồm: Sinh học (tổ chức cơ thể và cơ năng); Địa chất học (những hiện tượng địa chất); Khoa học và đời sống (nước ngầm, đất đai và sự bảo vệ đất, ứng dụng sự chọn lọc nhân tạo trong chăn nuôi và trồng trọt). Vật lý học gồm: Tĩnh lực học; Công và công suất; Năng lượng và các dạng năng lượng. Hoá học gồm: Khảo sát các tính chất không kim loại tiêu biểu; Khảo sát các kim loại tiêu biểu; Hợp kim; Phân biệt đơn chất không kim loại và kim loại; Sơ lược về phương pháp luyện kim.

Đối với lớp 9, tiếp tục phân chia theo logic và hệ thống của từng lĩnh vực. Trong đó, phần Vạn vật gồm: Giải phẫu học và sinh lý học nhân thể; Vi sinh vật và Vệ sinh học Vật lý học, gồm: Điện học (đại cương về điện học, dòng điện một chiều, dòng điện xoay chiều, điện ứng dụng); Quang học (đại cương về quang học, sự truyền thẳng, sự phản chiếu, sự chiết xạ, lăng kính, thấu kính, quang học ứng dụng); Hoá học (đại cương về chất hữu cơ và hoá hữu cơ, Hidro – carbon, vài chất hữu cơ có C, H và O, hợp chất trùng hợp).

Chương trình Khoa học cấp THPT, về nội dung được xây dựng theo các mô đun. Môn Vạn vật có 6 mô đun, Vật lý có 8 mô đun, và Hoá học 7 mô đun. HS được lựa chọn học theo các mô đun khác nhau tuỳ theo ban và định hướng nghề nghiệp của các em.

Có thể khẳng định rằng, Việt Nam chúng ta đã từng xây dựng, giảng dạy thí điểm môn Khoa học tự nhiên một cách bài bản, có thực nghiệm, có đánh giá và mở rộng dần dần. Chương trình này hoàn toàn do các nhà giáo tâm huyết Việt Nam xây dựng. Qua nội dung chương trình cho thấy, kiến thức không quá cao, gần gũi và gắn với thực tế. Nhờ vậy, mà hầu hết GV của các trường thí điểm lúc bấy giờ đều thực hiện được.

Cách thiết kế môn Khoa học giống với môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS và các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học ở cấp THPT trong chương trình GDPT mới. Điều này càng khẳng định tính khoa học, đúng đắn và phù hợp của việc tích hợp Khoa học tự nhiên trong chương trình cấp THCS, đó không phải là môn học quá xa lạ với giáo dục Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ