Đó là kinh nghiệm từ thực tiễn giảng dạy của thạc sỹ Trần Thị Hoa – Giáo viên Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên, Tuyên Quang).
Theo ThS Trần Thị Hoa, dạy học liên môn trong môn Văn là làm cho người học nhận thức được tác phẩm văn học trong môi trường văn hóa- lịch sử sản sinh ra nó hay trong môi trường diễn xướng của nó; thấy được mối quan hệ mật thiết giữa văn học và lịch sử phát sinh; văn học với các hình thái ý thức xã hội khác đồng thời khắc phục được tính tản mạn trong kiến thức văn hóa của học sinh.
“Qua quá trình dạy học, tôi nhận thấy việc tham khảo tài liệu từ các lĩnh vực khác có vai trò quan trọng trong việc khôi phục, tái hiện hình ảnh quá khứ. Tài liệu tham khảo giúp người học xây dựng được tầm đón nhận phù hợp với văn bản” – ThS Trần Thị Hoa trao đổi.
Sử dụng tư liệu về các tác phẩm nghệ thuật
Việc sử dụng tài liệu liên môn còn giúp người học có thêm cơ sở để hiểu rõ quy luật phát triển của văn học, hình thành củng cố nhiều phương pháp nghiên cứu văn học.
Nói về việc sử dụng tư liệu các tác phẩm nghệ thuật trong việc dạy học môn Ngữ văn, ThS Trần Thị Hoa nhấn mạnh: Hội họa, kiến trúc, sân khấu, điêu khắc, ca nhạc, phim ảnh…là kết quả sáng tạo của xã hội loài người. Một hình ảnh nghệ thuật giúp người học sử dụng trí tưởng tượng của mình tập trung vào những điểm quan trọng.
Trong sách Ngữ văn bậc THPT, chưa có nguồn tư liệu này, có chăng chỉ là tranh chân dung nghệ sĩ. Giáo viên bổ sung hình ảnh tư liệu thuộc các lĩnh vực nói trên vào bài giảng để học sinh có vốn văn hóa rộng khi tiếp nhận. Bản thân văn học có mối quan hệ mật thiết với các loại hình nghệ thuật khác.
Học sinh tiếp nhận kiến thức văn học qua tranh ảnh, đồ dùng trực quan kết hợp với bài viết sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo sẽ nhớ lâu và hứng thú hơn.
Để việc khai thác nguồn tư liệu này có hiệu quả, phát huy tính tích cực của học sinh, giáo viên cần nghiên cứu kỹ mục tiêu và nội dung của từng tư liệu trong bài học, tư liệu thuyết minh hình ảnh.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, giáo viên trình chiếu kênh hình sẽ có ưu thế hơn vì học sinh được trực quan với hình ảnh rõ, kích thước lớn, màu sắc sinh động và ấn tượng hơn.
Ví dụ, dạy bài Vịnh khoa thi hương của Trần Tế Xương, giáo viên có thể kết hợp việc tích hợp kiến thức lịch sử với tranh ảnh về kì thi năm Đinh Dậu sẽ khiến bài dạy sinh động và hiệu quả hơn rất nhiều.
Sử dụng tài liệu các lĩnh vực văn hóa khác
Về nội dung này, ThS Trần Thị Hoa cho rằng: Việc vận dụng kiến thức liên môn của giáo dục công dân, giáo dục kĩ năng sống, kiến thức dân tộc học, triết học… góp phần làm sáng rõ khi lí giải các khái niệm hay tư tưởng tác phẩm.
Chẳng hạn như khi dạy bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm, giáo viên có thể khéo léo lồng nội dung giáo dục kĩ năng sống về sứ mệnh của người hiền tài của ngày hôm nay: Không chỉ người học rộng tài cao mới có sứ mệnh của người hiền tài mà tất cả mọi người có năng lực, có khả năng trên lĩnh vực nào đó đều cần phải biết rõ mình nên làm gì.
Mỗi người hãy tự rút ra cho mình một bài học về cách sống ở đời. Hãy sống tự tin, bản lĩnh và cống hiến hết mọi khả năng của mình cho cuộc đời rộng lớn. Đó là ý nghĩa cuộc sống của con người hiện đại trong thế giới phẳng - giao lưu và hội nhập.
Cũng trong bài học này, giáo viên có thể mở rộng phân tích đặc điểm đối tượng cầu hiền là những nho sĩ mang nặng tư tưởng bảo thủ “tôi trung không thờ hai chủ”. Họ lại mặc cảm là người của triều đại cũ, sợ không được Quang Trung tin dùng.
Mặt khác, một bộ phận trong họ không coi trọng Quang Trung vì cho rằng Quang Trung không thuộc dòng dõi quý tộc, lại sinh hạ ở đàng trong, một nơi chưa phát triển về giáo dục.
Nhiệm vụ của Chiếu cầu hiền là phải phá bỏ những rào cản tâm lí đó. Điều dễ dàng nhận thấy là xuyên suốt tác phẩm, Ngô Thì Nhậm sử dụng thật nhiều, thật khéo các thành ngữ điển cố uyên thâm, những cách nói của Khổng Tử, cách diễn giải của Luận ngữ để đối tượng cầu hiền thấy được sự uyên bác của Quang Trung.
Đồng thời, tác giả bài chiếu cũng cho sĩ phu Bắc Hà thấy được tấm lòng chiêu hiền, đãi sĩ của Quang Trung ân cần, chân thành biết nhường nào.
“Có thể nói, tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học nói chung và dạy học văn phần văn học trung đại nói riêng là cần thiết. Mục đích tích hợp trước tiên để học sinh hiểu đúng, hiểu sâu kiến thức trong bài học đồng thời mở rộng vốn hiểu biết những lĩnh vực khác liên quan đến bài học”- ThS Trần Thị Hoa trao đổi.